Khi nghệ thuật thiếu vắng những ''ông chủ'' - Tạp chí Đẹp

Khi nghệ thuật thiếu vắng những ”ông chủ”

MIX & MATCH

Tôi là một người vụng về, không một chút năng khiếu kỹ thuật nên rất nể phục sự khéo léo và khả năng kỹ thuật của các bạn trẻ. Nhìn một anh chàng tuổi mười chín đôi mươi sửa xe trong xóm tháo lắp một cách dễ dàng máy chiếc xe Bonus, tôi đã phục lăn phục lóc, đấy là chưa nói đến đám trai gái “nhí” ngồi trong quán internet đầu làng “chát chít”, chơi game show trực tuyến, mà hết hồn.

Khi sản xuất các chương trình ca nhạc, tôi phải gắn bó với phòng thu và sân khấu trình diễn, phải làm việc cùng với đạo diễn, chuyên viên âm thanh và ánh sáng, phải cộng tác với các nhạc sĩ trẻ giỏi kỹ thuật như Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn… mà tôi chỉ có mỗi “cái tai” để nghe, trí tưởng tượng không đến nỗi nào cùng cái đầu “tạm được” để suy nghĩ, vốn tri thức và một khả năng thụ cảm của người làm nghệ thuật từng trải, chừng ấy không đủ để làm nhạc nhẹ trong thời đại kỹ thuật số.

 Nhưng biết làm sao khi tôi là một người như thế lại sinh ra và lớn lên trong môi trường sống của một thời quá lạc hậu. Buồn đấy, nhưng vẫn phải làm việc chăm chỉ để còn được hân hạnh đi cùng đường với các bạn trẻ dù kết quả công việc chẳng bao giờ như ý.

Buồn đấy, nhưng vì thế mà biết ngưỡng mộ tuổi 40, tuổi 30, và đặc biệt là “tuổi 20 yêu dấu” mà người ta gọi một cách thời thượng là thế hệ @. Chính từ sự gắn bó và ngưỡng mộ đặc biệt này tôi nhận ra ở các bạn trẻ nhiều cái hay, nhiều sự vượt trội so với thế hệ tôi. Nhưng đồng thời cũng thấy họ có vấn đề.

Kiếm được nhiều tiền nhưng thiếu văn hóa nền tảng thì sẽ tiêu bậy (như đi đánh bạc chẳng hạn) dẫn đến hủy hoại sự nghiệp mình đã dày công tạo thành. Cũng tương tự nhưng ở một kết quả khác hơn, tiếp nhận nhanh kỹ thuật mới, công nghệ mới nhưng thiếu văn hóa nền tảng thì cả đời sẽ là học trò giỏi, những kẻ copy siêu hạng chứ không thể làm thầy, làm kẻ sáng tạo; không thể làm ông chủ mà chỉ trở thành những “kẻ làm thuê đời mới”.

 Ngày xưa nước ta bị người nước ngoài cai trị, dân ta trở thành những kẻ làm thuê thì cũng là lẽ thường tình. Bây giờ nước nhà độc lập, người Việt Nam dành lại địa vị chủ nhân thì không thể thế được.

Thời tôi hay hô khẩu hiệu suông. Suông là vì khẩu hiệu hay nhưng cách làm dở dẫn đến kết quả chẳng như ý. Tự chủ, tự cường thì phải có thực lực. Cần cù, thông minh, dũng cảm, khéo léo, nhanh nhẹn, năng động… là những điều kiện cần có nhưng chưa phải là tất cả. Đấy thực ra chỉ là những “phẩm chất thợ”.

Người Việt Nam chúng ta khi là học trò thường rất giỏi (bằng chứng là trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế ta thường nằm trong tốp đầu và dành rất nhiều huy chương vàng, học sinh đi du học thường đạt được kết quả cao nhưng khi vào đời phải độc lập tự chủ sáng tạo thì kết quả lại rất trung bình, cực kỳ hiếm những sáng chế phát minh tầm cỡ thế giới lại là của người Việt Nam).

Cũng như thế về mặt kỹ thuật, người Việt Nam (nhất là các bạn trẻ) tiếp thu nhanh có nhiều sáng kiến (không nên hiểu là sáng tạo), khéo léo, nhanh nhẹn, năng động (bằng chứng là các cuộc thi tay nghề khu vực ta cũng thường đứng đầu và các nhân viên văn phòng Việt Nam làm việc trong các cơ sở ngoại quốc thường tỏ ra xuất sắc).

Làm học trò giỏi, thợ giỏi, người làm công giỏi như thế cũng thật đáng tự hào nhưng cũng đáng buồn lắm.

