Khoảng trống tình yêu

Ai cũng nghĩ con cái là cầu nối giữa vợ chồng, nhưng thực tế nhiều khi sự ra đời của đứa con lại đặt dấu chấm hết cho tình yêu. Và khi tình yêu – cái cốt lõi của hôn nhân hiện đại – đã ra đi thì hạnh phúc gia đình cũng đến bên bờ vực thẳm.
 
Vì sao tình yêu chết yểu?
 

Ngày nay, ở hầu hết các nước phát triển, mục đích cơ bản của hôn nhân không phải để “sinh con nối dõi” mà vì nhu cầu của hai người muốn được sống mãi bên nhau để yêu thương, chăm sóc nhau. Nhưng sự ra đời của đứa trẻ đã khiến cha mẹ chúng không còn đủ thời gian và năng lượng để đáp ứng cho nhau những nhu cầu đó nữa, có nghĩa là mục tiêu cơ bản của hôn nhân đã thất bại. Dĩ nhiên, khi kết hôn, ai chẳng tin rằng tình yêu của họ sẽ sống mãi với thời gian. 
 
Nhưng ngờ đâu, chính sự xuất hiện của những đứa con lại là mối de dọa cuộc hôn nhân của họ. Đơn giản chỉ vì hai thành phần quan trọng của mối quan hệ vợ chồng là tình yêu và sự cần có nhau không thể tách rời. Nếu một trong hai nhân tố đó mất đi thì nhân tố kia cũng mất nốt. Chính vì thế tình yêu rất mỏng manh dễ vỡ trong đời sống vợ chồng. 
 
Kéo theo niềm hạnh phúc khi có một sinh linh bé nhỏ ra đời là những khoảnh khắc riêng tư biến mất. Việc chăm sóc đứa con thu hút quá nhiều mối quan tâm khiến cả hai không còn dành cho nhau trọn vẹn. Đồng thời, áp lực của cuộc sống gia đình làm cạn kiệt dần những “tài nguyên” có hạn của tình yêu. Thực ra, đứa trẻ không đòi hỏi cha mẹ phải quan tâm đến nó 24/24 giờ mỗi ngày nhưng tất nhiên chúng cũng không thể phát triển bình thường nếu cha mẹ chỉ quan tâm đến nhau mà bỏ rơi chúng. Đó không phải lỗi của trẻ vì có nó mà cha mẹ sao lãng quan tâm đến nhau, cũng không phải lỗi của cha mẹ khi họ quyết định dành nhiều thời gian cho con và không dành thời gian cho nhau. 
 
Tái tạo khả năng yêu
 

Đúng ra, vợ chồng vẫn có thời gian dành cho con và vẫn có thời gian dành cho nhau nếu họ biết tổ chức cuộc sống một cách khôn ngoan. Giải pháp cho vấn đề này không đòi hỏi những kỹ năng mới mà chỉ tái tạo những khả năng họ từng có trước đây – khả năng yêu – âu yếm vuốt ve, trò chuyện thân mật để dần dần dẫn đến sự gần gũi thể xác… Những “cảm xúc cần” này nhất thiết phải có trong hôn nhân nếu muốn duy trì mối quan hệ lãng mạn của tình yêu. 
 




Theo thống kê của Bộ tư pháp Mỹ tỷ lệ ly hôn của những đôi vợ chồng trẻ (còn gọi là “ly hôn xanh”) sau khi đứa con ra đời được mấy năm chiếm 41,27% tổng số các vụ ly hôn. Lẽ nào đứa con – kết quả mong đợi của hôn nhân – lại là lý do đưa hôn nhân đến đổ vỡ?
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao họ có thể thỏa mãn được nhau khi đứa con nhỏ lúc nào cũng quấn bên người như một trở ngại?
 
Chính vì vậy, việc tập cho trẻ ngủ riêng từ nhỏ là rất cần thiết. Không nên cho con nằm ngủ vào giữa hai vợ chồng hoặc nằm một bên cạnh mẹ, lâu dần không thể tách ra được nữa. Khi trẻ đã ba, bốn tuổi trở lên, phải dạy con hiểu rằng bố mẹ cần có những phút riêng tư. Thực tế cho thấy, khi hai người lớn nói chuyện, có đứa trẻ ở giữa, lúc nghịch cái này, lúc đòi cái nọ hoặc hỏi điều kia thì họ không thể nói được câu chuyện có chất lượng vì luôn bị phân tán và cắt ngang. 
 
Những cử chỉ âu yếm của họ càng khó thực hiện vì đứa trẻ nhìn thấy làm cụt hứng. Vì thế sự giao tiếp giữa họ thường hời hợt như hai người ngồi họp, chỉ nói toàn những chuyện vụn vặt, thiếu chiều sâu, khó có thể đi vào những ngõ ngách tâm hồn nhau, càng không thể đạt tới độ tinh tế những rung động của trái tim. Và thế là giữa họ dần xuất hiện một khoảng trống, cái khoảng trống mà xưa kia luôn được lấp đầy bởi những lời thì thầm khẽ như hơi thở, những nụ hôn tưởng như không bao giờ dứt, cái khoảng trống ấy có tên gọi: tình yêu.
 
Các nhà khoa học Mỹ tính rằng, để một cuộc hôn nhân đằm thắm, thời gian vợ chồng dành riêng cho nhau ít nhất là 15 giờ mỗi tuần và rải đều trong tuần chứ không chỉ tập trung vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong thời gian ấy nhất thiết không được có trẻ con hay bạn bè. Đó là chưa kể với những cuộc hôn nhân đã bắt đầu “ông chẳng bà chuộc” thì thời gian hàn gắn phải nhiều hơn.

Ti?n sĩ tâm lý học Richard Burn hình dung mối quan hệ vợ chồng và con cái như ba đỉnh của một tam giác: vợ-chồng-con. Nhưng đó không phải là tam giác đều. Ông khẳng định quan hệ giữa hai vợ chồng có tầm quan trọng quyết định. Bởi vì nếu nó tan vỡ thì gia đình sẽ tan vỡ và đó mới là nỗi bất hạnh lớn nhất của bất cứ đứa trẻ nào.
 
Suy cho cùng, đóng góp lớn nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái là họ yêu nhau đến suốt đời. Nếu cha mẹ yêu con cái họ, và muốn những điều tốt nhất cho những đứa con của họ, thì họ phải làm mọi cái có thể giữ gìn tình yêu đằm thắm của họ. Có nghĩa là chăm sóc cho nhau phải là ưu tiên cao nhất. Nó không phải là sự lựa chọn giữa chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc con cái mà cách đúng nhất để chăm sóc cho con là hai bạn phải chăm sóc nhau, để tình yêu bền vững suốt đời. 
 
(Trịnh Trung Hòa)


From the same category