Những đồ gia dụng trong gia đình như: bếp gas, tủ lạnh, máy giặt… khi gặp sự cố hay cần bảo dưỡng đều nhờ đến tay của các đấng mày râu. Nhưng có những sự cố đơn giản trong lúc cần kíp chị em cũng có thể… tự xử.
Tủ lạnh
– Đáy tủ có nước: Do thực phẩm tiết ra nhiều nước, ống dẫn nước thải xả tuyết bị tắc. Bạn có thể tháo ống này ra và rửa sạch.
– Tủ không lạnh: Do bạn để quá nhiều thực phẩm hoặc vị trí núm công tắc rơle không thích hợp. Quay núm công tắc về phía độ lạnh cao hơn và chỉ để một lượng thực phẩm vừa đủ trong tủ lạnh.
– Cách xả tuyết: Trước khi xả, bạn cần cúp điện của tủ lạnh cho đến khi lớp tuyết tan thành nước, không nên dùng đồ cứng cạo lớp tuyết.
– Tủ lạnh có mùi hôi: Khi cho thức ăn vào tủ lạnh hãy đậy nắp kín, nên cắm tủ chạy thường xuyên. Nhớ vệ sinh máng nước.
– Tủ lạnh lâu đông: Kiểm tra âu đựng đá có làm bít lỗ thổi gió không. Cần xả tuyết và chọn khay đá nhỏ, bằng nhôm thay vì khay to bằng nhựa.
Bếp gas
– Bếp gas không bắt lửa: Bạn chỉ cần lặp lại động tác bật lửa liên tục cho đến khi không khí trong ống dẫn gas bị tống hết ra ngoài. Nếu dây dẫn gas bị gãy dập, bạn nên thay mới để đảm bảo an toàn. Kiểm tra bộ đánh lửa nếu bị bẩn, bạn cần tháo kiềng bếp dùng vải khô để lau sạch bộ đánh lửa.
– Lửa cháy không đều: Do khe thoát lửa bị hẹp, bạn cần tháo hoa sen ra và vệ sinh sạch khe thoát lửa, sau đó dùng vải khô lau sạch. Nếu ngọn lửa liếm cả phía dưới bếp gas và ngửi thấy mùi gas, tức là phần bông sen đã bị hỏng, bạn nên thay mới.
– Lửa bị đỏ: Xử lý bằng cách thường xuyên vệ sinh bếp gas. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngọn lửa bị đỏ là do nhà bạn mới sơn hoặc quét vôi mới. Hiện tượng này không cần xử lý, khoảng vài ngày tự nhiên sẽ hết.
– Lửa cháy có mùi gas: Cần tắt bếp, khóa van bình gas và kiểm tra lại dây dẫn để bảo đảm an toàn. Nếu ngửi thấy mùi gas đậm đặc, bình rò rỉ tạo thành tuyết bám xung quanh, phải nhanh chóng mở cửa, dùng quạt tay quạt bớt khí gas. Không bật lửa lên xem, không bật quạt điện, tránh tia đánh lửa của quạt gây cháy. Lấy xà phòng bít vào chỗ khí gas thoát ra, phun nước vào bình, nếu thấy bình phồng lên ngay lập tức chạy thoát ra ngoài, đề phòng bình gas nổ.
Bàn là hơi
– Bàn là bị rỉ: Cho một chút kem đánh răng vào khăn ướt để lau. Khi lau xong, chà lên chỗ rỉ một ít sáp đèn cầy, sau đó cắm điện cho sáp chảy ra, rút điện rồi lau tiếp. Hãy là vài lượt lên một miếng vải cũ đã bỏ đi là được.
– Ổ cắm của bàn là bị ô-xy hóa: Làm sạch bằng cách dùng giấy nhám để chà.
– Lưu ý khi sử dụng: Không cho bất cứ hóa chất tạo mùi thơm nào vào bình chứa nước. Hóa chất khi gặp nhiệt độ cao sẽ ăn mòn các chi tiết bên trong bàn là. Khi cho nước vào ngăn chứa, không để quá vạch chỉ định MAX. Lau sạch nước bị tràn ra mặt ngoài bàn là.
– Để khi là không bị rỉ nước cần chú ý: Lúc mới cắm điện, không nên vặn núm hơi ngay. Hãy để mức 0 và đợi khoảng 3 đến 5 phút. Khi mặt bàn là nóng lên, đủ để nước bốc hơi mới tăng dần lượng thoát hơi.
