Dưới đây là những chia sẻ của chị Hà Phương (Kachiusa), Phó giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Hệ thống Giáo dục Việt Nam (VNESD), Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Huấn luyện Montessori Việt Nam (VMAT) về việc đối mặt với những vấn đề của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi:
Tôi thường nhận được đề nghị tư vấn của nhiều mẹ về một số biểu hiện chung của con như:
– Con phản ứng tiêu cực với các vấn đề: trong lúc chơi với bạn có xảy ra tranh giành thì con la hét, giằng đồ mạnh và thậm chí đánh bạn (thuật ngữ tương tự là “ứng xử vô hiệu” hay “ứng xử không có hiệu quả”).
– Con có xu hướng phản kháng, chống đối với tất cả các đề nghị của cô giáo và cha mẹ. Cha mẹ bảo A thì con sẽ làm B.
– Con thường trút giận vào đồ đạc. Như khi mẹ cáu/trách/phạt thì khóc to và đang cầm cái gì con sẽ ném cái đó, hoặc gạt đồ xuống đất…
– Cảm xúc của con thường đẩy lên rất nhanh. Nhanh chóng hét, nhanh chóng khóc, nhanh chóng đập phá đồ.
Bất cứ bé nào cũng đều sẽ có lúc trải qua những cảm xúc tiêu cực
Tôi có hỏi các mẹ rằng, khi con như thế các mẹ đã làm gì? Đã phản ứng thế nào? Phần lớn câu trả lời tôi nhận được, là:
– Mẹ đã áp dụng tư tưởng quốc tế trong việc dạy con chứ không theo phương pháp truyền thống.
– Mẹ đã nói “Con bình tĩnh lại” và cho thời gian để con bình tĩnh.
– Mẹ đã phân tích sự việc cho con nghe.
Tuy nhiên, sự việc vẫn không tiến triển.
Tôi không có lời khuyên chung được cho tất cả những trường hợp này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ các bố các mẹ để ý thêm một khía cạnh nữa khi xử lý vấn đề với con.
Một số em bé muốn chống đối lại cả thế giới vì em bé đang cảm thấy CÔ ĐƠN. Càng cảm thấy CÔ ĐƠN thì em bé càng đấu tranh mạnh mẽ, càng phản ứng dữ dội để tự bảo vệ mình và lấy được phần chú ý của cha mẹ – theo cách mà em bé muốn.
Về phe của bé là cách để bạn có thể giúp con chia sẻ vấn đề của bản thân
Thay vì nói chuyện, phân tích, đề nghị em bé bình tĩnh, cho em bé ngồi lên ghế suy nghĩ, cho em bé vào góc bình yên thì hãy về cùng PHE em bé, hãy ÔM em bé, vuốt ve nhẹ vào lưng, hoặc không cần nói gì cả, hoặc khẳng định cho em bé thấy “Bố, mẹ/cô ở đây mà, sẵn sàng giúp đỡ con mà, không sao không sao, bình tĩnh lại nào”.
Khi về phe của em bé rồi, bé mới cảm thấy mình là đồng đội, mới sẵn sàng cho mình vào cuộc để lắng nghe câu chuyện và giúp đỡ em bé. Làm như vậy là để em bé thấy mình không cô đơn tí nào, không cần phải tiếp tục chống chọi mạnh mẽ hay phản ứng tiêu cực làm gì.
Muốn về phe của em bé một cách công tâm và thành công thì đừng bao giờ quên CÔNG NHẬN CẢM XÚC của trẻ. Khi con quá tức giận với bạn, muốn đánh bạn nhưng không được, hoặc tệ hơn là chưa kịp đánh bạn thì đã bị bạn ra tay trước, uất ức chồng chất uất ức, em bé đập phá đồ.
Mẹ/cô sau khi giúp em bé bình tĩnh rồi, về phe của em bé được rồi có thể nói “Ừ đúng rồi, nếu mà như vậy thì đúng là tức thật, cô/mẹ mà là con chắc cô/bố, mẹ cũng sẽ bực tức lắm, nhưng mà bực tức thì được, còn đập phá đồ chơi thì không được rồi, hỏng đồ chơi rồi lấy gì mà chơi, hay là lần sau tức quá con chạy ra kia hét thật to được không, hoặc tìm cái gối đánh nó một cái thật mạnh được không?”
Cảm xúc tức giận của con người là cảm xúc tự nhiên, không thể vì mục tiêu làm “con ngoan” mà không thấy tức giận được, cũng không nghe phân tích mà hết tức giận được, cảm xúc tức giận cần được giải tỏa.
Ngoài ra, nếu có thể chúng ta hãy tìm hiểu bé nhiều hơn bằng cách:
– Quan sát trẻ thật kĩ và cẩn thận để nhận ra trẻ đã phản ứng tiêu cực như vậy bởi những nguyên nhân nào, trong thời gian dài hay ngắn?
– Ghi nhớ những mốc khó ở sinh lý của bé
– Tìm hiểu thêm những thời kỳ nhạy cảm cơ bản của bé
– Để ý độ tuổi của con khi xử lý vấn đề.
Có như vậy bạn mới hiểu bé hơn và tìm cách “gỡ” những vấn đề mà các con đang gặp.
Bài: Hà Phương (Kachiusa)