Khổ như độc giả văn chương

Lắm chiêu trò bán sách

Sáng 18/10/2013, một ngày bình thường với chuyện sách vở tại Việt Nam, vào Google gõ cụm từ “văn hóa đọc” (không đóng ngoặc kép) vẫn có khoảng 25.000.000 kết quả. Nhìn con số này, thấy chẳng bình thường chút nào, bởi nó còn cao hơn kết quả khi gõ tên “ông hoàng” hay “nữ hoàng” nào đó trong giới ca hát, đồ lót. Nhìn kết quả dù phiến diện này cũng đủ thấy chuyện sách vở không hề nằm ngoài quan tâm của xã hội. Trong sự quan tâm này, độc giả là tiếng nói quan trọng nhất, họ gồm nhiều cấp độ, có nhóm người đọc giải trí, có nhóm người đọc để phục vụ nghiên cứu, giáo dục… Chính vì vậy mà họ cũng dễ “ăn đòn” bởi các chiêu tiếp thị.

Có những tác phẩm như “Fifty Shades of Grey” (50 sắc thái) của E.L. James, khi sắp ra bản tiếng Việt cách đây ít lâu đã thấy tin đồn về chuyện sẽ bị cấm, độc giả “dính chưởng”, nên bỏ tiền ra mua nguyên bộ, xem như hàng độc. Cái lối tiếp thị này đã biến một tác phẩm văn chương hạng hai, bình thường thành một “khoảnh khắc lịch sử”, kiểu như dịch hay xuất bản được sách này là một bước tiến táo bạo, hay là cuộc xé rào vượt ngưỡng.

Đọc sách, sách hay

Đổ thừa cho sách lậu là chiêu khá “cổ điển” của giới làm sách, nó xúi độc giả phải nghĩ rằng: có gì thì người ta mới làm lậu chứ, nên tìm mua. Gần đây là chiêu “có vấn đề”, “sắp bị thu hồi” để kích thích sức mua, chỉ cần ồ ạt một hai tuần rồi có bị cấm thật cũng chẳng sao, lượng bán ra đã đủ. Mới đây, sách của Huyền Chip, tập hai, được nhà đầu tư bỏ ra 600 triệu đồng mua bản quyền, nếu bán một cách âm thầm chắc khá lâu mới thu hồi vốn, nên phải có vài “động tác giả” để tăng độ “hot”.

Chiêu tinh vi nhất là “đánh lận con đen” bằng cách đưa ra những kiệt tác từng bị cấm nhiều nơi để rồi đi kèm cùng nó là sách tào lao. Không phải nhà làm sách nào cũng vậy, nhưng việc in được những kiệt tác từng bị cấm như “Candide” của Voltaire, “The Adventures of Huckleberry Finn” của Mark Twain, “The Color Purple” của Alice Walker, “I Know Why The Caged Bird Sings” của Maya Angelon, “To Kill a Mocking Bird” của Hamper Lee, “1984” của George Orwell, “Lolita” của Vladimir Nabokov, “The Catcher in the Rye” của Salinger… đều được lấy làm cột mốc tiếp thị. Lời đồn trong giới độc giả rằng nơi nào đó hay in sách “có vấn đề” luôn rất có trọng lượng trong việc bán sách. Và sau đó, một kiệt tác phải gánh bao nhiêu là sách chợ kèm theo.

Có thể nói chưa bao giờ sách dở nhiều như hiện nay, độc giả không khổ sao được! Riêng lĩnh vực văn chương, đứng trước một quầy sách, để chọn được một quyển hay thực sự, hoặc có sức sáng tạo, cách tân đặc biệt, đâu dễ dàng gì. Độc giả bị chi phối bởi mật độ truyền thông, tiếp thị dày đặc, mà bản tin nào cũng thường tâng bốc lên mây xanh. Ba cái gọi là tiểu thuyết bán chạy (best-seller) quốc gia, quốc tế, rồi truyện ngôn tình Trung Quốc, đa phần là chỉ để đọc giết thời giờ. Cái cảm giác bị dư luận, truyền thông lừa để rồi khi mua cuốn sách về nhà đọc, thấy ê chề, ngày càng phổ biến trong giới độc giả muốn có sách đọc thực sự.

