Khi đàn ông "có cánh" - Tạp chí Đẹp

Khi đàn ông “có cánh”

Sự Kiện
Đó là ước mơ ngàn đời. Là sự tự do. Là hòa tan vào bầu trời.
Là tất cả đối với chúng tôi”, anh Việt Hà, một kiến trúc sư ở Hà Nội, thành viên
nhiều kinh nghiệm của Vietwings tâm sự với tôi trước khi căng dù và lướt khỏi
đỉnh Linh Trường, Thanh Hóa, cao 300m hướng thẳng ra biển.


Cánh dù ngập gió chao
liệng trên những vạt rừng thông xanh xẫm, vút qua từng đồng muối rồi bỗng nhỏ bé
trên nền trời đầy những đụn mây trắng… 4 năm trong nghề bay, hàng chục giờ trao
đổi cả lý thuyết lẫn thực hành với HLV ngoại dầy dạn kinh nghiệm Shinji Kake,
bài học lớn nhất anh rút ra được là không được chủ quan trong bất cứ lần bay nào.

Tình huống khẩn cấp mà anh từng gặp phải càng khẳng định điều này. Đó là tình
huống xảy ra từ năm 2010, khi gặp phải tình huống gió đẩy lùi và không kiểm soát
được dù lượn. Mặc dù đã quan sát và dự tính các nguy cơ nhưng anh vẫn không thể
kiểm soát dù chính và dần rơi vào tình trạng mất độ cao khi gió không thuận lợi,
nguy cơ dù rơi vào điểm gió quẩn mạnh là rất lớn. Khi biết đã không còn thể làm
chủ được dù chính, ngay lập tức anh bung dù phụ.


Cảm giác rơi thẳng xuống đất
khi cách đất chỉ trên 50m (độ cao tối thiểu để mở dù dự bị là 50m) thực sự khiến
bất cứ ai dù có trái tim bằng thép cũng bị chấn động về tâm lý.


“Nguyên tắc của
hàng không là chuẩn xác, không được phép mắc sai sót. Vì vậy, mọi trang bị cần
thiết đều phải có. Không chỉ vậy, bạn còn phải giữ liên lạc cả trong khi bay lẫn
sau khi hạ cánh” anh Hà chia sẻ. Khi bay, cảm giác tự do, êm ái có thể đánh lừa
giác quan của con người. Nhưng thiên nhiên là không thể lường trước, bạn sẽ
nhanh chóng trở nên bất lực trước sự thay đổi hay giận dữ của nó. Đó là bài học
cơ bản mà ai cũng sẽ phải nhớ khi chính thức tham gia chơi bộ môn này. Tôi cố
gắng loại bỏ sự sợ hãi vì chân sẽ không còn chạm đất rồi giao phó tất cả cho anh
Đặng Thành Chung, giáo viên huấn luyện dù tìm kiếm cứu nạn đường không. Bộ đàm,
GPS, tốc độ gió và… cất cánh. Tất cả bỗng nhẹ bẫng và trong phút chốc, “Non sông
gấm vóc” trải ra trước tầm mắt. Tôi đã bay. “Cứ thoải mái như ngồi đu quay thôi.
Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát mà”, anh Chung động viên.

Tất nhiên khi bay cùng
với người có tới gần 10 năm kinh nghiệm dù lượn, tôi hoàn toàn cảm thấy mọi thứ
đều rất ổn. Là một người “trong ngành”, anh Chung hiểu cảm giác khi lần đầu tiên
lơ lửng giữa không trung. “Vài người nín lặng vì sợ, người khác thì quá kích
động. Còn chuyện nôn ngay trên trời không thiếu, tôi hứng suốt”.


