Khi đàn ông khóc - Tạp chí Đẹp

Khi đàn ông khóc

Review

Trong hàng vạn thứ chất lỏng hiện hữu trên trái đất, có thể cho rằng dã man nhất là dầu lửa, vì nó loài người sẵn sàng đổ máu chiến tranh nhau quy mô cực lớn bằng bom đạn siêu hiện đại.

Lại có nhiều nhà “đạo đức” thì cho rằng cái chất lỏng đùng đục trắng trong cơ thể đàn ông cũng dã man không kém, không ít anh giở đủ trò lường gạt phụ nữ, dối trên lừa dưới chỉ để tìm chỗ “đổ” nó đi. “Mưu cao kế sâu” cuối cùng cũng chỉ đánh đổi bằng việc rùng mình vài giây, co giật tích tắc là xong. Tan vỡ một mối tình với một Sở Khanh, đàn bà thường tổn thương trái tim, còn hắn tổn thương hai cái đầu gối.

Tôi xin phép mở đầu bài viết như vậy để dễ thu hút, bởi nhiều anh chị chuyên nghề viết lách cho rằng, chữ nghĩa đương đại nếu có chút máu me, giới tính thì có thể thu hút người đọc. Sau đây, tôi xin phép chuyển sang nói chuyện về nước mắt đàn ông, cũng là một loại chất lỏng đáng lưu ý.

Theo một trì trệ ảnh hưởng quan niệm hai chữ “quân tử”, những tay mê truyện chưởng hay đã từng nghiền ngẫm nát bét “Thủy hử”“Tam quốc chí” đều rất coi thường nước mắt đàn ông. Dạo còn nhỏ, tôi không ưa cái anh Lưu Bị, đàn ông gì mà khóc lắm ơi là lắm, sống thì rõ thọ.

Lại nhớ thời niên thiếu, tôi tương đối hiếu động, có lần bị cô chủ nhiệm nói mời phụ huynh đến trường. Sợ thì ít, lo lắng kiểu trẻ con thương bố mẹ đi làm công nhân thời bao cấp tối ngày vất vả, không kìm được cảm xúc mà ướt nhòe mắt. Đứng nghe cô chủ nhiệm “đấu tố” trước lớp, nước mắt ngắn nước mắt dài. Cô nhìn bỉ bai, giọng chì chiết vài câu dễ tổn thương sĩ diện tâm hồn non nớt trước các bạn, nôm na: “Hơi tý là són ra”.

Các bạn bé bỏng ngồi dưới mắt tròn vo, tôi sợ xanh mặt, ngượng không dám chơi với chúng bạn gần tuần. Và đó là một ký ức về nước mắt đầu đời nhớ mãi, sợ đến mức sau này lớn hơn, khi muốn khóc, thường lặng lẽ lẩn vào nhà vệ sinh.

Cách đây độ hơn chục năm, trên thời sự chiếu cảnh phiên tòa xét xử ông quan tham nhũng nọ. Ông khóc và nói như nấc vào micro: “Bị cáo khóc vì bị cáo đã làm ô uế thanh danh gia đình”. Đơn giản thế cơ chứ hay ông không sợ mất tự do thật sự?

Cũng may thời ông quan nọ vào khám thì khi ấy báo chí còn tương đối lương thiện và tuyệt nhiên chưa có cái gọi là cộng đồng mạng. Không có nhà đạo đức nào lao vào mổ xẻ giọt nước mắt của ông cả. Sao ông ta may mắn thế?

Không giống như ông quan tham nọ, anh Thoại – vị du khách nổi tiếng khi ghé chơi Singapore và bị lừa phỉnh mua chiếc điện thoại tân thời iPhone 6 lại không may mắn như vậy. Anh “được” cả một nền “đạo đức” đông đảo trên mạng xã hội và vài trang báo lá cải bêu riếu những giọt nước mắt chỉ bởi mong muốn lấy lại tiền bị lừa như một “tội đồ” làm ô uế quốc thể, để cẩn thận phân tích thì nó “vĩ mô” vô cùng. Phải chăng để chiều lòng dư luận thời nay chỉ còn vỏn vẹn hai thứ, một là dây thừng, hai là thuốc chuột. Với người tằn tiện từng xu, huân chương hay thịt trâu thì dễ chia? Câu hỏi thật khó trả lời. Chỉ biết, có lẽ nước mắt đàn ông đôi khi không liên quan mấy đến đạo đức, bởi nó là một bản năng cần thiết để tồn tại, để cân bằng của con người.

Đời sẽ dịu dàng biết mấy khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau. Tôi xin phép dừng bút để lau nước mắt.

Bài: Cu Trí

logo 

Thực hiện: depweb

16/12/2014, 11:45