– Anh à, hôm nay công ty có việc đột xuất, anh về sớm đón con hộ em nhé. Anh nhớ cho con ăn sữa chua. À, thức ăn, em để sẵn trong tủ rồi, anh rã đông rồi nấu giúp e. Mấy bố con cứ ăn cơm trước nhé…
– Thế em định mấy giờ về?
– Em cũng chưa biết, chắc phải xong việc. Mấy bố con cố gắng nhé…
– Tút… tút.. tút.
Hiếm hoi lắm chị Quyên mới phải về nhà muộn do công việc của công ty. Nhưng lần nào cũng vậy, trước khi gọi cho chồng, chị luôn phải đắn đo, ngọt nhạt. Đã vậy, khi về nhà chị còn phải đối mặt với vẻ lạnh te của chồng. Anh thậm chí chẳng hỏi han xem chị đã ăn tối chưa, cũng không thèm quan tâm đến sự mệt nhoài của vợ. Đã thế, thấy mẹ về là anh “thả” cho lũ trẻ quấn lấy mẹ, không trông con để chị tắm rửa, ăn uống.
“Nhiều lúc thấy tủi thân vô cùng. Mình về muộn do việc cơ quan, chứ có phải đi chơi bời đàn đúm gì đâu mà anh ấy cứ nặng nhẹ”, chị Quyên cho biết.
Bất bình đẳng giới
Rất nhiều phụ nữ Việt Nam ở vào hoàn cảnh giống như chị Quyên. Nếu như bận quá nhiều việc xã hội và có thể về nhà muộn, chị em sẽ phải gặp thái độ không hài lòng của mọi người trong gia đình. Nhưng nếu như người đàn ông có hành động tương tự thì không ai cảm thấy bất bình thường.
Sống chung với bố mẹ chồng, chiều nào chị Hiên (cán bộ văn phòng khoa ở một trường đại học tại Hà Nội) cũng tất tả từ 4h30. Công việc của chị đôi khi có nhiều hoạt động ngoại khóa, như tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Bản thân chị cũng là bí thư đoàn thanh niên của khoa nên không thể vắng mặt trong các hoạt động bề nổi.
Thế nhưng, kiểu gì chị cũng phải có mặt ở nhà lúc 5h30 chiều, để nấu ăn tối cho bố mẹ chồng. Mẹ chồng thương con dâu, muốn đỡ đần việc bếp núc. Khổ nỗi, bố chồng có tính gia trưởng, nên hễ thấy chị về là ông bắt bà nghỉ tay, không được động vào việc gì. Hôm nào chị về muộn, hoặc thấy con trai đón cháu là ông tỏ ra bực bội. Kiểu gì tối hôm đó, chị Hiên cũng phải “báo cáo” với bố chồng về công việc trong ngày, lý do vì sao về muộn. “Ức chế lắm, từ nhỏ tới giờ mình có bị ai “quản lý” chặt chẽ thế đâu. Ngay cả chồng mình cũng không khắt khe như vậy. Nhưng bố chồng cứ ra ra vào vào hậm hực với con dâu khiến cả nhà giận lây sang mình, vì công việc, lẽ ra phải được chia sẻ, động viên, đằng này…”, chị Hiên thở dài.
Cùng với nhịp quay chóng mặt của cuộc sống hiện đại, có khá nhiều lý do chính đáng để đàn ông và phụ nữ không thể về nhà đúng giờ sau khi tan sở. Với người đàn ông, điều này dễ được mọi người trong gia đình chấp nhận và thông cảm. Chẳng hạn, khi người đàn ông làm công sở, anh ta có thể thường xuyên về muộn (quá thời gian làm việc tại công sở theo quy định) vì điều đó được nhiều người trong gia đình sẵn sàng chấp nhận với những lý do: “Đàn ông phải làm nhiều việc để khẳng định bản thân ngoài xã hội”, “Đàn ông phải có nhiều bạn bè, họ vui vẻ bia rượu với bạn bè cũng là chuyện dễ thông cảm”, “Họ phải giao tiếp với nhiều người để tạo quan hệ xã hội”,…
Tuy nhiên, với phụ nữ thì dù có thể tham gia bất kỳ loại công việc chính đáng nào trong xã hội, nhưng những người trong gia đình, bao gồm cả gia đình mở rộng (cả ông bà nội, ngoại, họ hàng, anh chị em) luôn đòi hỏi họ phải đảm bảo dành nhiều thời gian cho gia đình.