Thực tế thì những loại sách như “Fifty Shades of Grey” hay các tác phẩm của Marc Levy, Dan Brown, Stephenie Meyer… rồi Cửu Đan, Vệ Tuệ, Miên Miên, Xuân Thụ, Sơn Táp, Trì Lợi, Tào Đình, Tân Di Ổ, Bộ Vi Lan, Thanh Sam Lạc Thác, Cố Mạn, Diệp Lạc Vô Tâm… đọc cũng được, mà không cũng chẳng sao, hoàn toàn cho vui. Nó có thể trở thành một dòng văn học, đình đám vì nhiều lý do ngoài văn chương, nhưng thật khó để gọi là văn chương thực thụ. Dường như người đọc khoái hoặc dễ bị sa vào những sách diễm tình hay giải trí, thường thuộc thể loại cận văn chương. Còn những sách thực sự có vấn đề thì kính nhi viễn chi, vì sợ “nặng đầu”.

Không phải ngẫu nhiên mà Logan Pearsall Smith (1865–1946) từ rất sớm đã nhận định: “A best-seller is the gilded tomb of a mediocre talent” (Tạm dịch: Một sách bán chạy là nấm mồ dát vàng của tài năng tầm thường).

Quyền viết dở

Georges Duhamel (1884–1966) trong “Essai sur le roman” (Luận về tiểu thuyết, 1925) đã viết: “Le but suprême du romancier est de nous rendre sensible l’âme humaine, de nous la faire connaître et aimer dans sa grandeur comme dans sa misère, dans ses victoires et dans ses défaites. Admiration et pitié, telle est la devise du roman” (Tạm dịch: Mục tiêu tối thượng của tiểu thuyết gia là làm cho ta thấu cảm hồn người, làm cho ta hiểu nó trong cả sự vĩ đại và khổ đau, trong cả thắng lợi và thất bại. Cảm phục và trắc ẩn, ấy là phương châm của tiểu thuyết). Thế nhưng ngày nay giới cầm bút văn học nói chung, có mấy phần trăm vì mục tiêu tối thượng này? Theo quan sát chủ quan từ thực tế xuất bản, có lẽ là rất ít.

Đọc sách, sách hay

Tại các nước có nền xuất bản hùng mạnh (đếm trên đầu ngón tay), gu hay cấp độ của các nhà xuất bản thường được phân loại, nhằm chia thị phần độc giả và giữ thương hiệu. Điều này giúp ích độc giả trong việc tìm sách theo gu đọc của mình, dù số lần họ bị lừa cũng không ít. Việt Nam thì khác. Đa phần các nhà xuất bản lo chuyện cấp/bán giấy phép là chính, chỉ chú trọng biên tập theo hướng kiểm duyệt nội dung, vì họ thường không giữ khía cạnh kinh doanh, nên hay dở không quan trọng lắm. Do vậy lượng sách dở được phát hành ngày càng nhiều hơn, được trình bày bắt mắt hơn.

Độc giả quá nhiều lần ngẩn tò te khi thấy sách văn chương mình mua về đọc dở tệ, dù nhãn mác thuộc các nhà xuất bản chuyên văn chương. Thế nhưng đây mới là cái chóp nhú lên khỏi mặt nước của tảng băng sách dở, vốn nhiều vô thiên lủng. Nhìn một cách sòng phẳng vào thị phần tiểu thuyết chợ, tiểu thuyết diễm tình hay truyện ngôn tình được bán tràn lan hiện nay thì… quyền viết dở đang được “tôn trọng” tối đa. Điều này là hệ quả của việc kinh doanh sách bị trương phồng quá nhanh, khiến nhiều lúc “cung” không kịp “cầu”, nên sách gì cũng được in, cũng được phát hành. Qua các chiêu trò truyền thông, đa phần sách dạng này lại bán tốt hơn sách nghiêm túc, kinh điển.

Các nhà làm sách hay kêu gào “sách không có người mua”, vậy thì:

– Tại sao đa phần tác giả, dịch giả nghèo, còn giới làm sách, in sách, phát hành sách, bán sách thì phát đạt?
– Tại sao nhà sách mọc lên khắp nơi, cỡ bự cả nước có đến cả 100 cái, vừa và nhỏ thì hàng ngàn, trực tuyến, vỉa hè thì nhiều vô kể?  
– Tại sao Hội chợ sách Tp.HCM hai năm một lần, mấy lần gần đây được cho là bày hơn 20 triệu cuốn sách, thu hút cả trăm ngàn người đến dự?
– Tại sao giới sách lậu, sách giả, sách gian… vẫn sống ổn?

