Khóc cười chuyện lì xì - Tạp chí Đẹp

Khóc cười chuyện lì xì

Tin Tức

Khi trẻ “gom” lì xì

Thái độ của Minh làm tôi sững sờ, còn chị Bích, mẹ Minh, ngại ngùng: “Ai lại vô phép thế, Sen dẫn em lên lầu đi”. Đi được mấy bước, như chợt nhớ ra điều gì, Minh quay lại: “Mẹ ơi, khi nào bác Bảo đến? Năm rồi bác Bảo lì xì cho con tờ 500.000 đồng mới cứng”.

Vờ như không nghe lời của con, chị Bích nói: “Anh Bảo vậy mà tính tình rộng rãi em há. Ai như ông Nhân, người giàu nhất họ vậy mà năm ngoái lì xì cho thằng Minh có 200.000 đồng hà”. Tôi chỉ ừ hữ cho qua chuyện, lòng thầm nghĩ chắc năm rồi hai mẹ con chị Bích cũng chê tơi tả tờ 50.000 đồng của tôi.
 
Phong bao lì xì nặng nhẹ, nhiều ít không phải là điều đáng để tâm
Phong bao lì xì nặng nhẹ, nhiều ít không phải là điều đáng để tâm

Ngày đầu năm, ông anh họ đến chúc Tết gia đình tôi, vốn là nhà thờ trong họ. Theo chân anh chỉ có cô con gái nhỏ tên Linh, cháu lớn không thấy đến như mọi năm. Anh bảo: “Con Linh nói thế nào cũng không chịu đi, thôi anh để nó ở nhà”.

Sau khi lì xì cho Lan, cô bé thỏ thẻ: “Cô ơi, còn chị Linh nữa. Con nhận dùm phần chị Linh nhe cô!”. Tôi cười xòa và đưa cháu phong bao đỏ đã chuẩn bị sẵn. Con bé cười tươi rói: “Vậy là Tết này chị em con có tiền lì xì gấp đôi. Hai đứa con giao ước với nhau: con theo ba đi chúc Tết, có ai lì xì thì xin thêm phần chị. Chị ở nhà, có ai đến chúc Tết thì lấy dùm phần con”. Tôi đành cười trừ trước sự “tính toán” của mấy đứa trẻ.

“Gồng mình” lì xì

Hiền, cô bạn thân của tôi, lấy chồng về Đắk Lắk và năm ngoái là lần đầu tiên Hiền đón Tết ở quê chồng. Hiền kể: “Nhắc đến chuyện lì xì mình còn ớn. Hơn chục triệu đồng hai vợ chồng mang theo mà đến giao thừa đã hết sạch. Đêm hôm khuya khoắt phải ra trụ ATM rút tiền để sáng mùng một có tiền lì xì”.

Ngoài tiền mừng tuổi cho bà nội, bà ngoại, bố mẹ chồng, vợ chồng cô phải lì xì cho em họ, cháu họ, cả con nhà láng giềng… “Ban đầu chồng mình mang một cục tiền mới phát cho mỗi đứa 100.000 đồng. Hết 100.000 đồng chuyển sang 50.000 đồng, vậy mà trẻ con hàng xóm đến ngày càng đông, nhắm không cầm cự được, chồng mình phải đi đổi ra tiền 20.000 đồng… Đến khi nhìn lại hơn chục triệu đồng biến mất tiêu” – Hiền kể.

Còn chị Quyên, đồng nghiệp của tôi, cũng lâm vào hoàn cảnh “éo le” không kém vì lì xì Tết. Năm trước, gia đình chị đến chúc Tết nhà sếp, chị lì xì cho con trai của sếp. Sếp cũng tặng lại bao lì xì cho hai đứa trẻ nhà chị. “Về nhà mở ra mới thấy sếp lì xì cho con mình mỗi đứa một tờ 200.000 đồng còn mình chỉ lì xì con sếp 100.000 đồng. Thiệt là xấu hổ hết mức” – chị tâm sự.

Nghe đâu năm nay chị định bỏ bao lì xì 500.000 đồng cho con sếp. Khi tôi hỏi: “Chị chẳng mấy khá giả, làm vậy chi cho mệt?”, chị giãy nảy: “Không làm vậy, coi sao được em. Khó thì cũng phải ráng”.

Ý nghĩa của tục lì xì

Người Việt Nam theo tục lệ từ xưa, hằng năm, cứ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì” lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.

Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Khách tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà quan trọng là lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng hay nhẹ nhiều không phải là điều đáng để tâm lắm.

Theo Người lao động

Thực hiện: depweb

11/02/2013, 08:18