Bản năng người phụ nữ trong một đứa trẻ năm tuổi là những ao ước và tưởng tượng về trò chơi đám cưới. Khi tham gia trò chơi ấy, người phụ nữ tương lai được diễn lại những gì đã thấy trên màn hình ti vi hay đâu đó trong cuộc sống hàng ngày: một cô dâu mặc váy cưới trắng muốt, cài voan trên đầu và cầm hoa trên tay, xúng xính và ngượng ngùng đi bên chú rể.
Cô dâu năm tuổi ấy hẳn không được phục trang đẹp đẽ như thật nhưng vẫn ý thức làm đẹp cho mình hơn với chùm hoa dại ngắt vội bên lề đường và ánh mắt long lanh, háo hức chờ đợi cậu bạn học cùng lớp mẫu giáo đeo cho chiếc nhẫn cỏ.
Trong mắt các cô gái, nghi lễ nhà thờ của đạo Thiên chúa trở thành chuẩn mực đến mức ai cũng ướm thử mình vào cái địa vị được hỏi: Con có đồng ý lấy người đàn ông này làm chồng để chung sống và yêu thương suốt cả cuộc đời không? Tính chất trang trọng và duy nhất của đám cưới trong đời khiến thời thiếu nữ trở nên hồi hộp và ước ao một lời cầu hôn hơn bao giờ hết như nàng Lọ Lem chờ đợi chàng Hoàng tử đến để đánh thức một dung nhan kiều diễm, để biến nàng thành biểu tượng của vẻ đẹp cao quý và bất tử trong các câu chuyện cổ tích.
Nhiều cô gái nghĩ đám cưới giống như một thắng lợi của tình yêu, mà không cần biết đến với chiếc vòng nguyệt quế trên đầu cuộc sống của cô có được tỏa hào quang lộng lẫy không. Trói buộc được một chàng trai, được mặc váy cưới xong rồi thế nào chính cô cũng không biết và không dự định nữa.
Có ba nghi lễ quan trọng với cuộc đời của mỗi con người: Lễ thôi nôi, Lễ cưới và Lễ tang nhưng chỉ có một nghi lễ duy nhất mà một người có thể khẳng định sự hiện diện và sự chủ động của mình nhất, đó chính là đám cưới. |
Các cô tư duy đúng như những câu chuyện cổ tích vẫn thường được nghe rằng Lọ Lem mặc chiếc váy đẹp tuyệt trần sánh vai với chàng Hoàng tử làm lễ thành hôn, và câu chuyện cổ tích kết thúc, không ai biết sau khi cởi bỏ xiêm y lộng lẫy của ngày cưới, làm thế nào để cô bé Lọ Lem quen nghèo khổ sống được với một chàng Hoàng tử vốn sinh ra trong nhung lụa và làm thế nào để họ trưởng thành hơn trong những vai trò mới của cuộc sống, vai trò tái tạo vị thế cha mẹ và tái sinh cuộc đời qua những đứa con.
Đám cưới là sự khởi đầu của một gia đình mới, là sự gắn bó giữa người đàn ông và người đàn bà trong một mối quan hệ thiêng liêng. Người phương Tây xưa đã đánh giá ngày cưới giống như ngày mà bất kì người dân thường nào cũng có thể trở thành một bậc đế vương. Không phải ngẫu nhiên mà mẫu áo cưới cũng mang bóng dáng của trang phục hoàng tộc để các cô dâu tận hưởng cơ hội làm công nương cao quý trong ngày cưới của mình.
Đám cưới do đó là sự kiện để một thiếu nữ trở thành người đặc biệt, ăn mặc lộng lẫy và là tâm điểm của mọi mắt nhìn, là câu chuyện trên môi của tất cả mọi người. Chiếc váy cưới, kiểu tóc, hoa cài đầu và những trang sức khác được cô dâu lựa chọn kỹ càng để truyền tải thông điệp “em đẹp nhất hôm nay” mà không cần phải nhớ đến mình cũng chỉ là một người như mọi người thôi và ngày cưới cũng là một ngày như mọi ngày khác.
Có bao nhiêu cô dâu trong ngày cưới được sánh bước bên người chồng mà cô tin là hoàn hảo cho cuộc hôn nhân của mình? Bao nhiêu người biết chắc chú rể chính là Mr Right mà cô đã tìm kiếm? Bao nhiêu người khác cần chú rể cho đám cưới, cần người trụ cột cho gia đình và cần bước ngoặt thay đổi cuộc sống sang một trạng thái mới hơn là cần chính con người sắp sát cánh bên mình trong những năm tháng sắp tới?
Những chàng hoàng tử đã không đến nhưng những câu chuyện cổ tích vẫn cứ xảy ra. Một cô bạn tôi hay đùa rằng: Em vẫn tin hoàng tử là có thật trên đời, chỉ có điều bố anh ấy chưa lên ngôi vua. Chàng hoàng tử vẫn còn đang ẩn giấu đâu đó để đợi ngày thay đổi danh vị nhưng cô bạn tôi thì không chờ được, cô đi lấy chồng và tự viết nên câu chuyện hậu cổ tích với hai đứa con nghịch như quỷ sứ.
Người ta vẫn quan niệm rằng đám cưới là một sự bắt đầu, nhưng nó cũng là sự kết thúc với rất nhiều ý nghĩa. Một cô gái Pháp đã vượt qua cảm giác đau đớn và cái chết để quyết tâm làm đám cưới với một người đã khuất. Đó chính là thời điểm mà hôn nhân không phải là sự bắt đầu mà chính là sự kết thúc những hoài niệm của quá khứ để cô gái kia được thanh thản với ước mơ xe duyên cùng người yêu dấu của mình.
Các cô gái truyền thống ở Mỹ cũng tuân thủ nghi lễ về phục sức ngày cưới bằng “một thứ gì đó cũ, một thứ mới, một thứ đi mượn, một thứ màu xanh và một đồng xu bằng bạc trong gót giầy” trong ngày trọng đại của mình (“Something old, something new, something borrowed, something blue and a silver sixpence in your shoe”) với niềm tin rằng đồ vật cũ từ một cô dâu hạnh phúc sẽ dẫn dắt hạnh phúc ấy tiếp tục bao phủ lên cuộc đời cô dâu mới và đồ vật cũ là cầu nối giữa tương lai sắp đến và quá khứ đã qua để cô gái không thấy chông chênh trong bước chuyển quan trọng của đời mình.
Đám cưới như là cánh cửa của một ngôi nhà mới mà người con gái sẽ bước vào. Có những cánh cửa khép hờ và những cánh cửa đóng chặt cũng như rất nhiều những cảm xúc đằng sau tiếng khóc của người thiếu nữ vu quy…