Khi màn ảnh được tô màu

 Chuyên đề: Điện ảnh – câu chuyện bất tận

 Như một mối quan hệ tất yếu, thế giới của nghệ thuật làm đẹp và nghệ thuật thứ 7 luôn song hành – là đối tác và cũng là nguồn cảm hứng của nhau…

Tổ chức: Vũ Thủy 

>> Khi màn ảnh được tô màu
>> Geurlain Mitsouko: Sang trọng, Sầu muộn và Quý phái

 

Không cần phải là một “fan cứng” của điện ảnh, bạn cũng ít nhất một lần cần cảm ơn Hollywood. Từ mảnh đất của các nam nữ tài tử tài năng và đẹp mê hồn, những trào lưu thời trang và cả những trào lưu xã hội đã được hàng triệu người tiếp nhận một cách tự nguyện và “êm ả” nhất. Nếu cần một ví dụ đơn giản, thì bạn hãy nhớ rằng, chính nhờ Hollywood mà ngày nay chị em có thể dạo bước nơi công cộng với hàng trăm kiểu trang điểm khác nhau, bạn có thể tô một đôi môi đỏ rực mà không sợ ai đó phán xét vẻ đoan chính của mình.

Tất nhiên là từ lâu, các cung tần mỹ nữ Trung Hoa cũng như phụ nữ thời Hy-La đã phát hiện ra cách tô cho môi đỏ thắm và phủ làn da trắng mịn. Tuy vậy, một thời gian dài việc trang điểm được coi là đặc quyền của giới quý tộc, hoặc những phụ nữ thực sự “chịu chơi”, và người ta cũng chỉ chấp nhận phụ nữ trang điểm trong các buổi tiệc tối. Phải tới những năm 1930, khi Hollywood và điện ảnh được ngưỡng mộ rộng rãi, việc trang điểm cũng nhờ thế mà – lần đầu tiên – được yêu thích và chấp nhận như một thói quen tất yếu của bất cứ người phụ nữ bình thường nào.

Cũng trong giai đoạn này, điện ảnh có sự chuyển mình từ dòng phim đen trắng sang phim màu. Không đơn giản là tô màu màn ảnh, bước chuyển này kéo theo nhiều yêu cầu thay đổi mang tính kỹ thuật mà một trong số đó là hóa trang.

Việc quay phim màu đòi hỏi phải dùng nguồn sáng mạnh hơn, nên lớp trang điểm cũng cần rõ hơn, tạo các mảng khối rõ ràng, và đặc biệt là không có tính phản quang. Kiểu trang điểm cũ dành cho phim đen trắng khi xuất hiện dưới ánh đèn mạnh bỗng bợt bạt, mất hết các mảng màu. Các nữ diễn viên kiều diễm nhận ra rằng trông mình thật sự xấu xí hơn khi xuất hiện trong phim màu, và thế là họ… từ chối lời mời của các nhà sản xuất phim màu.

Elizabeth Arden với phát súng đầu tiên: “Screen and Stage Makeup”

Trong một lần trò chuyện, nhà sản xuất phim Jock Whitney đã chia sẻ với Elizabeth Arden – một tên tuổi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm – về khó khăn này.

Ngay lập tức, Elizabeth Arden tỏ ra hứng thú với việc nghiên cứu sản phẩm trang điểm dành riêng cho điện ảnh và sân khấu. Chẳng bao lâu, với cái đầu đầy sáng tạo, Elizabeth Arden đã cho ra đời “Screen and Stage Make-up” vào năm 1935. Dòng sản phẩm này đã được sử dụng và đạt được một số thành công trong các bộ phim “A Star is Born”, “Nothing Sacred” (đều là phim do Jock Whitney đầu tư tài chính). Bộ sản phẩm gồm 10 loại phấn nền cho phim, 20 loại phấn nền cho sân khấu, 10 phấn phủ cho phim, 16 phấn phủ cho sân khấu, 15 loại chì kẻ và một số loại khác.

Thực tế thì “Screen and Stage Make-up” không chỉ dành cho điện ảnh và sân khấu mà còn có tham vọng hướng tới các phụ nữ trẻ. Một quảng cáo năm 1937 của Elizabeth Arden đã viết: “Screen and Stage Make-up” giúp chị em nổi bật trong các buổi tiệc tối, bất kể buổi tối đó kéo dài lê thê, hay diễn ra trong những phòng dạ vũ với ánh sáng huy hoàng.

