Đừng sợ những khoảng lặng, vì nó chính là thời gian “tĩnh mà động”, bạn sẽ không bị cảm giác phiền bởi đối phương nhưng thực ra là đang suy nghĩ rất nhiều và giúp bạn thông suốt vô số những vấn đề.
12 giờ đêm, cô bạn thân bỗng dưng gọi điện rồi thút thít: “Lão chồng tao đòi ly thân mày ơi. Tao có làm gì đâu mà lão lại ra thế.” Hỏi chuyện, thì ra, anh chồng bạn bảo là cảm thấy mệt mỏi và áp lực mỗi khi trở về nhà vì vợ đòi hỏi quá nhiều thứ. Nếu không bóng gió chuyện chồng kiếm được ít tiền hơn người ta thì cũng càm ràm là sao anh không làm việc này, không làm việc kia cho vừa ý vợ. Sự chán nản tích tụ và dồn ứ đến mức, anh chồng bảo là cần một khoảng thời gian riêng tư để suy nghĩ về mọi việc. Cô bạn thân tôi thì quá đỗi bất ngờ vì cứ ngỡ cuộc sống của mình đang “sóng yên biển lặng” mà ông chồng bỗng nhiên dở chứng đòi ngủ riêng và sinh hoạt riêng.
Tôi bảo bạn: “Cứ để anh ấy có khoảng lặng riêng một thời gian đi. Dù sao vẫn ở cùng một nhà, cùng chăm con, chỉ khác là tách vợ chồng một chút thôi mà”. Cô bạn tôi gào lên: “Mày điên à? Thế thì vợ chồng tao ly dị mất”.
Cách đây một tuần, khi hai gia đình tụ tập đi chơi, anh chồng bạn tôi vẫn tỏ ra là một người chiều vợ thương con hết mực. Anh ấy biết chăm sóc con, cứ cuối tuần lại đưa cả nhà đi đâu đó cho thoải mái, sau giờ làm lại cũng lao vào việc nhà việc cửa. Nhìn hai vợ chồng bạn, không ít người ngưỡng mộ, xuýt xoa.
Cô bạn tôi, vẫn thường khen chồng chịu khó, nhưng cũng không ít bận than thở: “Sao lão chồng tao lương thấp thế, chỉ ước gì lương lão 20-20 triệu/tháng thôi mà chả được. Nhìn chồng người ta tháng vài chục tới vài trăm triệu, chi tiêu thoải mái mà phát thèm”. Bạn đã mang những nỗi niềm này trở về nhà và thỉnh thoảng lại ra rả với chồng. Chưa kể, nhiều khi cãi cọ nhau, cô bạn còn càm ràm chồng đủ thứ về công việc nhà cửa, con cái, dù được chồng hỗ trợ không ít việc. Bạn tôi là mẫu người dù có chồng khá tuyệt vời, nghĩa là thu nhập không quá cao nhưng ổn định, có thời gian cho gia đình và chia sẻ vợ việc nhà, nhưng vẫn không hài lòng về chồng.
Đó cũng là lý do mà chồng bạn tôi cảm thấy mệt mỏi và áp lực khi trở về nhà. Tổ ấm, thay vì một nơi bình yên khi trở về, là nơi mà anh có thể cảm thấy thư thái, vui vẻ thì nay đã trở thành một thứ đáng sợ. Việc anh muốn tách ra khỏi cô bạn một thời gian cũng không nằm ngoài dự đoán của tôi, bởi không ít lần, tôi đã phải nhắc nhở bạn nói vừa vừa phai phải thôi, cuộc sống như bạn là cũng vừa đủ rồi, tham lam gì chuyện thu nhập cao. Đã thu nhập cao, sẽ đồng nghĩa với việc giảm bớt thời gian bên vợ bên con và rất nhiều thứ khác nữa. Chưa kể, công việc (kỹ sư máy tính) của chồng bạn cho thu nhập không thật cao (chưa tới chục triệu) nhưng chồng bạn lại thực sự yêu thích.
Chồng bạn muốn một khoảng lặng riêng cho bản thân mình, tôi hoàn toàn ủng hộ. Cuộc hôn nhân nào cũng vậy thôi, sẽ có lúc này lúc nọ và khoảng lặng là vô cùng cần thiết để chúng ta nhìn nhận lại mọi việc để thích nghi, để thay đổi, để sửa chữa… Với vợ chồng bạn tôi, không phải chồng bạn không còn yêu bạn, mà đơn giản anh ấy chỉ muốn thoát khỏi cái bức bí mà bạn tôi vô tình tạo ra cho cuộc hôn nhân của họ. Nó không chỉ cần thiết cho anh ấy mà cần cho cả bạn tôi, để cả hai biết rằng, sắp tới, mình sẽ cần làm gì để vun vén mọi thứ chứ không phải là tạo cho nhau những áp lực không đáng có.
Tôi biết, rồi cả hai sẽ ổn cả thôi, vì họ vẫn còn yêu nhau lắm. Sau “khoảng lặng” này hẳn cô bạn tôi sẽ bớt “lắm lời” và họ nhất định cùng nhau tìm được cách giải quyết ổn thỏa mọi việc. Đừng sợ những khoảng lặng, vì nó chính là thời gian “tĩnh mà động”, bạn sẽ không bị cảm giác phiền bởi đối phương nhưng thực ra là đang suy nghĩ rất nhiều và giúp bạn thông suốt vô số những vấn đề.
Nếu hai bạn thực sự là của nhau, “khoảng lặng” là một gia vị của cuộc hôn nhân mà thôi.