Khi nhà thiết kế là nghệ sĩ

 

Chuyên đề: Thời trang & Nghệ thuật

Thật đáng ngạc nhiên khi từ thời Phục Hưng, vào cuối thế kỉ 16, nhà tiểu luận và triết gia nổi tiếng người Anh, Francis Bacon, đã nhận định: “Thời trang là một nỗ lực nhằm thực tiễn hóa nghệ thuật trong các hình thức sinh sống và giao thiệp xã hội.” Điều đó quả không khó để chứng minh trong bối cảnh ngày nay. Bởi ngoại trừ chức năng che phủ cơ thể hay hơn thế nữa, nhằm chứng tỏ đẳng cấp, trang phục còn được lựa chọn và ưa thích vì vẻ đẹp mang tính thẩm mỹ của chúng. Vậy nên, nhà thiết kế thời trang, người tạo ra các mẫu áo quần và phụ kiện có giá trị thẩm mỹ, chẳng phải cũng là người nghệ sĩ sáng tạo sao?

Thực hiện chuyên đề: Arlette Quỳnh-Anh Trần

Các bạn đón đọc các bài tiếp theo:

>> Cuộc “hôn phối” của cái đẹp

Comme des Garçons Thu Đông 2009-2010


Có một câu hỏi muôn thuở cho giới nghệ sĩ trẻ: đào tạo hay tự học? Tương tự, nếu quyết định đầu tiên trong giai đoạn tuổi trẻ không phải là thời trang, liệu người ta có trở thành nhà tạo mẫu được không? Trước khi trả lời câu hỏi này, thử lấy ví dụ với nghệ thuật thị giác thì rõ ràng rằng, không phải cứ học trường mỹ thuật ra mới làm được nghệ sĩ. Đối với lĩnh vực thời trang cũng vậy, lựa chọn theo đuổi sự nghiệp tạo mẫu phụ thuộc vào độ mãnh liệt của niềm đam mê, khiếu thẩm mỹ cũng như khả năng sáng tạo vượt trội của mỗi cá nhân.

“Phản thời trang” nhưng không phi nghệ thuật

Comme des Garçons Thu Đông  2010-2011

Người nghệ sĩ đầu tiên phải kể đến là Rei Kawakubo, nhà thiết kế sáng lập thương hiệu Comme des Garçons vào năm 1969, một trong những nhà tạo mẫu tiên phong cho phong cách “tái cấu trúc” và “phản thời trang”. Chẳng khác nào một nghệ sĩ tạo hình, Rei Kawakubo kiến thiết nên một “vũ trụ” sáng tác riêng cho mình, ở đó, bà “bắt đầu từ con số 0, từ trống rỗng, từ những gì chưa bao giờ được thực hiện trước đây, những gì mang một hình ảnh mạnh mẽ”, như bà từng nói với tờ The New York Times năm 1982. Sự cách tân và tiên phong của bà được giới phê bình lẫn các nhà thiết kế đánh giá sánh ngang cùng Cristóbal Balenciaga và thậm chí Coco Chanel.  

 

Rei Kawakubo 


Vậy mà, khó có thể tưởng tượng, Rei Kawakubo lại chưa từng được đào tạo cắt may ở bất cứ trường lớp dạy thiết kế danh giá nào. Bà học chuyên về lý thuyết hàn lâm và tốt nghiệp ngành lịch sử mỹ học tại Đại học Keio. Tựa một nghệ sĩ trưởng thành từ học viện phê bình chứ không phải đại học mỹ thuật, Rei Kawakubo thổi một luồng phong cách sáng tạo mới vào thực hành thời trang và xem nó thật sự như một khối tác phẩm nghệ thuật tạo hình – tạo mẫu trên vải vóc và cơ thể con người.   


Sau Rei Kawakubo, một nghệ sĩ tạo hình – tạo mẫu ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới thời trang khác phải kể đến là Helmut Lang. Được chú ý trên bình diện thời trang quốc tế từ cuối thập niên 80, đầu những năm 90, Helmut Lang nổi tiếng bởi sự cải tiến trong kĩ thuật cắt may âu phục lâu đời và đưa các loại chất liệu tổng hợp tân tiến vào thiết kế. Năm 1979, chàng trai người áo Helmut Lang mở cửa tiệm thời trang đầu tiên tại thành phố Viên khi mới 23 tuổi.

 

Helmut Lang 

Trái ngược với tính cổ điển tiêu biểu của thành Viên, nơi hội tụ tinh hoa các nền nghệ thuật kinh viện như nhạc thính phòng hay kịch opera, sản phẩm mang tên Helmut Lang là những chiếc áo thun bằng nhựa PVC, quần tây vải dạ quang phát sáng, bộ váy dệt kim nhiều lớp vải xuyên thấu mang hơi hướng thì tương lai hay khoa học viễn tưởng. Helmut Lang, tuy vậy, không chối bỏ truyền thống và nguồn gốc bản thân. Ông vận dụng kỹ thuật cắt may cẩn trọng của người Áo, màu sắc trầm tĩnh thậm chí có phần ảm đạm trong kiến trúc Viên làm đặc điểm nhận dạng cho trang phục nhãn hiệu Helmut Lang.  


Bản thân tự đào tạo và học hỏi, Helmut Lang có tiêu chí sáng tạo thoát khỏi cái khung định nghĩa một nhà tạo mẫu. Các sản phẩm của ông luôn là phản biện cho môi trường xung quanh: ứng dụng hiện đại đối trọng ngữ cảnh truyền thống và bảo thủ; mẫu thiết kế phi giới tính trái ngược với sự đề cao vẻ quyến rũ đặc trưng giới tính của văn hóa nhạc pop bấy giờ; đường cắt tối giản cùng kiểu dáng thuần khiết không thay đổi qua xu hướng thời trang từng mùa; biến chiếc quần jeans bình dân nơi đường phố trở thành món trang phục “quý giá” mang tính couture hay xóa nhòa sự tách biệt giữa trang phục thể thao với thời trang cao cấp.  