Một số người
cho rằng, ai sức khoẻ yếu không thể tham gia môn này. Cũng không hẳn. Thực tế
không cứ phải rèn luyện thể lực thường xuyên mới bay được dù lượn. “Hầu hết các
thành viên trong đội đều làm công việc bàn giấy và ít có điều kiện tập thể thao
thường xuyên. Họ vẫn bay và bay rất tốt”. Anh nói vậy thì tôi cứ nghe vậy chứ
trong đầu vẫn cứ cho rằng, nếu có được thân hình to như lực sĩ của anh, mọi thứ
sẽ tốt hơn. Nhưng có một điều tôi tin, đó là người sợ độ cao có thể chơi bộ môn
này và hoàn toàn có thể hết “bệnh” sau khi thử bay một lần.

Điều cần nhất chính
là làm thế nào để họ vượt qua nỗi sợ hãi để leo lên và bay, mọi vấn đề sẽ được
giải quyết ngay sau đó khi đã lơ lửng trên không. “Có thể bạn không tin nhưng đó
là sự thực. Nhiều người, trong đó đặc biệt là các cô gái đã vượt qua được bài
kiểm tra đầu tiên và sau đó… nghiện”, anh Chung nói chắc như đinh đóng cột.

Ra
đời năm 2002, Vietwings là CLB tiên phong trong việc đưa dù lượn trở thành bộ
môn thể thao mạo hiểm tại Việt Nam. Khó khăn không phải ở điều kiện kinh tế mà ở
cách làm thế nào cho thật sự chuyên nghiệp và xã hội chấp nhận một môn mới nhưng
thực ra đã rất cũ trên thế giới. Vietwings đã quyết định không phát triển nóng
số lượng mà đầu tư chất lượng, đặc biệt chú ý đến xây dựng hành lang pháp lý đối
với bộ môn này. Ngay sau khi tập hợp những “cao thủ” trong nghề dù của ngành
Hàng không – Không quân, giấy phép là ưu tiên số 1.


Cho đến nay, 3 điểm bay
chính thức đã được Bộ Quốc phòng cấp phép bao gồm núi Viên Nam (xã Yên Bình,
Thạch Thất); núi Đồi Bu (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ), Hà Nội và núi Linh
Trường (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Không chỉ vậy, tất cả các thành
viên còn đóng góp kinh phí để thuê bãi hạ cánh. Thông thường, bãi đáp là đồng
ruộng và số tiền này sẽ được trả cho những người sở hữu những thửa đẹp, phù hợp
cho việc hạ cánh của dù lượn.

Đối với môn thể thao này, kinh phí không thực sự
là một vấn đề lớn. Một chiếc dù đã qua sử dụng thường được bán trên mạng với giá
chưa đến 1.000USD. Các thiết bị khác như đo gió, đo độ cao, GPS, mũ bảo hiểm,
kính… cũng chỉ vài trăm USD nữa. Nếu đầu tư trọn bộ chỉ tốn khoảng trên dưới 40
triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với việc đầu tư các môn thể thao mạo hiểm khác như
mô tô, ôtô địa hình, câu cá…

Ngay cả nếu đầu tư thêm máy (paramotor) giá của cả
bộ cũng chỉ khoảng trên 3.000USD. Với một khoản tiền không quá lớn như vậy, cộng
thêm chi phí cho mỗi chuyến đi trung bình ở mức 300.000 đồng/chuyến, rõ ràng đây
là một môn thể thao không quá đắt đỏ. Trong thời điểm hiện tại, Vietwings đang
hoàn tất những công tác chuẩn bị cuối cùng để chính thức đào tạo các học viên
mới.

Việc đào tạo cho một học viên từ lúc làm quen cho đến lúc có thể chao liệng
trên bầu trời thường chỉ mất 2 đến 3 tháng. Tất nhiên, để trở thành một vận động
viên chuyên nghiệp thì cần phải có nhiều yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất
là thời gian luyện tập và kinh nghiệm bay trong nhiều địa hình.


Bài và ảnh: Cao Mạnh Tuấn

 

Thực hiện: depweb

31/08/2011, 14:31