Sở dĩ chúng ta chỉ như thế vì các bạn trẻ chưa có được một nền tảng văn hóa vững chắc và đủ rộng như giới trẻ Âu Mỹ. Nền tảng văn hóa của một con người không nên suy ra từ bằng cấp, từ tổng số kiến thức mà anh ta thu lượm được, mà phải từ chất lượng sống, chất lượng của “cái đầu” (khả năng nhận ra các chuyển động, khả năng định vị sắp đặt chi tiết trong tổng thể, trí tưởng tượng, khả năng liên tưởng, phân tích và tổng hợp v.v.) chất lượng cảm thụ (sự nhạy cảm, khả năng liên thông của các giác quan, sự tinh tế của “con mắt” của “lỗ tai”… ).

Thế hệ @ thành phố, lớp người được coi là văn minh nhất đang chen chúc trong các vũ trường, bar, cafe, nhà hàng, trong siêu thị để mua sắm đồ thời trang đồ kỹ thuật cao, trong các quán internet để chơi game show trực tuyến; họ là nhạc thị trường, phim ảnh kiểu Mỹ, sex và bạo lực, là nghệ thuật “Post- modern”, là fast food, là Cocacola… khá hơn là trong các lớp luyện thi, các lớp ngoại ngữ cấp tốc với hy vọng có mảnh bằng đi xin việc trong các văn phòng ngoại quốc, hoặc các công ty lớn để được trả lương cao.

Sẽ là bình thường nếu như bên cạnh đó còn có cả điều ngược lại: chen chúc trong các nhà hát để tham dự những buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống, nhạc giao hưởng thính phòng, trong các bảo tàng và triển lãm nghệ thuật, trong các thư viện để tìm đọc không phải chỉ là những sách chuyên môn và sách giải trí mà là những sách giúp nâng cao cái tầm người của mình; nô nức lên mạng không phải để chơi, tiêu khiển, lấy tin mà là đọc để khám phá thâu nhận cái thế giới tri thức mênh mông mà internet đã cung cấp miễn phí; mách nhau mua những đĩa nhạc tử tế, có nghệ thuật để thưởng thức và nâng cao trình độ thưởng thức…

Tiếc rằng những cái ngược lại kể trên lại chưa có hoặc nếu có thì ít ỏi tới mức chưa đủ để trở thành một nhận xét.

Trong giới trẻ làm nhạc hiện nay, rất nhiều người giỏi về kỹ thuật, luôn cập nhật những cái mới. Những bản phối cho các bài hát trong vòng vài năm gần đây là một bước tiến về nhiều mặt so với thế hệ đi trước, văn minh hơn, “oách hơn” nhưng là giàu tính kỹ thuật mà thiếu tính nghệ thuật và nếu có nghệ thuật thì phần lớn là nghệ thuật của người thợ khéo hơn là của một nghệ sĩ, bởi nó thiếu hồn, thiếu bản sắc riêng, nghĩa là thiếu hai đặc điểm quan trọng bậc nhất của mọi cái được gọi là sáng tạo nghệ thuật.

Đấy là chưa kể rất nhiều bài hát được thu âm trong những phòng thu hiện đại, nhưng lời ca thể hiện sự trống rỗng và một thế giới tinh thần nghèo nàn.

Khuynh hướng sùng bái kỹ thuật không chỉ có ở nước ta mà có ở hầu hết các nước đang phát triển. Trung Quốc là một ví dụ.

Ai cũng biết Trương Nghệ Mưu là một đạo diễn vĩ đại thế nhưng vẫn bị mặc cảm tụt hậu nên mới có “Hoàng kim giáp” khiến ai đã xem “Đường về nhà”, “Không thiếu một ai”, “Thiên lý độc trình”… phải lắc đầu ngao ngán.

Có lẽ nước chậm phát triển nào khi muốn vươn lên cũng phải qua cái đoạn mà tôi gọi là thời kỳ mặc cảm này chăng?

Dẫu sao tôi vẫn không tuyệt vọng bởi vì xung quanh tôi, bên cạnh nhiều bạn trẻ đang ngộ nhận về sức mạnh và sự thần kỳ của kỹ thuật, vẫn có những người nhận thức được nguy cơ này.

Họ đang cố gắng tạo cho mình một nền tảng văn hóa vững chắc, cố gắng nâng cao đẳng cấp để hình thành phẩm chất của một “ông chủ”, kẻ “dẫn dắt lối chơi”, kẻ sáng tạo.

 Tp. Hồ Chí Minh tháng 7/2007

Dương Thụ

                   

Thực hiện: depweb

20/08/2007, 10:23