Khoảng lặng của các ngôi sao

Chuyện ca sĩ ra album như gà đẻ trứng chắc chắn cũng có lúc phải bão hòa tai người nghe. Vẫn biết có lúc những ngôi sao “bình chân như vại” cũng đã khiến người ta phát bực. Bài viết về khoảng lặng này, như một lời thương, sự chia sẻ về nghiệp hát đối với những ca sĩ ít nhiều khốn đốn trước những nhu cầu-luôn–luôn–có–lý của người yêu nhạc

1. Khoảng lặng trước cơn bão

Đây là câu thường gặp nhất khi nói về những tên tuổi được kỳ vọng sẽ đem tới những điều mới lạ hay ho trong âm nhạc.

Sau mỗi sản phẩm âm nhạc thành công, họ khiến người nghe mong chờ, thấp thỏm hy vọng, đoán già đoán non về những món ngon kế tiếp sẽ đem lại cho công chúng những bí mật thú vị như thế nào.

Ở ta, dạng ca sĩ như vậy có thể kể đến bốn ca sĩ thành danh nhất của nhạc Việt đương đại Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà.

Với Lam hay Hà, sau những thành công liên tục về mặt khai phá âm nhạc đã được ghi nhận thì “khoảng lặng” ở đây không mỹ miều như dáng vẻ bên ngoài của nó, mà thực chất là sự bế tắc mang tính bi kịch trong nghệ thuật.

Càng lên cao gió càng mạnh, họ chịu áp lực từ chính tài năng của mình, từ sự kỳ vọng của dư luận và từ những sản phẩm âm nhạc họ làm ra.

Thanh Lam, sau Mây trắng bay về, “lặng” suốt 4 năm liền bởi sự đổ vỡ gia đình vốn gắn liền âm nhạc, lâu lâu đến phòng trà chỉ hát lại những bài Hit cũ. Không thể và có thể khán giả nghe mới vẫn thấy hay, mà ngấm ngầm ngậm ngùi tự hỏi: Liệu Thanh Lam có thể hay là không thể đi tiếp chặng đường dài.

Rồi Thanh Lam bùng nổ, thoạt tiên với album Thanh Lam – Hà Trần toàn ca khúc “của nhà trồng được”, chất chứa nỗi lòng bế tắc.

Rồi đến Nắng lên kết hợp với âm nhạc Lê Minh Sơn – bờ ao mà Thanh Lam tìm được sau nhiều ngày khát nước, như một cái phao để bấu víu. Bùng nổ tạo thành hiện tượng ồn ào, tuy chưa thực sự xuất sắc về âm nhạc so với những gì Lam đã có.

Tuy thế, tâm bão Lam và Sơn mạnh đến mức cuốn phăng mọi phong cách âm nhạc từ trước đến giờ của Thanh Lam, đẩy cô về sự khởi đầu hành trình mới bằng bản năng và… sơ khai.

Hà Trần hậu Nhật thực trở nên lặng lẽ đối lập với những scandal ầm ĩ không đáng có cộng với tuần trăng mật ở Mỹ quốc. Với Hà Trần, áp lực nghề nghiệp càng nặng nề bởi chính cô được mệnh danh là ca sĩ “lần nào đến cũng mang theo bí mật”. Nhật thực là một dấu ấn quá sâu đậm, đến nỗi khó cho Trần Thu Hà tìm ra một ấn tượng mới có thể vượt qua thành công cũ.

Sau 3 năm, HaTran 9803 phát hành, cũ mà mới, một dạng album “The best of” mà không tổng hợp, một sáng tạo phi sáng tạo. “Cơn bão” của Trần Thu Hà tạo ra không mạnh bằng Thanh Lam, mà thực ra nó chỉ là làn dư hương tạm xoa dịu một cách khá gượng gạo người nghe trong khi chờ đợi những dự án gây shock hơn của Hà Trần, như hát dân ca theo xu hướng world music chẳng hạn.

Tuy nhiên hiện tại, Hà đang bấp bênh cùng những “khoảng lặng” với đời sống nhạc nhẹ Việt do sự “cách trở quan san” của riêng mình. Lâu lâu bay về nước, biểu diễn gấp gáp sẽ khiến tầm ảnh hưởng của cô đối với sinh hoạt âm nhạc trong nước trở nên mờ nhạt.

Nhìn ra ngoài, không hiếm nghệ sĩ sở hữu những “khoảng lặng” mang tính bi kịch nghề nghiệp như vậy. Từ Bjork, George Michael, Prince, Mariah Carey… đến nhóm nhạc Pink Floyd, U2, Coldplay…

Họ phải vật vã bế tắc suốt một thời gian dài tưởng không thể vực dậy nổi trước khi tìm được cho mình lối thoát để trở lại, thậm chí vẫn có những người chưa gượng lại được như Micheal Jackson, Whitney Houston… Với nghiệp ca sĩ, im lặng nghĩa là chết. Nhưng đối với đời ngôi sao như họ, không có sáng tạo gì mới mẻ mới thực là chết đúng nghĩa.

