Ở đời luôn phải có trên có dưới, loại hậu sinh thì đương nhiên không thể nhanh chóng trèo lên chiếu trên. Nơi công sở cũng thế, số người vừa bước chân ra khỏi trường đại học đã chễm chệ trên chiếc ghế giám đốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hầu như tất cả đều buộc phải bắt đầu từ nấc thang đầu tiên. Và ở trên luôn luôn có một vị sếp nào đó. Là nhân viên quèn thì chịu sự quản lý trực tiếp của ông trưởng phòng, lên được cấp phòng thì phải chịu ông cấp ban, rồi trên ban còn có giám đốc.
Nhiều người hình như không thích làm nhân viên nên bị chỉ đạo, xăm xoi là không chịu được. Những không ít kẻ nói thẳng tuột rằng làm nhân viên nhiều khi lại sướng, nhất là dưới trướng của sếp giỏi. Chẳng cần phải suy nghĩ nhiều lắm bởi sếp hoạch định chiến lược, sắp xếp công việc quá hoàn hảo rồi. Nếu sếp lại là người giao lưu rộng, có uy tín thì lại càng nhàn. Đến đâu giao dịch mọi thứ cũng như bày sẵn hết cả.
Nhưng khổ nỗi có phải sếp nào cũng là minh quân đâu. Cứ thử chọn một công ty quy mô vừa vừa rồi “điểm danh” các vị chức sắc sẽ thấy tỷ lệ sếp thực tài cũng không phải là nhiều. Trừ đi một số sếp hơi đuối về chuyên môn nhưng lại có uy lãnh đạo, trừ thêm những ông hiền hiền lành lành chẳng làm hại ai nhưng không giúp được bao nhiêu cho sự phát triển chung, thì cái lực lượng không-biết-tại-sao-được-làm-sếp cũng phải chiếm vài chục phần trăm.
Một buổi chiều cuối tuần tụ tập dăm bảy ông làm chầu bia, thế nào cũng phải có một, hai người than khổ vì sếp kém. Loại nhân viên tồi vẫn chê sếp “vớ vẩn” thì ở đây không bàn, nhưng đúng là có nhiều trường hợp sẵn sàng bày tỏ bức xúc dồn nén về lãnh đạo của họ mỗi khi có dịp ở ngoài cơ quan. Có người chọn đối sách “việc tôi tôi làm”, có người “ngậm bồ hòn làm ngọt”, có anh tỏ vẻ “không thèm chấp”, lại cũng có người liều mạng vài lần cự nự riêng, thậm chí ngay trước mắt bàn dân thiên hạ.
Tuy nhiên, hình như chọn đối sách nào cũng dẫn đến những kết quả không hay. Gặp phải sếp hay chấp vặt mà lại dám tỏ vẻ khinh khỉnh hoặc trót thể hiện chuyên môn thì rất dễ bị trù úm. Chơi con bài nhắm mắt mặc kệ chắc chắn là không xong bởi công việc chung sẽ lộn tùng phèo. Nhưng cứ nghiến răng sửa sai cho sếp thì sẽ suốt ngày ôm việc vào người, và ôm luôn cả cái bực. Một giải pháp nữa mà không ít người nghĩ đến, nhất là những nhân viên có khả năng: bỏ việc. Nhưng đừng tưởng là chiêu này dễ áp dụng. Cố mãi mới được cái chân biên chế không lẽ lại tung hê hết, hoặc lương bổng đang kha khá tự nhiên dứt ra thì biết trôi ngả nào.
Hãy nhận diện sếp…
Trong một thế giới lý tưởng thì tất cả mọi người được cất nhắc là dựa vào khả năng chuyên môn hay tài lãnh đạo. Nhưng khi cái viễn cảnh đó chưa xảy ra, hoặc không bao giờ xảy ra, thì chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế rằng người cầm lái con thuyền là một nhân vật chẳng có gì đặc biệt nhưng lại may mắn, một kẻ mồm miệng đỡ chân tay nên trèo cao, một người thân của “sếp to hơn”, và muôn ngàn lý do khác.
Không phải dễ mà nhận ra được một sếp tồi. Nếu ông ta hay bà ta đã có khả năng qua mặt cả một hệ thống tổ chức cán bộ và sếp to nhất thì ai dám đảm bảo sẽ “hiện hình” trong mắt của các nhân viên. Mà loại sếp này có khi lại còn tài đến mức hưởng hết công lao sáng tạo của nhân viên ấy chứ.
Tuy nhiên, để ý một tý nữa thì không phải là không “vạch áo” được những vị sếp chẳng ra gì. Một sếp tồi hay cố tạo ra một bầu không khí sợ hãi để chế ngự nhân viên. Ông ta luôn theo quan điểm ép buộc nhân viên che giấu sai sót hơn là có hành động phù hợp để sửa sai. Một biểu hiện khác của sếp tồi là không biết cách quản lý hiệu quả, không dành thời gian để đánh giá công việc của cấp dưới, cứ giao nhiệm vụ mà không cần biết nhân viên có khả năng hoàn thành tốt hay không. Tất nhiên, một sếp tồi sẽ không coi nhóm nhân viên dưới quyền như một tập thể thống nhất mà là tập hợp hỗn tạp của nhiều cá nhân.
