Khi dây đàn đã đứt - Tạp chí Đẹp

Khi dây đàn đã đứt

Sống

Trong cuộc đời, mấy ai có hạnh phúc chỉ trải qua một mối tình duy nhất, với một lần gặp gỡ mà đã may mắn tìm chính xác được nửa thứ hai của mình ? Xác suất ấy theo toán học quả là hiếm. Và có sao đâu nếu như một vài lần trong đời phải đành lòng nói lời chia tay. Điều chủ yếu là mỗi lần gặp cảnh ngộ như vậy, làm cách nào để “đối phó” có hiệu quả và lưu giữ được những kỷ niệm đẹp.

Dứt khoát
Một khi bạn đã thực sự yêu thương một người và mối chân tình của bạn được đáp lại xứng đáng thì hãy trân trọng gìn giữ nó đừng để cơ hội quý báu ấy tuột khỏi tay mình. Song khi đã hết sức giữ gìn và cảm thấy, dù chủ động hay bị động, không thể duy trì được nữa, mọi sự níu kéo đều vô ích thì lúc này, đòi hỏi ở bạn một sự dứt khoát. Việc chia tay có thể đau đớn ban đầu, nhưng chính sau đó sẽ làm cho bạn thanh thản. Đã là một khối u thì phải cắt bỏ càng sớm càng tốt để cơ thể khoẻ mạnh hơn. Không gì bực bội và vô ích bằng những sự giằng xé không cần thiết và nếu tỉnh táo, không cần chờ đợi giọt nước cuối cùng làm tràn ly như một hành động thô bạo, một câu nói xúc phạm suốt đời không thể nào quên. Tôi chợt nhớ trong một bài thơ, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến có viết một câu rất thấm thía: “Đánh đòn đã thỏa lòng chưa? No đòn mà lại thấy vừa lòng đây”. Tôi hình dung ra câu chuyện: Một phụ nữ bị chồng đánh thật đau. Chị bị “no đòn” nhưng bỗng thấy lòng mình thanh thản đến mức… sung sướng. Một sự giằng xé giữa “bỏ” hay “không” đã được giải quyết chóng vánh. Trận đòn là giọt nước cuối cùng đã giúp chị đi đến quyết định một tình huống cứ làm chị phải dằn vặt suy nghĩ bấy nay. Trước một tình huống không thể cứu vãn, thái độ là chấp nhận. Đã xác định được như vậy rồi, thì dứt khoát chính là sự “dũng cảm” bạn cần phải có…

Xả stress
Việc chia tay, dù bạn là người chủ động đi chăng nữa ũng không tránh khỏi nỗi buồn của trái tim bị tổn thương. Suy nghĩ đầu tiên phải là làm sao không để tình trạng bị ức chế ấy kéo dài mà tìm mọi cách để nhanh chóng vượt qua nó. Nếu nỗi đau quá lớn, dù là con trai đi nữa, bạn hãy nhớ một câu trong bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng: “Có những lúc ta (nguyên  văn: em) buồn thật nhiều, sao ta (em) không khóc cho lòng được nhẹ nhàng hơn”. Những giọt nước mắt bị kìm nén để chảy ngược vào trong lòng – theo khoa học – làm bạn bị stress, rất có hại cho sức khoẻ, mà những lúc này bạn cần giữ gìn hơn bao giờ hết.

Bạn cũng có thể tìm đến một người bạn thân, chân




Nhiều người cho rằng “Kết thúc một tình yêu là bắt đầu một sự hận thù” hoặc “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Bạn nên đuổi những câu đó ra khỏi đầu óc. Tâm trạng hận thù là một thứ ký sinh trùng gặm nhấm trái tim bạn, luôn luôn khiến bạn cảm thấy nặng nề và chẳng để cho tâm hồn bạn thư thái.
thành, đáng tin cậy để tâm sự và tìm lời an ủi, vì người ngoài cuộc luôn sáng suốt hơn mình. Chuyện riêng tư được thổ lộ, những vướng mắc, ẩn ức khi nói ra để được sẻ chia, thông cảm sẽ làm vợi hẳn những nỗi buồn trĩu nặng. Sự cô đơn, tự kiềm chế đôi khi làm bạn càng chìm sâu vào nỗi sầu muộn. Bạn cũng nên đi đến những chỗ đông vui, biết đâu cái không khí náo nhiệt có thể cuốn hút bạn, xua đi những suy nghĩ tiêu cực, ám ảnh trong đầu.

