“Khi trở lại, Trí đã bình thản hơn”

Huy Tuấn và Đức Trí – hai nhạc sĩ đóng vai trò rất lớn trong những bước đi đầu tiên của Hồ Ngọc Hà. Đó là điều có thể nhìn thấy trong dư luận. Và trong giới chuyên môn, có thể coi hai người là hai nhạc sĩ tiêu biểu của làng âm nhạc giải trí Hà Nội và Sài Gòn.

Mối quan hệ của anh và Đức Trí nên được nhìn nhận đúng nhất như thế nào?

Như hai người bạn và những người đồng nghiệp thân thiết.

Nhưng nhiều người cho rằng, gạch nối giữa hai người chính là Hồ Ngọc Hà?

Đó chỉ là những người biết chúng tôi qua các phương tiện thông tin. Chúng tôi quen và chơi với nhau từ những lần đầu tiên khi ban nhạc Anh Em vào Tp.HCM để thu âm và sau đó trong đợt đi tour của ban nhạc. Nhà riêng của Trí trở thành nơi anh em nhạc sĩ trẻ luôn tụ tập để nghe nhạc, trao đổi và tranh luận về thị trường âm nhạc lúc bấy giờ. Trí là một trong số ít các nhạc sĩ Sài Gòn thời đó luôn cởi mở với cánh nhạc sĩ từ ngoài Bắc vào đây công tác.

Nếu như Trí được coi là người làm âm nhạc chuyên nghiệp ăn khách nhất ở Sài Gòn thì anh là người nắm vị trí đó ở Hà Nội. Điểm chung của sự “ăn khách” đó là gì?

Tôi không rõ thế nào gọi là sự “ăn khách”, bởi mỗi tác phẩm sẽ có một lượng công chúng riêng. Tôi nghĩ cái chung ở đây có lẽ là mong muốn về sự hình thành một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp, xác định rõ đâu là âm nhạc để thưởng thức và đâu là âm nhạc để giải trí và thực hiện nó với một thái độ chuyên nghiệp nhất. Tôi thấy rõ điều này ở rất nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ khác như Anh Quân, Võ Thiện Thanh, Tuấn Khanh…

Anh thích tác phẩm nào của Trí?

“Hôm nay anh đến” và “Giận anh” là hai bài có giai điệu đẹp trên một nền tiết tấu hay. Nhất là trong bài “Giận anh”, Trí viết cho Phương Vy, thể hiện rõ vai trò của một nhà sản xuất rất am hiểu sân khấu.

Nền tảng của anh là cổ điển Tây phương. Còn nền tảng của Trí là ngũ cung dân tộc. Từ hai điểm xuất phát này, hai nhạc sĩ sẽ đi xa và cách xa nhau đến đâu?

Tôi đánh giá cao về những hiểu biết của Trí trong lĩnh vực này. Có lẽ, Trí là một trong những người làm âm nhạc đại chúng, nhưng lại am hiểu về các âm thanh và nhạc cụ dân tộc sâu nhất.

Nhưng điều tôi còn đánh giá cao hơn là anh ta chưa bao giờ lạm dụng nền tảng âm nhạc này để đưa vào những sáng tác của mình một cách ồ ạt, khác với nhiều nhạc sĩ khác. Đức Trí sử dụng nó một cách rất tiết chế.

Trong vai trò nhà sản xuất, Trí có may mắn hơn anh khi trưởng thành ở môi trường âm nhạc sôi động trong Sài Gòn. Nhưng theo anh, đó là may mắn hay là bất lợi để trau chuốt âm nhạc?

Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt. Trí được tôi luyện từ rất sớm và cũng thành công trên thị trường sớm hơn nhiều người khác bởi một môi trường âm nhạc rất sôi động nên rất am hiểu về âm nhạc trên sân khấu. Nhưng khi Trí chưa kịp nhìn lại mình thì âm nhạc của anh đa tràn ngập từ các sân khấu, phòng trà cho đến quán bar, café. Có lẽ đó là thời điểm Trí chưa đủ chín để có thể nói “Không” với một số thứ. Nhiều khi Trí nhận lời làm âm nhạc chỉ vì anh đa bị cuốn quá sâu vào cái cối xay của thị trường âm nhạc giải trí. Rất may Trí đa kịp nhận ra và đa dành cho mình một khoảng thời gian rất bổ ích khi quyết định du học, để khi trở lại Trí đa bình thản hơn.

Bây giờ, khi anh là người đã Nam tiến, lao vào cuộc sống hối hả ấy giống như Trí ở Sài Gòn, anh phải học điều gì của anh ấy?

Tôi nghĩ thời điểm nay đã khác. Thị trường âm nhạc bây giờ cũng là bức tranh rất khác so với cái thời mà ai cũng bị cuốn vào sự hối hả ấy. Khái niệm thị trường Nam – Bắc cũng đã dần mất đi. Đã có những ca sĩ trong Nam bay ra Hà Nội để sản xuất đĩa hát của mình, đã có những liveshow của ca sỹ từ Sài Gòn mà người Hà Nội nườm nượp kéo nhau đi xem… Những gì Trí đã làm hoặc phải làm, có thể chỉ phù hợp với thời điểm đó. Quan trọng vẫn là thái độ của từng người khi làm nghề. Ở đâu hay thị trường nào không quan trọng, như tôi đã từng nói, nó chỉ là vấn đề thay đổi về địa lý.

Tôi nhớ không lầm, cái tên Music Faces chính là tên của nhóm các nhạc sĩ mà chúng ta vừa nhắc đến, cả anh và Đức Trí đã thành lập ra?

Hồi đó, như đã nói, nhóm anh em nhạc sĩ Bắc – Nam còn có thêm Hồng Kiên, Phương Uyên… có chung một mong muốn lập ra một nhóm nhạc sĩ có chung chí hướng, mong muốn được làm những sản phẩm âm nhạc tử tế, dung hòa thị hiếu Bắc – Nam, hướng đến một thị trường âm nhạc chung. Tôi nghĩ rằng bản thân thế hệ nhạc sĩ chúng tôi trước hết là những nhạc công được đào tạo một cách chính quy, ai cũng có chung một cái nhìn về thị trường và mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp hơn nữa. Thế hệ chúng tôi đã từng mất rất nhiều thời gian bởi sự nghiệp dư và không lành mạnh.

Tôi thấy còn một điểm yếu của thế hệ anh đó chính là sự quá tải. Công việc và cơ hội đến quá nhiều khiến cho các anh thiếu những sự phục hồi năng lượng cần thiết?

Nhưng ít ra là những cơ hội ấy vẫn còn nằm trong tay những người muốn được làm tử tế. Với những cơ hội, sự tử tế là rất cần thiết trong những bước đầu tiên đối với bất cứ một quá trình phát triển nào. Tôi nghĩ chúng ta không nên ảo tưởng, chúng ta mới đang dần dần học cách làm việc chuyên nghiệp nên hãy đi từng bước cho vững đã.

Thực hiện: Bạch Vân

Hình ảnh: Hellos


From the same category