Tuy vậy Arden gặp phải khó khăn trong việc mở rộng thị trường bán lẻ của “Screen and Stage Make-up” bởi nó không mấy phù hợp với ánh sáng ban ngày. Như Arden tự nhận thấy: “Các sản phẩm này dùng tốt trên sân khấu nhưng lại quá dày với nhu cầu sử dụng thông thường.”


Pan-cake Makeup của Max Factor – Sự thay thế hoàn hảo

Các ngôi sao điện ảnh trong quảng cáo “Pan-cake Makeup”

Trong lúc Elizabeth Arden đạt được một số thành công nhỏ trên màn ảnh và thất bại trong thị trường bán lẻ, một chuyên gia khác cũng tỏ ra quan tâm tới mảng sản phẩm này. Đó là công ty gia đình Max Factor.

Ngày nay thì người ta ít nghe tới cái tên này, nhưng vào những năm 1920, Max Factor được coi là ông vua của mỹ phẩm trang điểm thời phim đen trắng còn làm mưa gió ở Hollywood, ông thậm chí còn được nhận tượng vàng Oscar năm 1928 về hóa trang. Năm 1927 Max Factor bắt đầu bước ra khỏi thế giới Hollywood, tấn công vào thị trường phổ thông. Ông hứa hẹn biến những người phụ nữ bình thường thành hình tượng hoàn hảo như các ngôi sao điện ảnh. Ông đưa ra các bộ sản phẩm theo phong cách các ngôi sao nổi tiếng bấy giờ: Clara Bow, Rita Hayworth, Lana Turner, Marilyn Monroe, Jean Harlow, Judy Garland, Joan Crawford, Jaclyn Smith, Denise Richards… Tất nhiên là phụ nữ lập tức mê mẩn lời hứa ngọt ngào này.

Công ty Max Factor – lúc này bắt đầu được chuyển giao cho con trai Max Factor là Frank – cũng bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm trang điểm dành cho phim màu và năm 1937 giới thiệu dòng sản phẩm “Pan-cake Makeup” (ban đầu được đặt tên là “T-D”). Sản phẩm được tạo thành dạng bánh cứng, khi dùng người ta lấy miếng bọt biển ẩm thoa lên mặt. Điều này khiến phấn và màu bám chặt trên da, che đi các vết khiếm khuyết trên da, tạo một lớp nền “ăn”, hơi trầm màu và hoàn toàn không bắt sáng, phù hợp với các trường quay đầy đèn chiếu.

“Pan-cake Makeup” được sử dụng lần đầu tiên trong phim “Vogues of 1938” vào năm 1937 và nó nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong công nghệ trang điểm dành cho phim màu suốt một thời gian dài sau đó.

Tất nhiên Frank và Max Factor cũng hướng tới việc phổ thông hóa dòng sản phẩm này. Nhưng nhược điểm lớn nhất của nó là lớp nền – vốn tạo ra để tương thích với ánh đèn trường quay – lại có tông màu quá sẫm. Để “Pan-cake Makeup” trở nên phù hợp hơn với thị trường thông dụng, Frank đã cho sản xuất các sản phẩm với định dạng tương tự nhưng sắc độ sáng hơn.

Tới năm 1938 khi người cha Max Factor qua đời, Frank – lúc này đã đổi tên thành Max Factor Jr. – chính thức tiếp quản công ty. Ông là người hiểu rất rõ sức mạnh của truyền thông và tận dụng nó để đưa “Pan-cake” trở thành một dòng sản phẩm trang điểm thông dụng cho phụ nữ, một trong những sản phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ. Cũng như phương thức trước đó, hình ảnh các ngôi sao Hollywood được đưa ra như một viễn cảnh tươi đẹp, và nếu các mỹ nhân đã sử dụng “Pan-cake” thì chẳng có cớ gì chị em phụ nữ lại e ngại.

Sự thành công này đã khiến các công ty mỹ phẩm khác cũng nhanh chóng sản xuất ra các dòng sản phẩm tương tự. Đầu tiên chính là Elizabeth Arden, bà cho ra dòng Pat-A-Kake. Danh sách tên tuổi tham gia vào thị trường này tiếp tục mở rộng với Helena Rubinstein, Dorothy Gray…

Bài Quế San


From the same category