Một chút lịch sử
Khoai tây là một loại củ do người Pháp mang tới nước ta, nhưng nguồn gốc là từ Nam Mỹ “nhập tịch” châu Âu từ thế kỷ 15. Lúc đầu chưa phát hiện ra giá trị đích thực của nó, người ta trồng khoai tây ở những vườn trong cung đình Tây Ban Nha để thưởng thức… hoa khoai tây màu tím khiêm nhường như một loài hoa cực kỳ quý hiếm.
Mãi sau, nếm thử củ thấy ngon, lại chẳng gây ra một vụ… chết người nào, nó mới được đem trồng rộng rãi. Ai ngờ, nó trở thành một lại cây “chống đói” hết sức hiệu quả, lại chế biến thành bao nhiêu món ăn ngon nên ngày nay, khoai tây trở thành loại cây lương thực chủ lực, đứng đầu trong các loại củ trên toàn thế giới và đứng thứ 5 trong số các cây lương thực nói chung (chỉ sau lúa mì, gạo, ngô và đậu tương) với sản lượng 322 triệu tấn vào năm 2005. Khoai tây hiện được trình diện hàng ngày trong bữa ăn của người phương Tây. Cái hình ảnh “khoai tây hầm thịt bò” với người phương Tây là một câu để chỉ sự no đủ.
Món ăn giàu dinh dưỡng
Lúc mới nhập vào nước ta, người ta gọi khoai tây theo kiểu người Tàu là khoai nhạc ngựa, được kể trong một bài tuỳ bút của nhà văn Nguyễn Tuân, có lẽ do hình dạng tròn vo và kích thước vừa bằng cái nhạc đeo trước cổ của những con ngựa nhà quyền quý.
Các nhà dinh dưỡng học đã phân tích giá trị thực phẩm của khoai tây, cho thấy thành phần của nó khá cân đối về các chất cần thiết cho nhu cầu “ăn đủ chất” của con người. Hãy xem:
Trong 100g khoai tây có: các hydratcacbon 19g (trong đó có 15g tinh bột, 2,2g chất xơ), 0,1g chất béo, 3g protein và 79g nước. Bên cạnh đó, khoai tây còn chứa những vi chất dinh dưỡng giá trị, đặc biệt các vitamin (bao gồm vitamin B1 0,08mg (8%), vitamin B2 0,03mg (2%), vitamin B3 1,1mg (7%), vitamin B6 (19%), vitamin C 20mg (33%) cùng với những khoáng chất như canxi 12mg, sắt 1,8mg, magiê 23mg, photpho 57mg, kali 421mg, natri 6mg).
Tất nhiên, khoai tây được dùng như một thành phần chính cung cấp chất bột. Khoai tây được chế biến thành rất nhiều món ăn: người châu Âu hấp khoai tây rồi nghiền thành món chính kiểu như cơm để ăn với thức ăn khác (thịt, cá, gia cầm…) tưới nước sốt trong khẩu phần hàng ngày hoặc nấu thành súp với thịt bò hầm đủ kiểu. Dưới bàn tay tài hoa, thiên biến vạn hoá của bà nội trợ, khoai tây biến thành hàng trăm món ăn đặc sắc mà ĐẸP không ít lần giới thiệu. Trong một thống kê, người châu Âu có gần 1000 món ăn chế biến từ khoai tây.
Những túi khoai tây chiên giòn Pringles là món ăn khoái khẩu chẳng phải chỉ của các cô nữ sinh hay ăn vặt mà còn của nhiều người khi ngồi trước tivi xem các tiết mục văn nghệ trong không khí gia đình ấm áp. Những lát khoai tây mặn, tẩm gia vị được các bậc mày râu nhâm nhi với cốc bia sau giờ làm việc mệt nhọc. Việc sử dụng khoai tây làm thực phẩm còn được khuyến khích hơn nữa khi một số nhà khoa học Viện thực phẩm Anh mới đây phát hiện, trong khoai tây những hợp chất sinh học, có tên chung là cucoamin (trước đây đã thấy trong một số cây thuốc của Trung Quốc) có tác dụng làm giảm huyết áp nếu ăn thường xuyên và chữa bệnh “ngủ” ở châu Phi.
Khoai tây xay thành bột là nguyên liệu chính của công nghiệp bánh kẹo, lượng tiêu thụ không hề nhỏ chút nào.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên: khoai tây vừa ngon, vừa bổ. Người ăn đã nhiều, nhưng gia súc ăn cũng lắm. Khoai tây dùng trong chăn nuôi – cứ 5, 6kg khoai có thể biến thành 1kg thịt lợn, thịt bò. Đó là phương pháp “cổ truyền” biến bột thành đạm, tìm sự cân đối dinh dưỡng cho nhu cầu số 1 của con người là ăn.
Khoai tây, còn gì nữa
Còn, còn rất nhiều. Một lượng khoai tây dùng để lên men thành cồn. Cồn để pha rượu các loại, ai cũng biết. Nhưng có lẽ chẳng mấy người hay rằng: cồn từ khoai tây ngày càng được dùng nhiều làm nhiên liệu sinh học, pha với xăng hoặc thay xăng chạy xe.
Thời chiến tranh Thế giới, nhu cầu cao su thiên nhiên từ các nước nhiệt đới bị cắt đứt. Để đảm bảo nhu cầu chiến tranh, nhà bác học Nga Lêbêđép đã làm cao su nhân tạo từ khoai tây đấy!
Và hơn ai hết, các quý bà hiểu được sự cần thiết của khoai tây trong việc làm đẹp cho mình. Hàng chục cách sử dụng khoai tây làm mỹ phẩm. Ví dụ khoai tây luộc, bóc vỏ, nghiền mịn, thêm ít sữa, rồi lòng đỏ trứng gà, có thể chút mật ong nữa, đắp lên mặt làm mặt nạ dưỡng da… khiến da mịn, tươi mát, xoá nếp nhăn và căng như da thiếu nữ. Bạn thử mở những cuốn sách nói về mỹ phẩm thiên nhiên mà xem. Bạn sẽ thấy một số trang khá dày dặn dành một sự ưu ái đặc biệt cho củ khoai tây rất bình dân kia.
Đông y nhìn nhận khoai tây như một loại… cây thuốc. Chẳng hạn sách Đông y viết: “Củ khoai tây vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, tiêu viêm. Dùng chữa bệnh đau bụng, khó tiêu, viêm loét dạ dày, viêm tuyến nước bọt, say nắng, sốt… Liều dùng hàng ngày 10-50g hoặc hơn. Hoa khoai tây chữa bệnh tăng huyết áp, và là nguyên liệu chiết rutin để chữa bệnh. Không dùng quả và mầm củ khoai tây vì có độc”. Sau đó, các cụ đưa ra những bài thuốc rất cụ thể trị những chứng bệnh nói trên.
Cứ tạm đồng ý thế với các cụ. Còn Tây y?
Rõ nhất là các bác sĩ Viện bỏng Việt Nam thường dùng vỏ khoai tây đắp lên các chỗ bị bỏng, tạm thay da, làm vết thương mau lành. Trong các nhà máy dược phẩm, khoai tây dùng làm nguyên liệu chiết một dược chất là solanin, là thành phần của các loại thuốc giảm đau, chữa đau bụng, đau gan, đau nhức xương khớp, dị ứng, chống hen, viêm phế quản, động kinh.
Thật ra thì còn các ứng dụng khác nữa, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ vẽ nên bộ mặt rất đa dạng và đa dụng của củ khoai tây rồi./.