Làm sao đối phó?
Tuy rằng trên nguyên tắc, công tác bổ nhiệm, thăng chức tại các công ty hay cơ quan rất được chú trọng với hàng loạt những yêu cầu nghe rất khắt khe, nhưng thiếu sót và sai lẫm vẫn đầy rẫy và có nhiều, thậm chí rất nhiều, ngoại lệ. Và thế là sếp tồi vẫn, và sẽ hiện diện khắp nơi nơi. Có người nói rằng đến… lũ mà chúng ta còn chấp nhận sống chung được thì với loại sếp này cũng đành vậy mà thôi. Nhưng sống chung kiểu gì? Ngạo nghễ như một đại trượng phu không một chút sợ hãi, chấp nhận luồn cúi hay âm thầm chờ ngày “đảo chính”? Khoan khoan, hãy thử nghĩ kỹ mà xem, chẳng cách nào trên đây là hoàn hảo bởi hoặc là bạn bị sứt đầu mẻ trán, hoặc có khi lại tự dằn vặt với lương tâm.
Người phương Tây có cách giải quyết vấn đề riêng, người châu Á cũng vậy và người Việt Nam đương nhiên có cách hành xử khác. Để chữa căn bệnh “sếp tồi”, thử bốc một thang Đông-Tây y kết hợp như sau:
TỰ BẢO VỆ MÌNH. Chẳng còn gì tệ hơn là làm việc trong một môi trường không lành mạnh. Nếu đã rơi vào hoàn cảnh đó, chi bằng tự tìm cách bảo vệ mình trước. Chẳng khó gì để lưu hồ sơ tất cả những chuyện liên quan đến công việc của bản thân, cả tốt lẫn xấu – tức là cả những thành công đạt được lẫn những việc không hay đã xảy ra với bạn và những dự án mà lẽ ra bạn có thể làm tốt hơn. Chìa khóa ở đây là không cho phép bất kỳ ai nghi ngờ khả năng cũng như tính cách của mình.
CHỨNG TỎ GIÁ TRỊ CỦA MÌNH. Nếu là một người có đầu óc chuyên nghiệp thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được mất nhuệ khí. Hãy cố gắng tối đa để hoàn thành công việc của mình, để đồng nghiệp thấy rằng bạn đã trực tiếp đóng góp vào thành công của tập thể. Đừng để người khác lấy lý do sếp tồi không biết quản lý mà làm giảm giá trị của mình.
TỰ QUẢNG BÁ. Xét ở khía cạnh này thì làm nhân viên của một công ty cũng không khác mấy so với khi làm giám đốc hãng của riêng mình. Dù thế nào cũng phải tự quảng bá, “tiếp thị” về bản thân. Mọi người cần phải biết rõ mình là ai và làm việc như thế nào, cả ở trong và bên ngoài công ty. Trong kỷ nguyên công nghệ cao này, còn gì thích hợp hơn khi dùng từ “nối mạng” cho điều này. Những người thành công là những người không ngừng nối mạng bởi vì có thể thu được rất nhiều điều có ích chỉ từ những cuộc gặp gỡ với người này người kia, và có khi lại phát hiện ra cơ hội để thăng tiến.
LINH HOẠT TRONG QUAN HỆ NHƯNG PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU KHI CẦN THIẾT. Xét cho cùng, đối sách này có lẽ nên được nhấn mạnh hơn vì nó giúp duy trì một mối quan hệ đúng đắn nơi công sở. Linh hoạt rõ ràng là khác hẳn với việc nhũn như chi chi hay gân cổ cãi lý. Đuối về chuyên môn thường dẫn đến hệ quả là các sếp càng phải tỏ ra “rắn” nhưng thực tế cho thấy nhiều sếp loại này cũng chẳng ưa gì thói xu nịnh. Đơn giản là vị họ sợ bị… nhân viên âm thầm cho quả đắng. Đương đầu với sếp là việc rất khó với hầu hết mọi người, nhưng sẽ hiệu quả nếu bạn nêu lý lẽ của mình trên tinh thần xây dựng, có quan điểm cởi mở và tránh không để nó biến thành một sự chỉ trích cá nhân.
Những người vấp phải vị sếp chẳng ra gì luôn nhòm sang núi bên kia, nhưng cần phải hiểu rằng rất ít người vừa đầu quân đã gặp minh chủ, lại được phò tướng tốt suốt cả cuộc đời. Mà “số sướng” như vậy chắc gì đã sướng! 20 năm làm việc suôn sẻ, bỗng một ngày gặp phải sếp hơi tẻ có khi đã bị xì-trét rồi. Nhân viên chuyên nghiệp thì chẳng có thói quen chọn lựa sếp. Bởi vì nếu không kể sự may mắn thì dưới quyền sếp giỏi hay sếp dở, tất cả thành công đều phải từ chính bản thân mình./.
(LQM)