Khi ta chỉ là “bạn ngủ” của nhau

Cho đến gần đây, một cô bạn trong hội bạn gái của tôi đang thật sự trở thành nhân vật trong bộ phim “Yêu không ràng buộc” của chính cô, với một anh chàng đô con dễ thương người Mỹ.

Họ gặp nhau trong một lần cùng tham gia sự kiện thể thao quốc tế (Quả là một cuộc gặp gỡ tự nhiên hiếm hoi giữa thời đại Tinder!). Và rồi, họ cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè, cùng tập luyện, ăn tối, cà phê, xem phim, mua sắm, cùng trò chuyện về mọi thứ… Quan trọng nhất là, cả hai rất hợp nhau chuyện… trên giường.

khi-minh-la-ban-ngu-cua-nhau-2

Cô bạn tôi (và cả hội bạn gái chúng tôi nữa) đã tràn ngập hy vọng về một cái kết tươi vui cho mối lương duyên này, vì chẳng phải nó đáng để kỳ vọng hay sao? Cho đến khi anh chàng người Mỹ dễ thương ấy thông báo rằng hiện anh chưa sẵn sàng để xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc, nhưng anh vẫn muốn được “vui vẻ”, và đề nghị liệu cô bạn tôi có chấp nhận một mối quan hệ kiểu “friends with benefits” (dịch sát nghĩa nhất là “bạn ngủ”) ấy không. Nghĩa là, về cơ bản, họ chỉ là bạn bè thân thiết nhưng vẫn duy trì quan hệ tình dục đều đặn khi cần và muốn. Cũng có nghĩa là, giữa cô và anh không có bất kỳ sợi dây ràng buộc nào về trách nhiệm và cam kết. Và nghĩa là, họ có quyền gặp gỡ những đối tượng khác khi cơ hội đến. Cuối cùng, mối quan hệ ấy nghĩa là không nên có bất kỳ sự kỳ vọng nào để tránh những thất vọng không đáng có.

Khó có thể nói là cô bạn tôi vui vẻ đồng ý với lời đề nghị của anh, nhưng cũng không có cách nào để cô dứt khoát bước ra khỏi mối quan hệ đó. Họ vẫn gặp gỡ nhau khi có thời gian, ngủ với nhau khi muốn và làm những việc mà các cặp đôi hay làm, trừ việc gọi nhau là người yêu. Mối quan hệ chỉ thuần về sex này đã kéo dài được vài tháng, và nhìn từ bên ngoài thì có vẻ họ đều ổn cả.

Nhưng thật sự thì có ổn không? Tôi không biết anh chàng người Mỹ kia thế nào, còn về phần cô bạn tôi thì có lẽ là không. Làm “bạn ngủ” tức là chỉ có tình dục thuần túy, không cảm xúc yêu thương, nhưng phụ nữ dù muốn dù không vẫn có ít nhiều cảm xúc kết nối, thăng hoa hay chia sẻ với người mà mình gần gũi. Sự gần gũi lặp lại càng khiến những cảm giác yêu thương này dày thêm. Làm “bạn ngủ” tức là không được đau khổ hay buồn bã, nhưng cô bạn tôi đã không ít lần giận dỗi và thất vọng vì sự vô tâm của anh chàng. Làm “bạn ngủ” là không được có mong muốn sở hữu đối phương, nhưng cô thú nhận cái cảm giác đi bên nhau nhưng không thuộc về nhau chẳng hề dễ chịu. Làm “bạn ngủ” là không được kỳ vọng, nhưng bạn tôi bảo thật khó để tự vẽ ra một đường ranh giới trong lòng và cố giữ mình để không vượt qua nó. Và làm “bạn ngủ” là phải chuẩn bị tâm lý cho một ngày nọ anh chàng của bạn sẽ gặp và yêu một cô gái khác, đến lúc đó thì chỉ còn là “bạn”, bỏ chữ “ngủ” đi, tự lo liệu dập tắt những cảm xúc còn lại. “Tại sao lại là cô ấy? Sao không phải là tôi? Tại sao tôi không đủ tốt để có được một mối quan hệ nghiêm túc?” – Liệu cô bạn tôi có bình yên được nữa không hay sẽ bị xoay vần bởi những câu hỏi đau lòng như thế?

khi-minh-la-ban-ngu-cua-nhau-3

Tuần trước gặp nhau cà phê, cô bạn tôi kể vừa có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với anh chàng người Mỹ. Cô đã nói rõ những cơn sóng lòng khi ở trong mối quan hệ này, về những vòng tròn cảm xúc vốn rất khó kiểm soát của cô, về sự hồi đáp ít ỏi của anh… Về phía anh, một cách lịch sự và bình tĩnh, anh cho rằng nếu như việc làm “bạn ngủ” khiến cho trái tim cô tan vỡ (là điều anh không cố ý) thì chi bằng họ đừng ngủ với nhau nữa, trở về đúng nghĩa thuần túy bạn bè, vì cái ý nghĩ sẽ mất một người bạn như cô còn làm anh khó chịu hơn cả việc ngừng sex với cô. “Vậy cậu quyết định sao?”, tôi hỏi. Thở dài, cô bạn tôi trả lời: “Chắc tớ sẽ tránh không gặp anh ta một thời gian. Phải để trái tim mình dịu lại đã!”.

Tôi cũng không nói gì, vì dù luôn quan sát những cuộc tình xung quanh mình nhưng tôi không có thói quen cho lời khuyên trong chuyện tình ái của người khác. Chỉ có người trong cuộc mới biết họ cần phải làm gì, mới đủ tư cách để quyết định nên làm như thế nào. Tôi chỉ hy vọng cô bạn tôi sẽ hài lòng với quyết định của cô ấy, rồi tiến về phía trước, ngẩng cao đầu sống tiếp đời mình. Tôi nhớ trong bộ phim Mỹ “Yêu không ràng buộc”, hai nhân vật chính sau chuỗi ngày làm “bạn ngủ” vô tư đã không còn vô tư nữa. Họ tốn bao nhiêu thời gian để giả vờ không yêu thương, không đau lòng, không trông đợi, nhưng rồi đến cuối cùng họ chợt nhận ra đó là những cố gắng vô nghĩa, rằng trái tim con người sẽ luôn có vô vàn những lý do riêng của nó, và việc trái tim này tự động tìm đến hoặc rời xa trái tim kia là điều lý trí không thể can thiệp nổi.

Chẳng cần nghe ai khác nói mình khôn hay dại. Cũng không cần phải biết tại sao ta yêu ai đó. Dù cho mối quan hệ có ràng buộc hay không, bộ phim có hậu hay không, thì cảm xúc của trái tim mới là điều quan trọng nhất.


From the same category