Khi trẻ không nghe lời

Bạn vẫn giải thích rằng: “Yêu cho roi, cho vọt”. Trong một số trường hợp câu nói này chỉ là sự ngụy biện cho sự bất lực trong việc giáo dục con mà thôi.

Rất dễ nhận thấy “roi vọt” có thể cải biến một đứa trẻ nhưng sẽ khiến chúng phát triển không đúng hướng, bởi vì chọn cách này cũng đồng nghĩa với việc bạn đã không đủ kiên nhẫn để giáo dục con.

Trẻ biết mình sai nhưng thường không biết là đã sai ở đâu, đồng thời nảy sinh tư tưởng chống đối. Cách giáo dục bạo lực này lâu dài sẽ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ và hình thành tính cách cục cằn. 

Vậy khi trẻ không nghe lời, bạn sẽ dùng biện pháp gì?

1. Thái độ thân thiện:
 
Khi trẻ không nghe lời bạn hãy nói chuyện với chúng bằng thái độ nhẹ nhàng, phân tích đúng sai cho trẻ, chỉ ra biện pháp đúng đắn nhất, tránh dùng những lời nặng nề mắng mỏ, chì chiết. Mỗi khi trẻ mắc lỗi không nên quá chú ý đến lỗi của chúng mà hãy coi đây là một cơ hội để bạn giáo dục con.
 
2. Trì hoãn:
 
Trong khi trẻ vẫn không chịu tiếp thu những yêu cầu của bạn, khiến bạn rất bực, hãy kiềm chế và nói: “Bây giờ bố (mẹ) chưa muốn thảo luận việc này, chúng ta sẽ để lúc khác vậy”.
 
3. Dạy trẻ đạo lý:
 
Khi trẻ để đồ chơi bừa bãi, không nên phạt chúng ngay mà hãy khôn ngoan nhắc nhở bằng cách dẫn dắt như sau: “Nếu con đi ra ngoài, chơi xong chắc chắn con sẽ muốn về căn nhà ấm áp của mình. Những đồ chơi của con cũng thế: bạn gấu này, bạn thỏ trắng kia cũng muốn về “nhà của chúng”, vì vậy khi con chơi xong con hãy để chúng vào đúng chỗ.

4. Nói theo hướng tích cực:
 
Thay vì nói: "Bố (mẹ) phải nói bao nhiêu lần con mới chịu đi đánh răng nhỉ?”, bạn nên nói: "Bố (mẹ) muốn biết có phải là con có thể đánh răng rất sạch hay không!"
 
5. Khuyến khích con:
 
Thay vì chê bai, bạn hãy khuyến khích con, kiểu như: “Con xem, các bạn khác đều có thể làm được, con của bố (mẹ) hoàn toàn có thể làm tốt hơn các bạn ấy phải không nào?” 
 
6. Tôn trọng ý thích của trẻ:
 
Cho dù bạn bận rộn đến mấy, nhưng nếu thấy ý muốn của con hợp lý, bạn hãy cố gắng đáp ứng. Hãy nhớ: tôn trọng ý thích khác hoàn toàn với việc chiều chuộng theo ý thích của con.
 
7. Tránh uy hiếp hay sử dụng vũ lực:
 
Lúc trẻ có lỗi bạn không nên nói: “Nếu con còn làm thế bố (mẹ) sẽ đánh con đấy!” hay “Lần trước ăn đòn chưa chừa à?”. Kiểu dạy con thế là một sai lầm, đặc biệt càng không nên nhắc lại sai lầm trước làm cho trẻ thấy tự ti và càng khó sửa lỗi.
 
8. Chọn cách dạy cho phù hợp:
 
Khi trẻ phạm sai lầm, bạn không nên nổi cáu. Hãy chọn phương pháp và thời điểm thích hợp.

Khi con có lỗi, trước tiên nên đơn giản hoá vấn đề, sau đó khi nào có thời gian bạn nên thông qua việc kể chuyện, chơi trò chơi, đi vườn bách thú, tham quan bảo tàng, đi dã ngoại… kết hợp những gì nhìn thấy, nghe thấy để truyền đạt ý mà bạn muốn con mình hiểu.

Chắc chắn trẻ sẽ dễ tiếp thu, từ đó dễ sửa chữa./.


From the same category