Truyền thống bắt chẹt nhau
Thị trường suy giảm mạnh giúp bên nắm nguồn khách dễ dàng khai triển thêm nhiều đòn thế ép giá hơn nữa.
Chủ một DN LH tại TP.HCM chuyên đón khách Bắc Mỹ kể, vừa dặn nhân viên thay vì đặt khách sạn (KS) trước ngày đoàn vào 3 – 4 tháng hoặc sớm hơn, nay chuyển sang đặt muộn, khảo giá theo hướng áp đặt.
“Cần từng này phòng vào ngày đó, trả giá như thế, KS nào nhận thì gửi khách. Chắc chắn giá phòng 4 – 5 sao ngoài hợp đồng năm nay sẽ rất… đa dạng đấy”, ông này tự tin!.
Ông Phạm Mạnh Hà, một giám đốc lữ hành (LH) lâu năm, lại chọn cách công khai thông tin về khách cho vài ba cơ sở lưu trú đồng hạng trên cùng địa bàn.
Thật ra, tình trạng KS – LH tận dụng cơ hội chèn ép lẫn nhau để tăng lợi nhuận đã xảy ra từ lâu. Từ năm 2005 – 2007, giới LH chỉ trích gay gắt KS 4 – 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM liên tục tăng giá vô tội vạ do thiếu phòng song khách tăng quá nhanh. Không chỉ ưu tiên phòng cho khách công vụ, doanh nhân nước ngoài trả giá cao hơn, KS còn tăng giá bất ngờ ngoài hợp đồng với LH, ép khách du lịch phải sử dụng thêm dịch vụ tại KS mới có phòng… Hậu quả, nhiều hãng LH nước ngoài ngừng bán tour đến VN năm 2008 – 2009 do giá và rủi ro đều quá cao.
Trong ba tháng gần đây, tất cả thị trường châu Âu (trừ Nga), Bắc Mỹ và nhiều quốc gia châu Á gửi khách vào VN đều suy giảm mạnh so với cùng kỳ trước.
Ông Phạm Mạnh Hà giải thích: “Thực ra LH đang bị đối tác và khách ép giá sát ván, đòi tăng hạng dịch vụ với vẫn từng đó tiền, thanh toán chậm hơn… Phần lớn tiền phòng giảm được ngoài kế hoạch dùng để tặng thêm hoặc nâng hạng dịch vụ cho khách, chia cho cả đối tác, khiến các bên cùng vui vẻ chứ chúng tôi không dám hưởng cả”!
Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Anh, giám đốc điều hành một DN du lịch, cho rằng mua bán xong xuôi, bỗng dưng hoàn một phần tiền cũng có thể khiến LH nước ngoài băn khoăn về tính chuyên nghiệp của đối tác VN.
Xe du lịch phục vụ đám ma Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại An Trường Phát (Hà Nội, chuyên vận chuyển khách du lịch) Nguyễn Thị Thoan ấm ức, giá dịch vụ tại một số nước lân cận rẻ nhờ được chính sách liên kết phát triển. Còn DN Việt Nam toàn ép nhau tận… chân tường! Cuối năm ngoái, bà này tranh thủ giá xe rẻ, vay mượn hơn 1 tỷ đồng mua một ô-tô nhập khẩu 29 chỗ mới toanh. Không ngờ du lịch kém quá, toàn dùng xe đẹp phục vụ đám ma, đám cưới. “Có khách đám ma còn may, tôi cũng mua mới một xe tương tự, toàn chở hội bạn đi câu cá”, ông Đinh Dũng Tiến, Giám đốc Công ty Thương mại du lịch&dịch vụ Tiến Thành, than thở. Hai năm nay, ông này buộc phải tăng giá cước 5 – 6%/năm do dự trù giá xăng dầu tăng, chứ thật ra thừa hiểu LH khó khăn lắm. |
Khách sạn làm khó lữ hành
Chẳng cần chờ cơ quan quản lý TW kêu gọi hay khuyến khích giảm giá, giới doanh nghiệp (DN) dịch vụ du lịch đã tự vùng vẫy đủ kiểu hòng cứu lấy “bát cơm”! Nhưng để có được bát cơm thời khó nhiều người đã đi cướp khách của DN khác.
Theo ông Vũ Hoàng Anh, nhiều khách sạn (KS) 3 – 4 sao ở Hà Nội mới khai trương đang giảm 10 – 20% giá phòng hợp đồng so với mặt bằng chung năm 2012. Ngay cả một KS 5 sao gần hồ Hoàn Kiếm vốn nổi tiếng kiêu binh, cũng hạ giá từ 200 USD còn 175. Đáng chú ý, với mỗi đoàn khách cụ thể, lữ hành (LH) có thể đàm phán giảm thêm 3 – 5 USD với phòng 3 – 4 sao, 5 – 10 USD loại 5 sao…
“Giá phòng giảm thêm 15 – 20% so với mức dành cho LH. Tiếc rằng lúc này LH đã đặt phòng xong từ lâu, nên chỉ khách lẻ đặt chỗ muộn được hưởng lợi. Quan trọng hơn, ngay khi cân đong nên mua tour đến nước nào, khách vẫn thấy giá tour vào VN đắt hơn hẳn nhiều nước Đông Nam Á”, ông Vũ Hoàng Anh tiếc rẻ.
Khách Âu – Mỹ (ảnh) thường đặt tour trước khởi hành 3 – 6 tháng. Song KS toàn tung ra khuyến mãi trước thời điểm áp dụng 1 – 2 tháng, khiến khách không được hưởng lợi.
Khách suy giảm
Trong 29 quốc tịch được Tổng cục Thống kê thống kê lượt người nhập cảnh VN hai tháng trước, chỉ duy nhất thị trường Nga vẫn tăng mạnh 38% so với cùng kỳ 2012. Còn Malaysia, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia tăng 1,3 – 21,9%. Riêng nguồn khách Singapore tăng trưởng tốt vào nửa cuối năm ngoái, nay đột ngột giảm 8,1%…
Tính cả ba tháng gần đây, 21 thị trường còn lại đã liên tiếp sụt giảm mạnh so với cùng kỳ trước. Đặc biệt, ba thị trường quan trọng hàng đầu khu vực Tây Âu gồm Pháp, Anh, Đức (đều có đường bay thẳng tới VN, đại đa số người nhập cảnh để du lịch, TCDL thường xuyên sang xúc tiến thành công) lần lượt giảm rất mạnh 24,3 – 24,5 – 54,3%. Bốn nước Bắc Âu ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; khách du lịch thích sang vùng nhiệt đới tránh đông, được miễn thị thực nhập cảnh VN.., vẫn giảm 17,9%.
Dù có đông Việt kiều sinh sống, khách Mỹ và Canada ba tháng nay vẫn hụt 16,2 – 21,1% so với cùng kỳ trước. Ngay cả một số quốc gia lân cận có số lượt người nhập cảnh VN rất lớn – TCDL vẫn gọi là thị trường trọng điểm – cũng giảm đáng lo ngại. Khách Trung Quốc – “thị trường” lớn nhất của du lịch VN – giảm 3,3%. Tiếp tục đà suy giảm mạnh từ nửa cuối năm ngoái, Campuchia sụt 21,1%. Tháng 9 và 11/2012, lãnh đạo TCDL dẫn đoàn sang quảng bá thành công tại Nhật Bản, Đài Loan, đến nay khách giảm 3,5 – 21,3%… |
Theo Vietnamnet