Khi truyền thông đáng sợ hơn sự xâm hại - Tạp chí Đẹp

Khi truyền thông đáng sợ hơn sự xâm hại

Review

Chuyện từ 3 cái tên

Có một cách để khán giả mang tâm thế tốt hơn khi thưởng thức “Hope”, bớt đi cảm giác nặng nề trước câu chuyện, đó là tập trung vào bộ phim qua 3 cái tên Hy vọng, Ước vọng và Hạnh phúc.

“Hope”, không chỉ là tên phim mà còn là tên cửa hàng tạp hoá nhỏ ở một thị trấn yên bình của Hàn Quốc. Đó là nơi mẹ của cô bé So-won kiếm tiền nuôi gia đình nhỏ. Cuộc sống của họ dẫu còn nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng không vì thế mà thiếu đi sự yêu thương, đùm bọc.

Bao trùm lên gia đình nhà So-won là không gian sống yên bình, nơi những đứa trẻ được hồn nhiên chạy nhảy, vui đùa. Tiếng cười con trẻ trên đường đến trường, cánh diều no gió trên nền trời xanh…, đó là những gì mà đạo diễn Lee Joon-Ik trải ra trước mắt người đọc, mở ra bộ phim một cách nhẹ nhàng.

Sau khi đến với tiệm tạp hoá Hy vọng, đến với khu thợ máy nơi bố So-won lấm lem làm việc, nhịp phim chậm dần để hướng đến cô bé So-won, tên tiếng Hàn có nghĩa là Ước vọng. Cô bé “Ước vọng” ấy có dáng vẻ hồn nhiên, ánh mắt trong sáng, khuôn mặt thánh thiện.

Khi khuôn hình bắt đầu chuyển sang hơi nghiêng, ống kính “zoom” vào từng bước chân của nhân vật thì dường như, có điều gì chẳng lành với So-won. Quả vậy, vào buổi sớm trời mưa tầm tã ấy, So-won đi học một mình và chạm trán với một gã đàn ông tuổi trung niên. Bị chặn lại gần cổng trường, cô bé bị kẻ có bộ dạng nhàu nhĩ dồn tới một căn nhà hoang vắng. Hắn cưỡng hiếp, giày xéo, hành hạ thân xác cô bé.

Chịu nỗi đau xâm hại tình dục tột cùng, lúc gượng dậy sau cơn bất tỉnh, cô bé 8 tuổi gọi điện báo cảnh sát. Lực lượng an ninh đến trước khi các bậc phụ huynh của bé đến. Lúc này khán giả có thể tự lý giải tại sao So-won đã gọi cảnh sát thay vì gọi cho bố mẹ. Người mẹ tất bật, thậm chí không thể đưa con gái tới trường. Người cha cũng luôn yêu con nhưng thiếu kỹ năng chăm sóc con, vụng về đến cả việc cột tóc cho cô bé và hễ rảnh rỗi thì đuổi theo những cú sút trên TV.

Nỗi đau quá lớn ập đến, gần như quật ngã gia đình nghèo này. Điều kinh khủng hơn  là di chứng tâm lý cho So-won. Luôn phải túc trực để chăm lo cho cô bé, bố mẹ cô còn phải cay đắng đứng trước những phiên toà xét xử “người xấu”. Hy vọng và Ước vọng, đến lúc này, dường như sụp đổ trước mắt họ, đến mức người mẹ phải thốt lên một cách xót xa: “Tại sao tai hoạ này lại rơi vào So-won, nó có tội tình gì? Tôi ước sao tất cả những đứa trẻ khác cũng đều phải chịu cảnh như con tôi…”

Câu chuyện phim tưởng như cứ thế chìm trong nước mắt và bi kịch; nhưng từng ngày, tình yêu thương dần hóa giải đau thương. Lúc này, thay vì khóc vì bị chấn động thì khán giả có thể khóc vì những khoảnh khắc lay động.

Có hai trong số những trường đoạn ấn tượng trong phim để lại nhiều cảm xúc. Đó là khi mẹ của cậu bé Young Seuk san sẻ một cách chân thành với mẹ của So-won cảm xúc bộc phát, vừa đắng cay vừa gắng gượng, những mong mẹ So-won có thể nhen lên chút niềm tin, sự hy vọng để vượt lên nỗi đau. Cảnh thứ hai là khi người cha hóa thân thành nhân vật hình nộm Kokomong để mong khơi dậy nụ cười của con gái.

