Khi Thị… Hở lũng đoạn thảm đỏ

“Thảm đỏ” xin được bỏ trong ngoặc kép. Là nơi để các nhân vật nổi tiếng chụp ảnh trong một sự kiện nào đó. Thường thì là backdrop in tên sự kiện, logo của các đơn vị tài trợ phía sau và thảm được trải phía trước cho các khách mời đứng chụp ảnh với chủ nhân sự kiện đó. Một là để lưu lại kỷ niệm là các nhân vật này đã đến dự sự kiện. Hai là để lên báo PR về chương trình với sự xuất hiện của các nhân vật nổi tiếng.

 
“Thảm đỏ” là nơi để các nhân vật nổi tiếng chụp ảnh trong một sự kiện nào đó, và hình ảnh của các “sao” sẽ xuất hiện trên các báo ngay sau đó…

Ống kính được giương sẵn. Bất cứ nhân vật nào xuất hiện trên thảm cũng sẽ được chụp ảnh. Càng nổi tiếng thì càng được chụp nhiều. Đương nhiên hình ảnh này sẽ xuất hiện trên các báo sau đó. Rất nhanh và chi tiết.

 
Ống kính đã được giương sẵn…

Bắt đầu từ đây mới có những hành vi gọi là “kém biết điều” hay “không tế nhị”, nói thẳng là ” vô duyên” của một số “sao” trên thảm đỏ khiến nhiều người khó chịu. Trong một sự kiện gần đây, khi chủ của một câu lạc bộ đang chụp ảnh đón khách tại backdrop thì đột nhiên có sự xuất hiện của một cô gái… hở ngực táo bạo.


Bắt đầu từ đây mới có những hành vi gọi là “kém biết điều”, nói thẳng là ” vô duyên” của một số “sao” trên thảm đỏ khiến nhiều người khó chịu

Cô ấy không đứng vào chụp cùng gia chủ mà đứng tách riêng ra ngoài. Các phóng viên thấy “hở” thì thi nhau chuyển hết ống kính qua đó, bỏ mặc nhân vật chính đứng lóng ngóng trên thảm đỏ. Cô ấy đứng đó, vặn vẹo rất lâu, cười rất tươi, mặc kệ nhiều người đang khó chịu về cách hành xử kém duyên ấy. Một vài người nổi tiếng khác thấy vậy cũng làm theo. Các ống kính xoay tùm lum hướng, và không có 1 ống kính nào xoay về backdrop cùng chủ nhà và các khách mời khác. Đến khi mình phải lên tiếng nhắc nhở một số “người nhà” không nên chi phối sự tập trung của các máy ảnh thì tình hình mới giảm được 50 %. 50% ống kính còn lại vẫn chưa thôi “lưu luyến” Thị… Hở. Công nhận hay thiệt! Thời buổi này, cứ to đùng và hở bạo thì sẽ được chú ý ngay lập tức. Không cần biết thật giả thế nào.

Thôi không bảo được người thì đành về dạy học trò của mình thôi vậy. Rằng, dù các em có khao khát nổi tiếng tới đâu thì cũng phải ý nhị, biết điều. Có như vậy thì người ta mới đánh giá các em là có văn hoá ứng xử.

Thêm một lời dặn dò nữa. Hãy nhớ ai là chủ nhân của sự kiện. Đừng chiếm thảm đỏ quá lâu. Đừng trơ trẽn “thấy sang bắt quàng làm họ” bằng mọi giá. Đừng biến sự kiện đó thành sự kiện của mình theo kiểu mặt dày mày dạn. Hình ảnh của mình chẳng sang đẹp lên đâu. Chỉ có xấu đi thôi – nhớ đấy, và những cái bĩu môi lắc đầu sẽ theo mình mãi mãi…

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Người mẫu Xuân Lan
logo


From the same category