Khi đứa trẻ sắp ra đời - Tạp chí Đẹp

Khi đứa trẻ sắp ra đời

Sống

Trước khi có đứa con, cuộc sống vợ chồng về cơ bản không khác là bao so với khi chưa kết hôn. Có thể cũng có xung đột nhưng ít và tương đối dễ giải quyết. Nhưng sau khi đứa trẻ đầu tiên ra đời, vợ chồng phải đối mặt với những xung đột chưa từng gặp trước đây nên lúng túng không biết xử trí thế nào. Tuy nhiên trước khi sinh con, các đôi vợ chồng trẻ thường chỉ tập trung vào chuẩn bị tã lót, chiếu chăn, đồ ăn thức đựng, nhưng lại thiếu quan tâm đến một điều còn cần thiết hơn, đó là chuẩn bị tâm lý khi đứa con ra đời.

Điều bạn cần chuẩn bị để đón đứa con ra đời là vợ chồng phải thấy hết mọi khó khăn và bàn nhau cách khắc phục. Đó là một cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Những mục đích thay đổi, nhu cầu thay đổi và niềm vui chắc chắn cũng thay đổi.

Tất cả những sự thay đổi đó đòi hỏi bạn và chồng phải năng động, có những điều chỉnh mới từng ngày. Và mỗi quyết định điều chỉnh của bạn đều có thể gây ra xung đột khi mong muốn của hai người không giống nhau.

Trước đây chúng ta có 24 giờ một ngày cho riêng mình, nhưng từ khi sinh con sẽ không còn như thế nữa. Cuộc sống mới khiến bạn căng thẳng vì áp lực của những thử thách mới.

 Bạn dễ cảm thấy bị chồng bỏ rơi và phải đối mặt với những phẫn uất đang gia tăng, còn vai trò của chồng bạn đâu rồi?

Anh ta đang xem tivi và sau đó làm những gì anh ấy thích. Tồi tệ hơn, anh ta còn càu nhàu về việc thiếu tiền do bạn không đi làm được khiến thu nhập giảm đi.

Bạn có những giải pháp và chồng bạn cũng vậy. Tuy nhiên một giải pháp hợp lý với bạn có thể lại không hợp lý với chồng bạn.

Cái là lợi thế của bạn, lại có thể là bất lợi với anh ấy và khi điều đó xảy ra, các bạn bắt đầu xung đột. Bạn dễ bị ngập trong cả mớ những chuyện phải quyết định nhanh chóng mà bạn chưa bao giờ gặp trước đây, vì thế đôi khi trở nên không chín chắn.

 Thành công của cuộc hôn nhân sẽ phụ thuộc vào khả năng giải quyết những xung đột trong sự quan tâm đến nhau. Có nghĩa bất cứ khi nào một quyết định được thi hành, quyền lợi của cả hai người phải được tính đến đồng thời.

Nhưng tiếc thay, đó không phải là cách đa số các cặp vợ chồng giải quyết những xung đột của họ. Vì thế nếu bạn có chuẩn bị tâm lý tốt sẽ đỡ bị ngỡ ngàng hơn. Để tránh tình trạng như trên, vợ chồng bạn nên bàn bạc với nhau ngay từ bây giờ.

Về tình cảm, người mẹ nghỉ việc ở nhà trông con phải tách rời khỏi môi trường làm việc và các mối quan hệ xã hội, suốt ngày chỉ quẩn quanh với đứa con nhỏ chưa biết nói trong khi chồng đi suốt ngày vì phải làm thêm để tăng thu nhập.

Chính vì thế, có những người cảm thấy như mình bị bỏ rơi, sinh ra buồn rầu, trầm cảm. Vì thế người chồng cần phải tăng cường quan tâm đến vợ như thường xuyên gọi điện về nhà thăm hỏi tình hình.

Khi ở nhà nên cố gắng trò chuyện với vợ, chơi với con để vợ được làm việc riêng, đi chơi, giao du với những người thân quen gần nhà, nối lại các mối quan hệ xã hội, cho cuộc sống khỏi đơn điệu, nhàm chán.

Đặc biệt chồng cần đánh giá đúng mức sự vất vả của vợ trong việc chăm con, có khi còn vất vả hơn đi làm.

Về kinh tế, cần cân đối chi tiêu trong thời gian vợ nghỉ và không được coi vợ là người "ăn bám". Khi đã dự tính trước những khó khăn này thì không bị bất ngờ, người chồng không kêu ca phàn nàn làm vợ khó chịu.

Trái lại khi vợ không có thu nhập thì chồng càng phải quan tâm đến những khoản tiêu pha cần thiết của phụ nữ để hỗ trợ một cách vui vẻ.

 Chuyên gia Tư vấn Tâm lý
Trịnh Trung Hòa

 

Thực hiện: depweb

11/09/2007, 10:14