“Hope” chạm tới trái tim khán giả bởi tình người và cũng thuyết phục người xem bởi diễn xuất của các diễn viên. Vai So-won do diễn viên nhỏ tuổi Lee Re đảm nhiệm thực sự là một điểm son sáng giá. Không rõ đạo diễn có dùng thủ thuật, ngón nghề gì; nhưng tuyệt nhiên không thấy một chút gợn về nhân vật cô bé 8 tuổi, người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, lúc đớn đau tột cùng, khi sáng trong, hy vọng. Chỉ cần nhìn ánh mắt So-won, người xem sẽ cảm giác được về Hạnh phúc – điều sau này đã được đặt thành tên của cho đứa em mới sinh của So-won.

Khi truyền thông đáng khiếp sợ hơn cả sự xâm hại

Vượt lên đau thương, nghịch cảnh để tìm lại niềm hạnh phúc là câu chuyện đáng giá hơn tai họa mà một gia đình gặp phải. Vậy mà giới truyền thông không thèm đếm xỉa đến điều đó. Với sự nhẫn tâm, họ quyết tung những con người đang đau khổ tột cùng lên mặt báo để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Sự tồi tệ được o bế, che phủ, còn những người người thấp cổ bé họng, không đủ mạnh để kháng cự thì dễ bị “bắt nạt”, bị coi như vật hiến tế cho sự vô cảm, thói tò mò.

Với “Hope”, đạo diễn đã thể hiện một cách trần trụi, sâu sắc những điều đó. Tai họa, mối đe dọa và nỗi sợ hãi của người mẹ So-won không chỉ đến từ việc con mình bị xâm hại mà nỗi khiếp sợ lớn hơn lại là danh tính, hình ảnh đứa con mới 8 tuổi của mình bị lan truyền. Hãy xem, cánh báo chí đã đeo bám quyết liệt, không để sót thông tin, hình ảnh nào về “gia đình bé gái bị xâm hại tình dục”.


Đến đây chợt thấy, góc tối và mặt trái của truyền thông ở Hàn Quốc được thể hiện trong phim cũng không khác lắm so với ở Việt Nam ngày hôm nay. Hãy nhìn lại thông tin chưa được kiểm chứng về việc bác sĩ bệnh viện Cát Tường ném xác người xấu số và báo chí, các trang mạng đã lôi cả nạn nhân đến thân nhân hai phía lên trước công chúng.

Trong một cơn “cuồng tin” khác, mới đây, khi báo này lùng sục khắp nơi để có bài “Loạt ảnh đời thường của chàng MC giết người yêu man rợ”, rồi “Thi thể cô gái chỉ mặc quần lót trong biệt thự”… thì báo khác cũng chẳng ngần ngại lôi cả người cần được bình yên để sống tiếp, với cái tít man rợ chẳng kém: “MC ngáo đá giết bạn tình qua lời kể vợ cũ”.

Vụ việc gần đây nhất là các bài viết sau clip về hai “bảo mẫu” ở Thủ Đức hành hạ trẻ em tại một điểm giữ trẻ. Dẫu không có chức năng tuyên án, nhưng cảnh đám phóng viên tập trung chụp ảnh, ghi hình hai con người đang bị lên án kia đang đứng dí vào tường không khỏi khiến người chứng kiến phẫn nộ.

Nhìn từ “Hope”, bộ phim đoạt giải Rồng Xanh năm 2013 của điện ảnh Hàn Quốc, và nhìn từ những ẩn hoạ truyền thông, càng thấy cái lý của câu nói: “Bất kỳ người tốt nào cũng có một quá khứ và bất kỳ kẻ có tội nào cũng có một tương lai”. Những người “bảo mẫu” kia có thể đang mang tội lỗi khó dung thứ, nhưng không có nghĩa họ bị tước đoạt cả quãng đời về sau. Cũng như cô bé So-won, lúc kẻ thủ ác có thể đã ra tù, thì cô bé mới tròn 20 tuổi.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: Hancinema

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Cũng mang chất hài nhẹ nhàng kiểu Pháp, nhưng “Le Week-End” (Cuối tuần ở Paris) khác với “Midnight in Paris” (Nửa đêm ở Paris). Không chứa đựng yếu tố kỳ ảo (fantasy), bộ phim mới ra mắt mang đến những thanh âm trần trụi, lãng mạn của cuộc sống yêu đương lúc về già.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

19/12/2013, 10:25