Một điểm rất hạn chế của ca sĩ ta là cảm hứng sáng tạo nhờ cậy quá nhiều vào cộng sự, như Thanh Lam nhờ Quốc Trung, Dương Thụ, Lê Minh Sơn; Trần Thu Hà cậy nhờ Quốc Bảo, Ngọc Đại, Thanh Phương…

Trong khi đó, nghệ sĩ quốc tế có thể tự quyết định số phận âm nhạc của mình bằng chính năng lực sáng tạo của họ, không kể đến những yếu tố mang tính tập thể và công nghệ.

2. Những “khoảng lặng” chu kỳ

Hồng Nhung, Mỹ Linh là tiêu biểu cho dạng “khoảng lặng” theo chu kỳ thời gian này.

“Khoảng lặng” trong sự nghiệp chắc chắn là giai đoạn khủng khiếp đối với nghề ca sĩ.
Có người đủ tài năng và may mắn vượt qua khoảng lặng của chính mình, cũng có người chẳng may ở lại như một kẻ tụt hậu.
Với các ngôi sao ca sĩ, không có sáng tạo gì mới mẻ là cái chết đúng nghĩa.

Thanh Lam, Hà Trần cũng từng như vậy, sau này mới lần hồi chuyển mình sang những tư duy âm nhạc đột biến. Mỗi (hoặc hai) năm một (hoặc hai) album, không quá đột phá gây shock nhưng chất lượng âm nhạc luôn ở mức cao, làm hài lòng công chúng của họ. Đồng thời đảm bảo cho vị trí chiếu trên vững vàng cho họ trong nền nhạc nhẹ.

Khoảng lặng của Hồng Nhung, Mỹ Linh không có bi kịch nặng nề bế tắc, không chịu nhiều sức ép làm mới, có chăng chỉ là sức ép tự thân – phải đạt chất lượng đúng tầm vóc vốn có.

Tuy thấy “lặng” mà không lặng, đơn giản đó là thời gian cần thiết để họ nghỉ ngơi, khởi động lại và triển khai những kế hoạch tiếp theo. Đến nay, mỗi người sở hữu 8, 9 album – thành quả họ đạt được với tinh thần lao động miệt mài.

Phải khâm phục Hồng Nhung hay Mỹ Linh bởi sự ổn định ở đỉnh cao của họ – điều bao nhiêu ca sĩ mơ ước mà chưa ai đạt được.

Tuy nhiên hiện tại, xu hướng “khoảng lặng trước cơn bão” đang lan đến họ. Bằng chứng là Hồng Nhung, sau bước đệm Ngày không mưa mới mẻ về hình thức âm nhạc so với chị trước đó, lặn suốt 2 năm trời để ấp ủ cùng cộng sự Dương Thụ và Quốc Trung về ý tưởng Khu vườn yên tĩnh. Thành quả 2004 này của Hồng Nhung là một dự án đột phá quan trọng và có thể xem là một thành tựu mới về âm nhạc của riêng Hồng Nhung (dù cô không nhận được nhiều ủng hộ như những sản phẩm tự sự quen thuộc). Đó được xem như là sự lựa chọn dũng cảm của Hồng Nhung trong quá trình hướng đến đường lối – tư duy âm nhạc khác, đương đại và hội nhập. “Cơn bão” Hồng Nhung tạo ra không mạnh, nhưng đủ để giới nhạc nhìn vào.

3. “Lặng” và “lặn”

“Khoảng lặng” trong sự nghiệp chắc chắn là giai đoạn khủng khiếp đối với nghề ca sĩ. Có người đủ tài năng và may mắn vượt qua khoảng lặng của chính mình, cũng có người chẳng may ở lại như một kẻ tụt hậu, dù không thiếu.

Quang Linh là một ví dụ. Sau thời gian lên hạng đột biến anh cũng nhanh chóng chìm xuồng không dấu vết đến độ khán giả thắc mắc không biết Quang Linh biến đi đâu.

Hiện tại, Quang Linh đang cố gắng nỗ lực nâng cao chất lượng âm nhạc của anh và tìm một hướng đi khác, nhưng cái khó của anh là chưa có cộng sự đáng tin cậy và ê-kíp thiện chiến của riêng mình.

Các ngôi sao một thời Lê Tuấn, Thủy Tiên, Châu Tuấn, Nhã Phương… trước kia cũng chung hoàn cảnh này. Cẩm Vân, Bảo Yến, Ánh Tuyết, Hồng Hạnh… dù thời gian hoạt động âm nhạc của họ bền bỉ hơn, nhưng dường như, họ cũng đã đến tuổi hưởng những “khoảng lặng” dài, còn cầm cự chưa biết lúc nào “lặn” hẳn.

Trường hợp ca sĩ không còn mặn mà với nghiệp hát, họ “lặng” một thời gian rồi dần “lặn” luôn không dấu vết, không luyến tiếc. Phương Thảo – Ngọc Lễ mải đầm ấm hạnh phúc gia đình quá yên phận với những thành công (Bản thân album Cafe một mình của họ cũng là một đỉnh núi khó vượt qua ngay cả với chính họ)…

Tuy nhiên, nếu “lặng” hay “lặn” mà được như sao quậy Cyndi Lauper im tiếng gần chục năm bất ngờ trở lại với album At last chín muồi uy lực thì kể cũng đáng. Và âm nhạc thì luôn mong đợi những bất ngờ thú vị như vậy sau những “khoảng lặng”…/.


From the same category