Đàn bà khi hận thù, vô cùng nguy hiểm.Tiếp nối thành công từ phần một, phần hai của bộ phim “300: Đế chế trỗi dậy” đưa người xem vào thế giới Hy Lạp cổ xưa với những màn chiến đấu hoành tráng, đẫm máu, đặc biệt với nhân vật trung tâm mới, nữ thần chiến tranh Artemisia.
Trước khi hiểu về phần hai, chúng ta có lẽ nên nhớ một chút về thành công của phần một. Ra đời năm 2007, “300: Đế chế trỗi dậy” được giới phê bình gọi là “một kỳ quan của điện ảnh”. Nội dung phim kể về cuộc chiến không cân sức của 300 chiến binh Sparta dũng cảm, dẫn đầu bởi vua Leonidas, chống lại đội quân hùng hậu hơn triệu người của đại đế Xerxes của đế chế Ba Tư. Bộ phim trong thời gian đó đã gây ra một cơn bão lớn trong làng điện ảnh, nhận được sự ủng hộ của đông đảo người xem trên toàn thế giới.
Bảy năm sau, phần hai của bộ phim ra mắt với những kỷ xảo điện ảnh mới mẻ, mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người xem. Lần này, câu chuyện chú trọng vào hai trận chiến có thật trong lịch sử nhân loại là Artemisium và Salamis. Nhân vật chính trong phần này được chuyển giao lại cho vị mãnh tướng Themistokles, chống lại đoàn quân hung tàn Ba Tư do Xerxes cai quản, và được chỉ huy bởi nữ thần chiến tranh Artemisia.
Diễn viên Sullivan Stapelon vào vai người hùng Themistokles rất ra chất của một chiến binh kiêu hãnh, đầy lòng yêu nước. Nhưng hơn cả thế, Themistokles thể hiện được bản thân là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà chiến lược đầy khôn ngoan. Người xem sẽ được chứng kiến cách Themistokles từng bước gắn kết các thành bang của Hy Lạp thành một khối để chống trả ngoại xâm, hay cách áp dụng cách lấy ít đánh nhiều, công thủ tùy lúc, sẵn sàng rút lui để chờ đợi thời cơ thích hợp phản công, khiến đội quân Hy Lạp không chỉ đơn giản là một kẻ thù của Ba Tư, mà còn là một mối đe dọa không nhỏ.
Đối nghịch với Themistokles là Artemisia, vị nữ thần chiến tranh được miêu tả trong phim là “bán linh hồn cho tử thần và mang theo mình cả địa ngục”. Nhân vật Artemisia là một nhân vật đầy phức tạp.
Sinh ra là người Hy Lạp, nhưng tận mắt chứng kiến cảnh gia đình bị người Hy Lạp giết hại, cô mang mối hận thù và quyết tâm quay trở về, làm mọi cách để nơi mình đã ra đi phải nhuộm trong máu. Tâm lý của Artemisia cũng vô cùng phức tạp. Trong cô có cả sự mưu mô, khát máu, tham vọng luôn muốn giành chiến thắng, vinh quang, nhưng cũng có sự yếu đuối của một người phụ nữ từ nhỏ đã phải bơ vơ, chống chọi với số phận khắc nghiệt. Eva Green, ngôi sao trẻ chuyên đảm nhận những vai diễn nữ chiến binh, là một lựa chọn sáng suốt và hoàn hảo.
Ở Eva, người xem nhìn được sự dữ dội, mạnh mẽ cần có, nhưng đồng thời, trong những phân cảnh thể hiện sự ngưỡng mộ hay “một chút gì đó như tình yêu” với Themistokles, Eva vẫn cho người xem thấy được sự yếu mềm đàn bà cố hữu. Và cuối cùng, khi thất bại trong việc chiếm lấy Themistokles, trái tim Artemisia càng lạnh lùng, băng giá, ngập trong biển hận thù và lôi tất cả mọi thứ, từ mối thù gia đình cho đến tình cảm cá nhân lên giải quyết tại chiến trường. Coi đến đây, chắc chắn nhiều gã đàn ông phải nhấp nhỏm, cố nhớ coi trong quá khứ mình đã từng để người đàn bà nào thù hận mình không. Đàn bà khi hận thù, vô cùng nguy hiểm.
Phần hai mang đến cho người xem những trải nghiệm hoàn toàn mới về kỹ xảo điện ảnh. Các màn thủy chiến hoành tráng được dựng lên chân thật đến không ngờ, cũng như tất cả các màn chiến đấu đều được dùng công nghệ “slow motion” khiến khán giả có cảm giác hồi hộp, căng thẳng hơn, như thể chính mình cũng đang đứng trong trận chiến đó. Tuy nhiên, việc lặp lại các màn chiếu chậm này hơi nhiều cũng không hay cho lắm.
Hiện tại ngoài rạp có hai bộ phim cùng chọn đề tài sử thi là “Pompeii” và “300: Đế chế trỗi dậy”. Xét về tổng thể, có lẽ khán giả nên dành phần ưu tiên cho “300: Đế chế trỗi dậy” nhiều hơn. Còn nếu đơn giản bạn có nhiều thời gian và thưởng thức hết các bộ phim hay, hãy đi coi hết cả hai bộ phim này.
Bài: Chú Hề
Ảnh: IMDB
>>> Có thể bạn quan tâm: Khó có thể nói “Pompeii” là một bộ phim hay. Tuy nhiên cũng khó có thể chê nó là một thảm họa điện ảnh vì độ hoành tráng về hình ảnh mà nó mang đến xứng tầm bom tấn. Nếu muốn được đắm mình trong không khí cổ đại, khán giả hãy đến rạp và thưởng thức bộ phim này.