Khi ngôi nhà trở thành... "trạm trung chuyển" - Tạp chí Đẹp

Khi ngôi nhà trở thành… “trạm trung chuyển”

Sống

Chị Lan, 38 tuổi, con chú Tám Châu, ở An Giang vốn tính vui vẻ, nhiệt tình, biết quan tâm họ hàng, chòm xóm. Đó là một phần lý do mà căn nhà một trệt, hai lầu trong một con hẻm nhỏ ở trường Hồ Thị Kỳ, Q 10, Tp.HCM thường xuyên có người vào kẻ ra. Hết chú bác cô dì đến những người hàng xóm của ba má dưới quê, ai cũng xem nhà chị như một “trạm trung chuyển” thoải mái.

Khi cần mới hỏi han

Vừa đi chợ về, chiếc điện thoại bàn nhà chị Lan đổ chuông dồn dập. Cất vội giỏ thức ăn, chị quay ra nghe mới hay mẹ con dì Bảy, hàng xóm của ba má dưới quê, sắp lên ở nhờ nhà chị. Cuối tuần, họ lên đi khám bệnh. Chị lật đật dọn lại căn phòng để đón khách.

Má con dì Bảy không phải là những vị khách đầu tiên tới nhà chị Lan tính từ đầu tháng. Chị vừa tiễn cậu mợ ra xe về Kiên Giang cách đây hai hôm, sau mấy ngày ở nhờ đi tái khám bệnh tiểu đường của cậu.

Nói nhà chị Lan một trệt hai lầu chứ chiều ngang có 2m và chiều dài là 4m. Tính ra nhà có được hai căn phòng đủ cho gia đình gồm hai vợ chồng và cô con gái lên 10 tuổi mà chị vừa cho ra ngủ riêng. Nhà có người lạ, con gái chị lại quay về chỗ cũ, ngủ cùng ba mẹ nhường phòng mình cho khách.

 

Cuối tuần thường là lúc anh chị dẫn con đi chơi, mua sắm. Có khách, chị phải túc trực ở nhà, lo chợ búa, cơm nước. Nhà chỉ có vợ chồng, con cái, ăn gì, lúc nào cũng được, còn có khách, đâu có thể qua loa. Chưa kể, thói quen sinh hoạt mỗi người mỗi kiểu, một hai ngày đâu dễ thích nghi. Má con dì Bảy vốn quen nếp sống dưới quê thường “ngủ sớm, dậy sớm” nên mới 9h tối, đang coi phim, thấy bà cụ trở mình, chị Lan liền kêu con gái tắt tivi. Nó dùng dằng vì đã không được ra ngoài dạo chơi, phải nằm nhà, còn không được xem truyền hình.

Sáng ra, mới 5h cả nhà chị Lan đã phải thức giấc vì tiếng dì Bảy ré thất thanh trong toilet dưới tầng trệt. Lật đật chạy xuống xem, chị Lan phải che miệng để khỏi phì cười vì thấy đầu tóc, mình mẩy dì ướt nhem do vặn nhầm vòi hoa sen.

Khám bệnh đâu đó xong xuôi, má con dì Bảy còn hẹn mai mốt lên thăm sẽ ở lâu hơn. Chị Lan cười gượng gạo: “Dạ, có dịp gì dì Bảy cứ ghé”.

Nhà trọ thành “khách sạn”

Không phải vướng bận lo chồng, lo con như chị Lan, chị Ngọc Châu, 42 tuổi, đã ly dị chồng, sống cùng con gái đang học năm 2 đại học cùng một người bạn và một người phụ việc. Chị và bạn thuê hẳn một ngôi nhà một trệt, hai lầu để vừa có mặt bằng bán cơm ở tầng trệt, vừa có chỗ ở rộng rãi ở hai tầng trên. Cũng giống như chị Lan, chị Ngọc Châu được ba mẹ ở quê “rao” là người giao thiệp rộng, quen biết nhiều bác sĩ ở Sài Gòn. Chị có “thâm niên” hơn hai chục năm bươn chải ở mảnh đất này. Không biết đã bao nhiêu lần chị dẫn hết người này tới người nọ vào ra gần như khắp các bệnh viên trong thành phố. Chẳng biết có phải tiếng lành đồn xa, nhà chị thành “khách sạn” hút khách.

Nhà có tổng cộng 4 nhân khẩu. Vậy mà những lúc đỉnh điểm, khách trong nhà lên đến hơn chục người. Kẻ đi khám bệnh, người đi làm thủ tục xuất ngoại, người khác tá túc chờ đi đón bà con ở nước ngoài về… Đêm đến, mọi người nằm la liệt. Vui thì cũng vui vì không khí trong nhà nhộn nhịp. Chị được cập nhật đủ mọi chuyện dưới quê.

Với chị cũng chẳng có vấn đề gì đáng nói. Tuy nhiên, cô con gái của chị thì không mấy vui. Tính cô này vốn không mấy gọn gàng, ngăn nắp, đồ đạc hay bày bừa ra đấy. Thế nhưng, cô lại ghét người lạ mó tay vào bất cứ thứ gì của mình. Đó là lý do cô đã hét toáng lên khi thấy chú gấu bông, món quà sinh nhật vừa được bạn bè tặng, tuột khỏi bao nylon và đang trên tay một bạn nhỏ lạ hoắc. Bị chị Châu rầy, từ đó, cô lầm lầm, chả thèm đếm sỉa tới ai. Người bạn của chị Châu cũng không đến mức buồn phiền gì. Tuy nhiên, vì chị Châu cứ nay chở người này, mai đưa người kia hết đi khám bệnh rồi lại tái khám, việc buôn bán thường xuyên giao khoán cho một tay chị này trông coi. Đôi khi, chị mệt và đâm bực bội với cô bé phụ việc khiến nó cứ nhăn nhó suốt. Cũng may, chị Châu vốn có uy tín nhất nhà nên lúc có khách, chẳng ai bộc lộ gì để khách buồn lòng.

 

Khi nhận lời, nên vui vẻ

Ths. Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐHSP Tp.HCM cho rằng tình cảm bà con, chòm xóm dựa trên quan hệ lâu dài. Do đó, họ hàng của ai người nấy quý là chuyện bình thường. Khó trách nếu chồng, con cái hay người khác trong nhà thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu khi nhà có thêm “người lạ”.

Do đó, khi đã nhận lời để người quen tới ở nhờ, người chồng hoặc vợ phải có quá trình tác động đến nhận thức của bạn đời, con cái, các thành viên khác trong nhà trước khi khách tới. Biện pháp tác động đến nhận thức người thân có thể là kể cho họ nghe câu chuyện gì đó trong quá khứ, thời người chồng/ vợ còn ở quê, có liên quan tới người khách sắp tới nhà hay mối quan hệ của người đó với ba mẹ, ông bà dưới quê. Việc này giúp người trong nhà có cảm giác gần gũi hơn với “người lạ”, từ đó, họ sẽ có cách ứng xử tế nhị hơn với khách.

Đồng thời, cha/ mẹ nên nhắc nhở, dặn dò con cái rằng người dưới quê nhiều khi có thói quen, cách sinh hoạt không giống với nề nếp sinh hoạt của gia đình, cần biết cảm thông với họ. Ngoài ra, có những vật dụng của gia đình mà người lạ có thể sẽ không biết cách dùng, lúc ấy người trong nhà cũng phải vui vẻ hướng dẫn để khách khỏi phiền lòng và tránh tiếng tiếp đãi khách không chu đáo.

Theo Gia đình

Thực hiện: depweb

21/07/2012, 11:16