Đừng bao giờ trốn tránh nỗi buồn bằng những thói quen có hại như tìm sự lãng quên trong khói thuốc, men rượu, và biết đâu khi đau khổ qua đi thì sự nghiện ngập đã ở lại như một thói quen khó bỏ. Làm như vậy chính là thể hiện sự vô trách nhiệm đối với chính bản thân mình.

Suy ngẫm
Khi nỗi buồn đã tạm lắng xuống, sự bình tĩnh, thanh thản đã trở lại, bạn nên dành chút ít thời gian suy ngẫm rồi sau đó để… quên hẳn. Biết bao việc khác đang chờ đón mình. Tình yêu không phải là tất cả. Cuộc đời còn dài, còn biết bao nhiêu điều đáng để quan tâm, để dành thời gian cho chúng, bao cơ hội mới đang ở phía trước. Hãy làm cuộc sống của mình phong phú hơn, thú vị hơn bằng cách sống chân thành với bạn bè, đồng nghiệp, bằng những cố gắng trong công việc. Những thành công nho nhỏ do chính mình tạo ra sẽ mang lại cho bạn sự tự tin đã mất do thất bại trong việc duy trì cuộc tình vừa tan vỡ. Cũng chẳng việc gì phải vội đi tìm một tình yêu mới để khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng hoặc để chứng tỏ với đối phương rằng mình chẳng kém cạnh gì. Những hành động như vậy sẽ là nông nổi, thiếu chín chắn để rồi biết đâu một lúc nào đó, bạn lại rơi vào một sai lầm tương tự. Hãy để thời gian làm lành hẳn các vết thương trước khi bước vào một “sự êm dịu” mới. Vượt qua được những thử thách, bạn sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn, trải nghiệm hơn trong cuộc sống.

Bao dung
Nhiều người cho rằng “Kết thúc một tình yêu là bắt đầu một sự hận thù” hoặc “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Bạn nên đuổi những câu đó ra khỏi đầu óc. Tâm trạng hận thù là một thứ ký sinh trùng gặm nhấm trái tim bạn, luôn luôn khiến bạn cảm thấy nặng nề và chẳng để cho tâm hồn bạn thư thái. Đã dứt khoát chia tay thì chấm dứt tại đây; đừng bao giờ cố gắng tìm kiếm lỗi lầm của “người ấy”, ngược lại, bạn còn nên nghĩ rằng đó là người mình đã từng yêu thương, giữa hai người đã từng có những tình cảm đẹp. Mối tình ấy dù không thành, nhưng dù sao cũng đã có thời gian mang lại cho mình hạnh phúc, đã là một phần trong cuộc sống của mình. Bạn hãy chứng tỏ mình là người vị tha, bao dung. Bạn hãy tin rằng nếu bạn xử sự “đẹp” như vậy, thì hình ảnh của bạn, những kỷ niệm êm đềm xưa kia vẫn ngự trị trong trái tim “người ấy” và đó chẳng phải là điều bạn đáng tự hào hay sao?

Xin đừng gặp lại
“Khi ta thôi nhau” hãy cố gắng duy trì một quan hệ bình thường, nếu do điều kiện phải thường xuyên gặp nhau (như cùng cơ quan, hoặc là hàng xóm của nhau chẳng hạn…) thì đành chịu. Còn nếu phải tìm mới gặp thì, một lần nữa, xin bạn cũng “dứt khoát” luôn. Chẳng có lợi gì từ những lần gặp gỡ như vậy (trừ khi có ý định “nối lại sợi dây đàn đã đứt” nếu không, bạn rất dễ bị rơi vào tình huống khó thanh minh, mang lại những nghi ngờ không đáng có cho người yêu hiện tại của bạn. Hơn nữa, khi bạn đã có một gia đình yên ấm, sự gặp gỡ với người yêu cũ là điều tuyệt đối nên tránh. “Tình cũ không rủ cũng đến”, những lần gặp gỡ, hẹn hò, kỷ niệm “tình xưa nghĩa cũ” tràn về dẫn đến mất cảnh giác và nếu thiếu bản lĩnh, dễ dàng xảy ra chuyện “cơm – phở – phở – cơm” không mấy hay ho. Xin trích mấy câu thơ của Phan Thị Thanh Nhàn như một lời nhắc nhở:
Xin đừng bước lại gần hơn
Xin đừng gửi kẹo cho con ở nhà
Xin đừng hỏi chuyện gần xa
Xin đừng điện thoại, đừng qua trước thềm
Vâng, tóm lại là “xin đừng” nối lại một mối quan hệ đã trôi vào dĩ vãng. Những cảnh báo ấy của tác giả “Hương thầm” cần thiết biết bao./.

Thực hiện: depweb

07/04/2005, 11:25