Viết dở là quyền bất khả xâm phạm của giới cầm bút. Tỷ lệ phần trăm số cây bút có tài cũng hiếm hoi như số tác phẩm hay. Trong điều kiện in ấn khó khăn, hoặc biên tập khắt khe, các cây bút dở ít có đất sống, còn ngày nay thì được in ấn lan tràn, sách đã là hàng hóa. Nhiều người còn tự bỏ tiền ra in và làm truyền thông, quảng cáo. Như đã nói, phía cấp xuất bản cũng không mấy quan trọng điều này, miễn sao kích cỡ tác phẩm phù hợp với luật xuất bản là được. Vì thế, xuất bản hiện nay là mảnh đất tươi tốt để ươm mầm cái quyền viết dở kia. Như vụ Huyền Chip cũng vậy, tất cả những tranh cãi chỉ là tranh cãi, luật xuất bản vẫn được tôn trọng ngay từ đầu, nên sách vẫn được bán tốt. Nhà xuất bản bận tâm, nhà đầu tư lo lắng, tác giả phiền lòng, nhưng hứng chịu hậu quả đầu tiên và sau cùng vẫn là độc giả, vốn là những thượng đế bỏ tiền ra mua sách.

Văn chương là công việc khó đoán, mà hay dở thế nào thì cũng vô cùng. Khi cầm bút, các tham vọng như viết ra sách hay, bán chạy, đẳng cấp cao, sáng tạo lớn… thường khó đạt được, riêng cái đích viết dở thì dễ hơn gấp bội. Mà đâu phải ai viết văn cũng vì những mục đích khó khăn kia, nhiều người chỉ muốn thành nhà văn, dù danh hão cũng được. Nhiều khi viết cho đủ số cuốn để xin vào hội, để được xét tặng giải thưởng, để tên mình liên tục được nhắc đến trên truyền thông, để xin tiền dự án… Độc giả đứng trước đông đảo những cây bút như thế, và ngày một đông hơn, không rối mới lạ.

Ở Việt Nam, giới phê bình văn chương thưa vắng và yếu ớt nên chẳng thể dẫn dắt hay định hướng được độc giả. Giới làm sách cũng dễ dàng chi phối được họ bằng thù lao viết bài, nên nhiều khi mua sách với lời giới thiệu rất kêu, về đọc thấy trớt quớt. Dần dà, độc giả mất lòng tin vào công việc phê bình, nên những bài viết nghiêm túc cũng chẳng mấy khi được lắng nghe. Ngay cả sách dịch cũng thế, những câu trích khen ngợi của báo này tạp chí kia cũng ít khi xác đáng, chỉ có tính chất tiếp thị là nhiều.

Quan hệ giữa nhà văn – tác phẩm – xuất bản – độc giả là quan hệ bền chặt, nơi đồng tiền của độc giả nuôi sống tất cả. Thế nhưng với sách vở như hiện nay, khi đa phần là dở, độc giả là người chịu thiệt thòi và chịu khổ nhất.

Không nền văn chương hay pháp luật hiện đại nào được phép cấm việc cầm bút và cấm viết dở. Nhưng nó cũng nên được phân loại, dán mác và định danh dần dần để giúp độc giả bớt khổ tâm khi mua sách. Nhân danh quyền viết dở và cách làm truyền thông vô tội vạ mà tuồn sách ồ ạt ra thị trường, đánh lừa đồng tiền của người mua, thì đúng là xâm hại “quyền” riêng tư của độc giả.

Mấy chục năm gần đây, khi lý thuyết người đọc được củng cố, vị thế độc giả mới được cải thiện chút xíu, ít nhất là ở khía cạnh lý luận. Trước đây, khi nói đến nền văn chương, người ta thường chỉ tập trung đến tác phẩm và tác giả, ngày nay, sự tiếp nhận, cách diễn giải, bình phẩm hay các phản ứng của độc giả (reader-response criticism) cũng là yếu tố quan trọng. Thậm chí trong nhiều trường hợp, là yếu tố quyết định. Tuy là vậy, nhưng trường văn trận bút nước ta vẫn sẽ còn làm và sẽ còn lừa độc giả dài dài. Nên họ vẫn sẽ là đối tượng khổ nhất trong cấu trúc quan hệ nhà văn – tác phẩm – xuất bản – độc giả.

 Bài: Lý Đợi

>>> Có thể bạn quan tâm: Những bài thơ trong tập “Em giấu gì ở trong lòng thế” trải dài từ khi Nguyễn Thế Hoàng Linh còn là một cậu thanh niên cho đến khi sắp thành một trung niên 32 tuổi. Tập thơ là sự trưởng thành hay sự khác đi rất cần thiết của sự sống.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category