Hy sinh “hạnh phúc và khát vọng”
Chị Ngân tốt nghiệp chuyên ngành tư vấn với tấm bằng loại ưu. Đây cũng là công việc yêu thích của chị từ nhỏ. Chị muốn, với kỹ năng và tấm lòng của mình, chị có thể giúp nhiều cá nhân, gia đình tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tình cảm và cuộc sống. Thế nhưng, công việc tư vấn không thể làm trong giờ hành chính, bởi lẽ, nhu cầu chia sẻ của mỗi người thường ở trong các thời điểm khác nhau. Vì vậy, một tuần chị Ngân phải trực hai ca đêm, ba ca ngày. Sự “lệch” thời gian làm việc so với “cái chung” là nguyên nhân gây ra nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống của chị. Nhất là khi chị có con nhỏ, chồng và bố mẹ chồng nhất quyết không cho chị đi làm ca đêm, dù họ biết mười mươi đó là quy định của công ty.
Ngậm ngùi từ bỏ công việc yêu thích, chị Ngân biết rằng, mình có rất ít cơ hội xin vào chỗ khác vì tổng đài tư vấn nào cũng yêu cầu nhân viên làm ca ngày – ca đêm. Trừ khi, chị phải lựa chọn một công việc khác, không thực sự đúng chuyên môn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, Trưởng phòng tư vấn (Công ty Linh Tâm) cho biết: Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ đã tự nguyện hy sinh sự nghiệp của bản thân cho những thành viên khác trong gia đình. Và không ít trường hợp, phụ nữ bị rơi vào tình thế bắt buộc. Sự hy sinh của họ là do áp lực từ phía gia đình và xã hội.
Mặc dù, hiện nay cũng đã có không ít người đàn ông thông cảm với vợ, ủng hộ và hỗ trợ vợ trong việc thực hiện công việc ngoài xã hội, nhưng cũng không tránh khỏi có những lúc họ thể hiện mong muốn sâu thẳm: vợ dành nhiều thời gian cho gia đình. Chị Hoài, một phóng viên kể: “Tôi là nhà báo nên thời gian làm việc thất thường, nhiều khi đi lấy tin bài 8-9h tối mới về đến nhà. Chồng tôi rất thông cảm với vợ, những lần tôi đi công tác xa nhà thì anh ấy ở nhà trông con. Song cũng có lúc mình đi làm về muộn, anh tỏ ra không được vui lắm, dù không càu nhàu. Mình thấy chồng như thế thì cũng phải cố gắng làm sao sắp xếp thời gian hợp lý hơn, để lần sau về sớm hơn một chút”.
Hầu hết những “người trong cuộc” hiểu được tâm lý của bạn đời và những người thân trong gia đình nên họ đã phải rất khéo léo trong ứng xử. chị Hòa cho biết thêm: Chúng ta mong muốn mọi người, cả nam giới và phụ nữ đều có cơ hội phát triển, cùng dược sống trong sự chia sẻ và yêu thương. Thực tế, phụ nữ và nam giới đều có khả năng, cơ hội và trách nhiệm như nhau trong việc chăm sóc gia đình cũng như kiếm tiền. Vì vậy, khi năm giới hay nữ giới bận rộn với công việc, họ cần sự chia sẻ công việc gia đình của người bạn đời. Họ cần sự khuyến khích, động viên để không tuột khỏi những cơ hội phát triển mà họ phải trả giá đắt chỉ vì thiếu sự chung tay và san sẻ trách nhiệm của người bạn đời. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nhiều nếu như không ai trong số chúng ta phải hy sinh “hạnh phúc và khát vọng”.
Theo Minh Châu
Gia đình & trẻ em