Kể về người sống, luôn cần kể tốt. Nói về người chết, càng cần nói tốt. Vậy thì những chuyện ta kể, mấy phần là sự thật, mấy phần là thêm thắt, đánh bóng cho nhân vật lấp lánh? Một phần sự thật liệu có phải là sự thật? Người nghe kể chuyện có thỏa mãn với phần sự thật đó? Chỉ nói về cái tốt có phải là lảng tránh? Những chuyện được kể sẽ dẫn chúng ta đi đâu?
Đó là những băn khoăn của tôi khi biên tập lần cuối cuốn giả-hồi-ký “50”. Trong bản thảo viết tay, đã có thật nhiều tình tiết, những nhận định, những phán xét gay gắt về một số người – biết sao được, đó là nhật ký của tôi, chẳng có lý do gì tôi phải viết để chiều lòng người khác. Nhưng khi có ý định xuất bản, tôi phải lọc lại, không những một mà ba, bốn lần. Lọc lựa vốn tưởng dễ, cứ cầm kéo cắt xoẹt là xong, nhưng lọc sao để phần còn lại vẫn lôi cuốn, ý nhị, vẫn cho thấy chính kiến và sự thật, không phải là những dòng chữ lảm nhảm tán tụng, thì rất khó.
Bên cạnh chúng ta, can dự vào đời sống của chúng ta, luôn có những người tốt mà ta cảm mến, yêu thương, thậm chí hàm ơn. Cũng có một số đông bằng thế những kẻ làm ta lên bờ xuống ruộng, hất đổ ly rượu trên tay ta, dập tắt nụ cười trên môi ta, tiêu diệt ta. Vậy tôi đã xoay xở ra sao với tư cách một chứng nhân (kể hết sự thật) và một cá nhân chủ quan (kể theo cảm xúc)?
Một trưa muộn trên hè phố Trần Quốc Thảo, một cữ cà phê dã chiến gồm: tôi (cộng tác viên của một số tờ báo), nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, nhạc sĩ Lê Quang và nhạc sĩ Vũ Văn Tuyên. Chủ đề được nói đến là “Nhà báo nên nói những sự thật nào?”, vì thời điểm đó đang rộ lên tuyên bố hùng hồn của các nhà báo: “Tôi là nhà báo, tôi phải nói sự thật” – tuyên ngôn có vẻ rất mực đúng đắn hóa ra lại là khúc dạo đầu cho thảm họa bới móc đời tư, vu vạ, phủ nhận sạch trơn, kéo dài từ năm 1997 đến năm 2004 trong làng báo văn nghệ.
Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng nói một câu, đến giờ tôi còn nhớ: “Nói thật, nhưng nói về cái tốt thôi, còn cái xấu thì khỏi đả động tới, người đọc tinh ý sẽ thấy ngay thôi mà, đâu nhất thiết phải bới rác ra làm gì”. Tôi xem ý kiến của anh Tùng là kim chỉ nam cho nghề báo, và cho thể loại tản văn/bút ký/tiểu luận – sở trường của mình.
Khi cuốn “50” được phát hành, tôi nhận được nhiều phản hồi từ độc giả (điều làm tôi vui nhiều) và từ một vài nhân vật được nhắc đến (điều làm tôi xúc động). Viết – thay vì là niềm vui thầm lặng, thì nay thành niềm vui chung. Có những nhà văn ưa nói về cái xấu, lại có người viết chỉ muốn kể về điều tốt, tình thương, niềm vui sống, như Hemingway trong “Hội hè miên man” chẳng hạn. Tôi thiên về lối thứ hai. Không phải vì sợ ai, nhưng trang viết không nên để các cảm xúc tiêu cực chiếm cứ. Cảm xúc tiêu cực dấy lên thường xuyên, nhưng tôi không đưa vào trang viết, tôi tự biên tập sao cho chỉ những gì trong lành được giữ lại. Bởi chúng sẽ được in ra, chúng sẽ mãi mãi nằm đó. Thiện lương và lòng tin vào điều thiện lương mới là thứ nuôi chúng ta qua đời sống khổ ải, và lắm khi trên bờ vực tiêu diệt này.