– Khi sử dụng xong, nên đổ hết nước còn thừa để tránh bị đóng cặn, lấy vải mềm lau sạch, từ tay cầm cho đến đáy bàn là.
Cách vệ sinh bàn là:
– Đổ đầy nước vào bình chứa. Sau đó để nút hơi nước ở số 0.
– Cắm điện vào bàn là và vặn nút nhiệt ở mức nóng nhất đến khi rơ-le tự ngưng hoạt động.
– Vặn dần nút hơi lên vị trí cao nhất.
– Xả hơi cho đến khi bình nước trong bàn là cạn hết nước, cặn bám sẽ nhanh chóng biến mất.
Lò vi sóng
– Lò vi sóng có tiếng ồn trong lúc vận hành: Bật chế độ mâm xoay nhưng bánh xe dưới giá đỡ mâm xoay không chuyển động. Hãy vệ sinh giá đỡ mâm xoay và những khu vực nước bị trào hoặc bắn ra ở dưới mâm xoay.
– Có hiện tượng đánh tia lửa điện giữa thiết bị và dụng cụ chứa thực phẩm trong khoang lò vi sóng: Kiểm tra dụng cụ đựng thức ăn vì chỉ nên sử dụng những loại dành riêng cho lò vi sóng.
– Bị khói trên vỉ nướng khi bắt đầu đốt nóng thanh nhiệt: Vệ sinh những phần thức ăn dư thừa bám trên bề mặt vỉ nướng.
Tivi
– Hình ảnh bị nhiễu: Tránh đặt tivi gần các đồ điện có từ trường như máy ghi âm, tủ lạnh, máy giặt…
– Tránh đặt tivi ở những vị trí có ánh nắng chiếu trực tiếp để phòng lão hoá cho màn huỳnh quang, cũng không đặt ở nơi quá ẩm, quá nóng hoặc bụi bẩn. Không đặt tivi sát tường và không dùng các miếng xốp nhựa để lót.
– Hạn chế số lần bật tắt tivi. Mỗi lần bật mở là một lần dây tóc bóng đèn hình bị nung nóng bởi nhiệt độ tăng cao bất ngờ. Việc tắt, mở máy phải theo một trình tự bắt buộc: cắm điện nguồn, bật máy, khi tắt thì phải tắt công tắc mới rút điện nguồn.
– Vệ sinh: Tuyệt đối tránh sử dụng các chất tẩy rửa để lau chùi màn hình vì sẽ tạo nên vết ố. Không dùng tấm vải che bụi, các loại tivi yêu cầu phải luôn được thoát nhiệt tốt.
Điều hòa
Tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa: Hãy để nhiệt độ mức trên 25oC. Cứ cao hơn 10oC là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng, thường xuyên lau chùi bộ phận lọc sẽ tiết kiệm được từ 5 – 7% điện năng. Không nên đặt máy ở gần tường, như vậy sẽ tiêu phí từ 20 – 25% điện năng.
Máy giặt
– Máy giặt chạy chậm: Kiểm tra xem đồ nhỏ hoặc các dải dây có bị cuốn chặt vào trục làm tăng độ ma sát, giảm tốc độ quay của đĩa… Những đồ này nên giặt tay hoặc nếu cho vào máy, thì nên cho vào túi giặt.
– Đồ giặt bị rách: Có thể do kẹp tóc, đồng tiền, kim kẹp giấy, lẫn với đồ giặt làm rách quần áo. Khi giặt các loại đồ giặt có đính kim tuyến, đồ lót nylon và sợi tổng hợp mỏng nên sử dụng lưới giặt nylon để bảo vệ. Hãy cột chặt các sợi dây dài và kéo các móc khóa trên quần áo lại vì chúng khi mở tung ra có thể gây hư hại cho đồ giặt hoặc thùng giặt.
– Bột giặt còn dính trên áo quần sau khi giặt: Kiểm tra xem bạn có dùng quá nhiều bột giặt? Nếu bột giặt khó hòa tan, hãy hòa chúng với nước ấm rồi mới cho vào thùng giặt. Nhiệt độ để hòa tan phải thấp hơn 40oC.
Vệ sinh máy:
– Lau chùi máy sạch sẽ và khô ráo bằng vải mềm, không dùng vật liệu dễ bay hơi để lau chùi máy vì có thể gây hư hại các linh kiện nhựa và lớp sơn phủ ngoài.
– Thường xuyên vệ sinh lưới lọc xơ vải.
– Vệ sinh ngăn đựng nước xả và xà phòng bằng bàn chải.