Khi EDM thống trị nhạc đại chúng

Deadmau5 không chỉ là DJ rất “hot” mà anh còn luôn xuất hiện với hình tượng đầu Mickey độc đáo.

Quyền năng của những “thầy phù thủy trộn nhạc”

Nhà báo âm nhạc nổi tiếng David Fricke có lúc từng than trời: “Giờ đây, các cô ca sĩ xinh đẹp chỉ cần ‘nắm tay thật chặt’ một gã DJ là có thể có một bản hit dễ dàng rồi!”. Cây viết lão làng của tờ Rolling Stone ám chỉ tới ca khúc “Break free” mà Ariana Grande kết hợp với DJ trẻ tuổi Zedd gây sốt suốt năm ngoái.

Nếu như giai đoạn cách đây 10 năm, từ khóa của âm nhạc giải trí là “hip hop” thì bây giờ phải là “EDM” (Electronic Dance Music – nhạc dance/nhảy điện tử) hay “DJ”, hoặc nhạc điện tử. Gần như mọi ca khúc nhạc pop hiện đều có âm hưởng điện tử và gần như 80% các ngôi sao nổi bật nhất như Justin Bieber, Katy Perry hay Nicky Minaj cho tới các nhóm K-pop đều tận dụng tối đa chất liệu âm nhạc này.

Vì sao một thể loại âm nhạc vốn đã xuất hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước lại bùng nổ ở thời điểm này? Có thể lý giải điều đó trên rất nhiều phương diện.

Zedd đang là DJ trẻ được ưa thích trên khắp thế giới.

Đầu tiên là sự phát triển chóng mặt của công nghệ, kích thích sự phát triển của các thiết bị chơi nhạc điện tử cũng như các ứng dụng, phần mềm cho người chơi. Sự sáng tạo gần như đã tới mức không giới hạn. Từ những chất liệu như house sơ khai, techno và electro – funk, giờ đây phân nhánh của EDM đã mở rộng hơn rất nhiều.

Khái niệm DJ đã có những thay đổi đáng kể trong khoảng một thập niên qua. Từ những người chọn nhạc trên đài phát thanh, DJ trở thành người “trộn nhạc” trong các câu lạc bộ, không gian giải trí khép kín. Nhưng giờ đây, một DJ cũng có thể trở thành nghệ sĩ biểu diễn thực sự trên sân khấu giữa hàng vạn khán giả. Như vậy, thay vì “trộn nhạc”, các nghệ sĩ chơi nhạc điện tử bắt đầu trở thành những người sáng tác, sản xuất âm nhạc độc lập.

Lý giải về điều này, DJ Kruise, một trong những DJ nổi bật nhất của Việt Nam hiện nay cho biết: “Các DJ/nhà sản xuất đều có nền tảng kiến thức âm nhạc rất tốt. Họ chơi nhạc điện tử nhưng không bị lệ thuộc vào sự tiện lợi của thiết bị mà chúng tôi thường gọi là ‘đồ chơi’. Họ sáng tạo những tác phẩm, những giai điệu mới. Vì thế mới có những bản hit như ‘When love takes over’ của David Guetta hay ‘Wake me up’ của Avicii”.

David Guetta đã tạo ra nhiều bản hit cho cả anh và ca sĩ anh mời thể hiện ca khúc của mình.

Quen quá hóa nhàm?

Một thể loại âm nhạc đi từ riêng biệt tới đại chúng chắc chắn phải nhờ sự phổ biến của nó. Sự bùng nổ của EDM mấy năm gần đây thể hiện qua những bản hit liên tục chiếm lĩnh các bảng xếp hạng, các kênh phát thanh và truyền hình âm nhạc. “Khi một ca sĩ ngôi sao kết hợp với một DJ/nhà sản xuất trong một bản hit thì hiệu quả sẽ là tương hỗ qua lại. Bản nhạc đó sẽ khiến ca sĩ kia nổi danh hơn và ngược lại chính những người hâm mộ ca sĩ cũng yêu thích ca khúc đứng danh DJ”, Michael Soprest của tờ Electronic Music, tạp chí chuyên về nhạc điện tử phân tích trong chuyên đề về sự đại chúng hóa của nhạc điện tử phát hành năm ngoái.

Khi đã phổ cập trên những kênh tiếp cận khán giả, sự cộng hưởng càng tiếp tục mở rộng tới các sân khấu biểu diễn. EDM ra đời từ những buổi tiệc tùng và vì thế không có thứ nhạc nào phù hợp hơn cho không khí lễ hội. Tại không ít các liên hoan âm nhạc lớn hiện nay, người ta chờ đợi các DJ như Skrillex hay Calvin Harris còn hơn cả các ca sĩ, nhóm nhạc.



Madonna và Avicii trong một buổi diễn.



EDM là một trong những thể loại nhạc tạo sức hút mạnh mẽ nhất khi đưa lên sân khấu biểu diễn ngoài trời.

Ngay ở thời điểm này, nhiều ca khúc sử dụng chất liệt EDM vẫn đang có mặt trên các bảng xếp hạng và các nghệ sĩ vẫn đang rục rịch ra album mới thì đã có câu hỏi đặt ra: Liệu đã đến thời điểm thoái trào của thể loại này? Đa số quan điểm cho rằng chính sự phổ biến quá mức có thể khiến khán giả nhàm chán. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ quá lạm dụng chất liệu điện tử đến mức “lười nhác” trong sáng tạo, vì chỉ cần chờ các DJ/nhà sản xuất đưa ra 1-2 bài hit là đủ giữ tên trên bảng xếp hạng.

Chưa biết liệu vài năm tới EDM có thực sự thoái trào hay không, nhưng có thể thấy một điều, với những thị trường trũng như Việt Nam, nhạc điện tử vẫn đang có sức hút lớn. Bằng chứng là một số DJ nổi tiếng sang Việt Nam vừa qua đã có được những đêm diễn với hàng vạn khán giả.

Sự phổ biến quá mức có thể khiến khán giả nhàm chán. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ quá lạm dụng chất liệu điện tử đến mức “lười nhác” trong sáng tạo, vì chỉ cần chờ các DJ/nhà sản xuất đưa ra 1-2 bài hit là đủ giữ tên trên bảng xếp hạng.
Hiện nay trên thế giới thì EDM vẫn là dòng nhạc thu hút đông đảo các bạn trẻ, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên một số lượng công chúng Việt Nam có sự nhầm lẫn rằng nhạc điện tử chỉ có EDM hay remix/DJ mix. Sẽ mất một khoảng thời gian nữa để công chúng nước nhà làm quen với các phân nhánh khác của nhạc điện tử, ngoài EDM ra.

Nhạc điện tử nói chung đã trải qua một quá trình phát triển từ cuối thế kỉ 19 đến nay để có sự đa dạng về thể loại cũng như sự vững mạnh về cộng đồng ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài EDM, công chúng quốc tế còn quan tâm đến những phân nhánh khác của nhạc điện tử như: downtempo, ambient/soundscapes, industrial, chiptune, electronic rock, nhạc điện tử thể nghiệm/mang tính hàn lâm (experimental electronic music/electroacoustic music), nhạc điện tử pha trộn với các yếu tố bán cổ điển,…

Bài: Độc Cầm – Hồng Nhung

logo


From the same category