Cho dù tai nạn nặng hay nhẹ, có ảnh hưởng đến vùng miệng, bạn cũng nên đến các bác sĩ nha khoa để thăm khám nhằm điều trị kịp thời.
Xem nhẹ bệnh về răng
Anh Huỳnh Tấn Minh, 43 tuổi, ngụ tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đang nằm tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM cho biết, cách đây 7 năm, anh bị tai nạn giao thông, gãy mất 4 chiếc răng cửa. Sau đó, anh đi trồng rằng giả ở ngoài phòng mạch tư ở quê. Được vài năm sau, 4 chiếc răng cửa thường xuyên bị đau nhức. Đi khám, bác sĩ cho thuốc giảm đau và kháng sinh uống.
Xa thành phố và cũng không hiểu biết gì về bệnh ở răng, đồng thời anh cũng sợ tốn kém nên không vào thành phố khám. Cầm cự suốt mấy năm qua, chịu không nổi, anh phải vào bệnh viện ở địa phương và được các bác sĩ cho biết ở dưới chân chiếc rằng đã từng bị chấn thương có một nang to, có chứa rất nhiều mủ. Đây là nguyên nhân khiến anh khốn khổ vì đau răng suốt mấy năm qua. Các bác sĩ ở bệnh viện địa phương đành phải chuyển viện cho anh lên khoa Cấp cứu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM.
Tai nạn dễ gặp, dễ gây biến chứng nhưng hay bị ngó lơ
Thực tế, theo số liệu thống kê tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, mỗi năm có khoảng 1000 ca bị chấn thương răng đến cấp cứu và điều trị. Từ năm 2011 đến đầu tháng 6 vừa qua, tại khoa có 1550 ca chấn thương răng, trong đó, nam giới chiếm 64,5%. Tỷ lệ bệnh nhân nam cao hơn nữ là do nam giới là người lao động chính trong gia đình nên thường xuyên phải đi ngoài đường nhiều hơn nữ giới, tai nạn lao động trên các công trình, bên cạnh đó, nam giới cũng dễ gây gổ và kém cẩn thận hơn phụ nữ nên dễ gặp tại nạn. Khi có va chạm, răng có thể gặp những vấn đề sau:
+ Răng thay đổi vị trí nhưng không gãy: Răng bị lệch một phần, răng trồi dài ra, lún vào xương ổ răng.
+ Răng bị va chạm nhưng không gãy, không thay đổi vị trí. Tủy răng có thể phục hồi hoặc răng bị chấn thương có thể sống 5-10 năm, nó có thể chết tủy và cần điều trị tủy để bảo tồn răng.
+ Gãy chân răng: Gãy ngang 1/3 – 1/2 chân răng, hay gãy dọc theo chiều dài trục răng, gãy gần cổ răng dưới nướu.
Bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Trưởng khoa Cấp cứu, Bênh viện Răng Hàm Mặt, TP.HCM cho biết: “Một chấn thương ở răng như té ngã, va đập cũng gây xê dịch chân răng, có thể gây đứt mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến răng chết tủy, lâu dần răng đổi màu sậm và thường có ổ sang thương, ở chóp răng có nhiều mô hạt viêm, nang chân răng. Đây là chấn thương thường gặp nhưng hay bị bỏ qua vì nhiều người nghĩ rằng không sao cả, chảy máu một chút rồi thôi, nhưng hậu quả để lại thường phức tạp”.
Các răng trên cung hàm (cả răng sữa và răng vĩnh viễn) được nuôi dưỡng và phát triển nhờ mạch máu và dây thần kinh thông qua đường vào là ống tủy và buồng tủy (dân gian gọi là gân máu).
Trường hợp của anh Minh, sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng (chụp phim hàm mặt, xét nghiệm máu,…) các bác sĩ phải lấy tủy và sau đó phẫu thuật bóc nang. Bệnh nhân phải nằm viện khoảng 1 tuần, sau đó mới có thể phục hình răng.
Bác sĩ Cường cho biết thêm, có người bị tai nạn gãy răng còn chân răng, nhưng bệnh nhân lại không đi khám để được lấy tủy, xử lý ổ răng trước khi làm răng giả nên răng bị bội nhiễm, đau đớn, phải mổ cấp cứu, tốn chi phí phẫu thuật, chi phí làm răng giả nhiều lần…
Xử trí đúng từ đầu, hạn chế nguy cơ về sau
Xử lý răng sớm để có hàm răng khỏe đẹp, tránh tốn kém về sau
Các chấn thương răng cần phát hiện và xử trí sớm sẽ tránh được sự tốn kém, mất thời gian về sau. Khi bị tan nạn, va đập vùng hàm… nên đến bác sĩ nha khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Với các răng bị rớt ra khỏi ổ răng, cần rửa với nước sạnh, không để tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh, sau đó đem đến bệnh viện để vệ sinh và cấy lại vào ổ răng. Các răng lung lay, bác sĩ sẽ gây tê, rửa sạch vùng tổn thương và chỉnh lại ví trí ban đầu. Sau đó, cố định răng từ 4-6 tuần. Răng bị mẻ (gãy) nên đến bệnh viện để khám sớm rồi tùy từng trường hợp sẽ có hướng giải quyết phù hợp.
Người lớn lười đi khám, trẻ con hay giấu chấn thương
Các thầy thuốc cũng khuyến cáo, phụ huynh nên quan tâm các cháu nhỏ hiếu động. Các bé dễ bị chấn thương răng nhưng lại thường hay giấu vì sợ cha mẹ mắng, sợ phải đến bác sĩ…
Để phòng ngừa chấn thương răng, cần mang đồ bảo vệ hàm mặt khi chơi thể thao nguy hiểm; đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, thắt dây an toàn khi ngồi trong xe hơi. Nên chỉnh nha cho trẻ trong các trường hợp sâu, hô để hạnh chế tổn thương vùng răng cửa khi té ngã.