Khi ta là chính mình

Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, hay, giống như một con tàu… Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động… Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến… Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…

 

Đó là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chị được mời làm giám khảo phản biện cho buổi chiêu sinh diễn viên điện ảnh. Ở vòng chung kết với khoảng 20 thí sinh, chị chú ý cô gái quê Củ Chi với vẻ ngoài lạc lõng giữa cuộc thi thanh sắc, lạc hơn, em vẫn an nhiên, không biểu lộ nao núng trước mọi lao xao xét nét. Nghe nói em tiến được tới vòng trong là do kết quả kiểm tra viết khá tốt.

Căn phòng thi tù túng khoảng 30m2, giám khảo K. ra đề cực đơn giản: Bạn hãy đi xéo từ góc này sang góc kia, trở lại, sau đó nói cho ban giám khảo biết trong lúc đi bạn suy nghĩ gì. Thời gian đã xa, thí sinh nhiều, chị không nhớ hết mọi chi tiết của từng người một, nhưng chị nhớ rất rõ hai trường hợp: Đầu tiên là cô gái đẹp, tóc tha thướt. Sau vài bước đi (cũng) tha thướt, cô dịu dàng thủ thỉ với ban giám khảo, rằng em rất yêu nghề diễn viên, rất tự tin mình có đam mê, có năng khiếu bẩm sinh. Rằng ngay từ nhỏ em đã thần tượng các diễn viên lớn như cô Trà Giang, chú Lâm Tới, như cô Y, chú X…; nhưng rất tiếc ba mẹ em không ủng hộ. Dù vậy em nhất quyết sẽ kiên nhẫn đấu tranh, bởi em khát khao cống hiến cho nghệ thuật thứ bảy… Stop! Chị đưa tay ra hiệu dừng, cùng câu hỏi nhã nhặn: Đoạn đường ngắn, thời gian đi quá ít, sao em nghĩ được nhiều như vậy? Mặt cô gái đỏ tía. Cô biết mình thất bại.

Rồi tới em, cô gái Củ Chi có nhan sắc khiêm nhường. Em đi khoan thai, ngồi xuống khoan thai. Em nghĩ gì trong lúc đi? Giám khảo hỏi. Em thanh thoát, điềm tĩnh: “Em nghĩ nếu em đẹp hơn một chút, chắc chắn bữa nay em sẽ đậu”. Cả khán phòng đông cứng lại nhìn em. Không ai chờ đợi một câu nói tự tin, chân chất, hiển nhiên và bất ngờ đến vậy. Em rốt cuộc – rất tiếc, dù dĩ nhiên – phải rời cuộc thi do ngoại hình không thích ứng, nhưng phong thái của em, câu trả lời đáng yêu của em đã ở lại rất lâu trong tâm trí nhiều người…

Bà có việc cần phải chứng minh lý lịch tham gia chống Mỹ của chồng. Bà hỏi mượn ông hình ảnh ông từng chụp chung với mấy vị quan to trước đây, đặc biệt bức ảnh ông được một vị quan rất to ẵm trên tay lúc hai tuổi – bức ảnh mà bất kỳ ai, nếu có, cũng muốn trưng khoe cho nhiều người biết đến như sự hãnh diện chân chính, như thứ bảo vật làm sang lý lịch đời mình. Nhưng ông nhất định không đưa bà ảnh đó. Ông nói đứa con nít không chịu trách nhiệm ai bồng nó lúc hai tuổi. Không lẽ người bồng tốt thì nó tốt, còn ngược lại thì nó xấu? Cũng như vị quan rất to kia không thể chịu trách nhiệm về đứa con nít hai tuổi mình đã bồng năm nảo năm nào… Cứ vậy ông chỉ đưa bà mượn những bức ảnh khi ông trưởng thành. Ông nói đó mới chính là ông, là trách nhiệm, ý thức của ông.

Ngày xưa, A. và B. cùng đi thi nghệ thuật ở xứ Nga. Đề thi vấn đáp yêu cầu thí sinh kể lại “Buổi bình minh đáng nhớ trong đời”. Đọc đề thi, A. mừng quýnh, bởi cuộc đời A. có một buổi sáng quá ư đặc biệt, chỉ ngại nhúm từ vựng quá ư ít ỏi của bảy tháng trui nhồi ngoại ngữ không đủ để A. diễn đạt hết ý. Vậy rồi, bằng cả tay, cả mắt, cả mặt, cả long lanh ký ức, A. cũng kể được câu chuyện lần đầu tiên vô căn cứ gặp cha – người phải chia tay con ra Bắc tập kết khi A. Mới biết đi lững đững. Rằng khi A. vào tới chiến khu thì trời đã tối đen, cha con quấn quýt yêu thương, cha con thổn thức huyên thuyên nhưng vẫn không rõ mặt nhau vì chiến khu cấm đốt đèn. Rằng chưa bao giờ A. nao nức mặt trời lên như cái đêm đoàn viên đó, để được nhìn thấy người sinh tạo ra mình. Rằng với đứa con 17 tuổi, đó là buổi sáng không thể nào quên của cuộc đời… Câu chuyện ngắn và đơn giản.

Câu chuyện của B. ngược lại, sâu sắc, dày chi tiết, lại được kể với khả năng ngoại ngữ lưu loát: thời chiến tranh, B. và đồng đội đóng quân trong khu rừng già che kín mặt trời. Một ngày cả đơn vị đang nghe nhạc giao hưởng Tchaikovsky qua radio thì máy bay B52 tới thả bom. Mọi người bỏ radio, chui xuống hầm trú ẩn. Khi bom dứt, trở lên mặt đất thì cây cối đã đổ la liệt vì bom địch. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà những người chiến sĩ trẻ năm xưa có dịp nhìn thấy ánh mặt trời. Kỳ diệu hơn, sau trận bom, chiếc radio vẫn nguyên vẹn, bản giao hưởng của nhạc sĩ thiên tài Nga vẫn hiên ngang thánh thót…

Rõ ràng so với câu chuyện bình minh hiền lành, ngắn ngủi của A., bình minh của B. hàm chứa tư tưởng lớn, cụp lạc, công phu, giàu âm thanh, hình ảnh… Nhưng thật bất ngờ, A. đã được chọn trong cuộc thi này.

Bài: Việt Linh 


From the same category