Khu vực KCN Sóng Thần có nhiều quán nhậu cho công nhân. Đây là môi trường dễ xảy ra va chạm, lôi kéo thanh niên – Ảnh: Quang Định
Nguyễn Văn H., quê Nghệ An, thất thểu quay về phòng trọ khi mặt trời chưa ngả bóng, bộ hồ sơ xin việc còn thơm mùi giấy nhưng mặt H. thì nhàu nhĩ. Mấy ngày nay, từ sáng đến chiều H. chạy đôn chạy đáo gần 10 công ty ở các KCX-KCN vùng giáp ranh Q.Thủ Đức (TP.HCM) và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nhưng vẫn chưa xin được việc. H. đã thất nghiệp hai tuần nay sau khi bị cho thôi việc ở một công ty trong KCN Sóng Thần. Đi đến đâu H. cũng nhận được câu cửa miệng “Nhận đủ người rồi” trong khi công ty vẫn treo bảng tuyển dụng lao động.
Quậy quá nên doanh nghiệp ngán
Hiện tượng các doanh nghiệp không tuyển dụng hoặc ngại tuyển lao động nam các tỉnh trên manh nha từ năm 2008 và càng về sau trở nên phổ biến. Tuy nhiên, quy định này bất thành văn và không công khai.
Bà N.L.L, trưởng phòng nhân sự một công ty lớn ở KCN Linh Trung, thừa nhận năm năm qua không tuyển dụng lao động nam các tỉnh trên, nếu có thì rất ít và phải có người bảo lãnh. Nguyên do theo bà L., nhiều lao động nam khu vực này ý thức chấp hành kỷ luật kém, hay gây sự và ngang bướng. “Họ làm việc chăm chỉ, siêng năng nhưng dễ xung đột” – chị Diệu, cán bộ quản lý một phân xưởng công ty F, nhận xét.
Ngoài ra, theo một cán bộ quản lý khác, lao động khu vực này khi có xung đột thường “đoàn kết” với nhau gây ra những vụ xung đột tập thể. “Đang làm việc mà bạn bè “có chuyện” là xin về, không cho cũng bỏ về. Đến khi không được chấm công thì kiếm chuyện” – chị Diệu đưa ra ví dụ.
Một cán bộ quản lý khác cho biết cứ có công nhân nam bỏ việc mấy ngày là thế nào sau đó cũng có công an vào xác minh. “Đó là những vụ lớn, còn các vụ nhỏ thì không kể nổi”, vị này nói. Đánh lộn, đâm chém nhau thường xuyên. “Các doanh nghiệp vì để ổn định sản xuất nên không muốn tuyển nhầm các đối tượng này”, bà L. nói.
Phong, giám đốc nhân sự một công ty ở KCN Sóng Thần, nói mình rất thương người các tỉnh trên nên hay đứng ra bảo vệ, nhưng lãnh đạo công ty kiên quyết không tuyển vì không để việc đánh lộn ảnh hưởng đến công ty. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng còn không được tiếp tục ký lại. Không chỉ lao động phổ thông mà tình trạng này còn lan sang những người có bằng cấp.
Biết nhưng chịu!
Ông T. (quê Nghệ An), giám đốc một công ty ở Q.Thủ Đức, cho biết giao việc tuyển dụng cho người khác nhưng dặn kỹ nếu là người Nghệ An thì phải chính ông xem xét. Tương tự, ông B., trợ lý giám đốc một công ty sản xuất muỗng ở KCX Linh Trung, cho biết do hiểu không phải lao động nào ở các tỉnh trên cũng quậy nên công ty vẫn có tuyển nhưng sàng lọc rất kỹ.
Một cán bộ có trách nhiệm ở Ban quản lý các KCX – KCN TP.HCM (Hepza) cho biết khi phát hiện tình trạng phân biệt vùng miền trong tuyển dụng, Hepza đã hạn chế bằng cách không cho các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp mà phải thông qua trung tâm giới thiệu việc làm của Hepza. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, các công ty vẫn tự tuyển dụng. Thậm chí nếu trung tâm tuyển cho thì họ sẽ trả hồ sơ lại. Đó cũng là quyền của họ.
Nhiều người cho rằng về mặt quản lý rất khó giải quyết hiện tượng này mà cần tuyên truyền, vận động công đoàn, chi bộ (nếu có) đối với chủ doanh nghiệp và người lao động. Một số trưởng phòng nhân sự nói vẫn có thể quản lý và sử dụng hiệu quả những lao động này nếu biết tính cách và phương pháp hợp lý.
“Bọn em chưa tới cửa đã bị xô ra ngoài rồi, sao báo tổ chức công đoàn được và cũng không có chứng cứ để phản ảnh” – Tâm, một bạn trẻ trầy trật đi xin việc làm, ngao ngán nói. Tâm cho biết thấy người ta tẩy chay mình cũng xấu hổ. “Nhưng con người ở đâu chẳng có nét hay nét dở. Điều đáng buồn là trong môi trường như thế này (môi trường công nhân, sống tập thể phức tạp và phần lớn trình độ thấp, nóng nảy – PV) bao nhiêu năm nay không có ai chỉ ra cái hay, cái dở cho tụi em để bây giờ mới nên nỗi”, giọng Tâm chùng xuống.
Chưa có cách giải quyết
Hiện tượng phân biệt đối xử trên tồn tại đã lâu nhưng việc tháo gỡ mắc mứu này đang bị bỏ ngỏ, làm ảnh hưởng đến quyền của những lao động chân chính.
Ông Hồ Xuân Lâm, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Ban quản lý các khu chế xuất & công nghiệp TP.HCM (Hepza), cũng cho rằng việc có doanh nghiệp thông báo công khai không tuyển dụng lao động các tỉnh trên là hành vi miệt thị người lao động. Đồng thời hình thức “bảo lãnh” vào làm việc là trái với quy định của pháp luật lao động. “Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động như thế nào là nhu cầu của doanh nghiệp, không thể can thiệp được”, ông nhìn nhận.
Theo Tuổi trẻ