Helmut Lang Thu Đông 2002-2003


Tinh thần phản kháng của một nghệ sĩ đích thực thể hiện rõ trong con người Helmut Lang, chẳng hạn quyết định chuyển trụ sở thiết kế từ kinh đô thời trang Paris hào nhoáng sang New York – thành phố nổi dậy của những đứa trẻ đường phố theo trào lưu punk và grunge vào thập niên 90. Tiếp đó, Helmut bán lại công ty cho tập đoàn Prada rồi không chấp nhận việc bị chỉ đạo bởi chính tập đoàn này. Xuất thân là một sinh viên kinh tế rồi trở thành nhà tạo mẫu tiếng tăm, năm 2005, ông lại rút lui khỏi giới thời trang ngay tại thời điểm danh vọng nhất trong sự nghiệp để chuyên tâm với nghệ thuật thị giác. Nhưng dù vắng bóng khỏi nhà mốt mang tên chính mình, Helmut Lang vẫn được ngưỡng mộ như một hình tượng nghệ sĩ tạo mẫu tiên phong; hơn thế nữa, còn là một nghệ sĩ ý niệm – trừu tượng của thế giới nghệ thuật đương đại.

 

Một thiết kế của nhãn hiệu Helmut Lang 

Thời trang – Nghệ thuật của cộng hưởng

Theo lý luận thông thường, nhà tạo mẫu được so sánh với nghệ sĩ điêu khắc, hoặc xa hơn, có thể với kiến trúc sư do đặc thù công việc liên quan tới việc tạo hình trong không gian ba chiều. Tuy vậy, có những nhà thiết kế không chỉ thực hành nghệ thuật tạo mẫu, họ còn dấn thân vào các phương tiện và hình thái nghệ thuật khác nhau. Tựu trung, tất cả mọi thực hành đều phục vụ cho nhu cầu thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của người làm nghệ thuật. Nó phá bỏ nhiều khái niệm cố hữu về một người – một ngành – một nghiệp. Như Helmut Lang bỏ thời trang làm nghệ sĩ thị giác, hay một Hedi Slimane cùng lúc thử sức trong thời trang lẫn nhiếp ảnh.  


Tốt nghiệp ngành khoa học chính trị và lịch sử nghệ thuật, không hề qua trường lớp, Hedi Slimane được phát hiện và mời về đội ngũ thiết kế thuộc nhà mốt Yves Saint Laurent năm 27 tuổi và đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo dòng thời trang nam giới cho nhà Dior. Sẽ chẳng có gì đáng chú ý lắm khi bàn về sự thành công với tuổi đời còn trẻ như Slimane. Điểm thú vị của con người Slimane nằm ở mối tương quan mật thiết giữa thời trang – âm nhạc – nhiếp ảnh. Nhắc tới Slimane, người ta không thể đơn thuần gọi anh bằng danh xưng của một nghề cụ thể, như nhà tạo mẫu, nhiếp ảnh gia hay nghệ nhân thiết kế phục trang. Dưới nhãn thời trang cao cấp Dior, Hedi biến đổi diện mạo người đàn ông, đẩy vẻ nam tính tới mức độ khác hẳn, với bộ tuxedo ôm sát cơ thể, cà vạt mảnh bằng lụa đen và nhất là chiếc quần jeans cạp trễ bó chặt.  

Hedi Slimane trong buổi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên cho Dior Homme Thu Đông 2001-2002 


Chơi thân với Kate Moss cùng nhiều ban nhạc indie thuở vàng son của rock indie tại London, Hedi là người may trang phục diễn cho các nhóm nhạc và ca sĩ đình đám như Franz Ferdinand, the Kills (trong đó, ca sĩ chính của nhóm là chồng của Kate Moss), và cả Mick Jagger (nhóm Rolling Stones). Giới mộ đạo nhiếp ảnh thì mê mẩn những bức hình chân dung và bán thân truyền cảm đầy gai góc của tay máy Hedi qua các triển lãm ở bảo tàng danh giá như MoMA PS1 (New York), Foam (Amsterdam), MOCA (Los Angeles),… Ở lĩnh vực nào, với sức sáng tạo dồi dào và khả năng thẩm thấu mỹ học bẩm sinh, Hedi đều chứng tỏ anh có thể đẩy mình tới điểm gần với mức hoàn hảo và trọn vẹn của cái đẹp.

Trên thực tế, những đặc cách kiểu con nhà nòi, được đào tạo từ viện tạo mẫu lừng lẫy, hoặc giả có thầy đỡ đầu chuyên môn, v.v… đúng là tổ hợp điều kiện trong mơ để uốn nắn nên một tài năng cho làng thời trang. Nhưng không có một yếu tố nào bằng chính “bản chất thời trang” có thể thúc đẩy một nhà tạo mẫu phấn đấu cật lực cho niềm đam mê sáng tác. Thời trang ghi dấu ấn thẩm mỹ của cá nhân thiết kế. Do đó, thách thức lớn nhất đối với mỗi cá nhân sáng tạo thuộc lĩnh vực thời trang không phải vị trí trong trường lớp mà nằm ở chỗ làm sao để khai thác tối đa các góc cạnh sáng tạo và khơi gợi nguồn cảm hứng ấy chảy mãi không ngừng.




From the same category