Khó nuốt, đừng xem nhẹ! - Tạp chí Đẹp

Khó nuốt, đừng xem nhẹ!

Sức Khỏe

Khó nuốt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều ở người cao tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân gây khó nuốt như bạn ăn quá nhanh hoặc nhai thức ăn không kỹ. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan, vì khó nuốt còn là dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang có nguy cơ mắc một bệnh lý nào đó.

Biểu hiện của các bệnh lý

Khó nuốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý sau:

– Rối loạn lo âu

– Bệnh Parkinson

– Ung thư vòm họng

– Thực quản có khối u

– Bệnh teo thực quản

– Chứng loạn dưỡng cơ

– Nhiễm trùng do bệnh giang mai

– Xơ cứng bì

– Thực quản co thắt

– Nhược cơ nặng

Ăn chậm, nhai kỹ

Khi phát hiện dấu hiệu khó nuốt, bạn cần bình tĩnh để tự xem xét vấn đề mình gặp phải trước khi đến bệnh viện khám.

Đầu tiên, bạn nên ăn thật chậm, nhai thức ăn kỹ. Vì cũng có một số người do vội vã, làm việc quá nhiều, sức khỏe xuống dốc, nên khi ăn cũng có thể gặp phải tình trạng khó nuốt.

Ngoài ra, người răng yếu nên chọn những thức ăn mềm dễ nuốt như súp, canh hầm hoặc thức ăn được nấu mềm. Tránh ăn các loại thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng nếu bạn nhận thấy rằng chúng làm cho tình trạng khó nuốt thêm trầm trọng.

Bạn cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng sau:

– Ho, sốt cao hoặc khó thở.

– Tình trạng khó nuốt ngày càng tồi tệ hơn.

– Khó nuốt kèm các triệu chứng khác như: đau bụng, ớn lạnh, ho, ợ nóng, buồn nôn, chua miệng, sụt cân nhanh, khó thở, nôn mửa, trong dịch có lẫn máu.

Bạn cũng cần thông báo với bác sĩ dinh dưỡng nếu trong quá trình giảm cân bạn gặp phải tình trạng khó nuốt, họ có thể giúp bạn thay đổi thực đơn thích hợp hơn.

Những điều cần lưu ý

Để thuận lợi hơn trong việc khám và điều trị dấu hiệu khó nuốt, các nhân viên y tế sẽ kiểm tra về thể chất và đặt một số câu hỏi về tình trạng bệnh và các triệu chứng mà bạn gặp phải như:

– Bạn có gặp khó khăn khi nuốt thực phẩm rắn hay chất lỏng hoặc cả hai?

– Giọng nói có trở nên yếu ớt?

– Bạn có cảm giác đau cổ hoặc đau ngực khi nuốt?

– Bạn có cảm giác như có khối u trong cổ họng?

– Bạn có hít hoặc nuốt vào bất kỳ một loại chất kích thích nào hay không?

– Những thuốc hay toa thuốc mà bạn đã dùng trước khi đến bệnh viện?

Bạn nên để ý kỹ những biểu hiện để hợp tác tốt với bác sĩ.

Các phương pháp xét nghiệm trong điều trị khó nuốt:

– Bari nuốt (tráng một lớp màu bên trong thực quản giúp kỹ thuật viên nhìn tốt hơn trong quá trình chụp X-quang).

– X-quang ngực.

– Theo dõi độ pH của thực quản.

– Đo áp lực thực quản.

– Nội soi.

Theo Sức khỏe.

Thực hiện: depweb

01/10/2012, 11:36