Ở mọi lứa tuổi, từ đang học mẫu giáo đến thanh thiếu niên, trẻ đều có thể bị cám dỗ và sinh ra ăn cắp bởi những lý do khác nhau như:
– Các bé ở tuổi đến trường thường nhận thức được rằng, chúng không được phép lấy thứ gì đó mà không trả tiền, nhưng lại có thể làm như thế vì trẻ không thể tự chủ.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân phức tạp khác nữa như trẻ giận giữ hoặc muốn gây sự chú ý. Hành vi của trẻ có thể phản ánh được những áp lực ở nhà, ở trường hoặc với bạn bè. Một số bé xem thói trộm cắp như là một “tiếng kêu cứu” bởi phải chịu đựng việc lạm dụng tinh thần hoặc thể chất. Có không ít trường hợp, trẻ đến tuổi vị thành niên ăn cắp bởi vì chúng không đủ khả năng sở hữu cái mà chúng cần và muốn (ví dụ những đồ dùng phổ biến bạn bè đều có nhưng chúng không có như một đôi giày, một chiếc túi, một chiếc xe…), lại có những trường hợp, trẻ có thể ăn cắp đồ để phục vụ cho thói quen “nghiện ngập” của mình.
Cha mẹ nên làm gì?
Khi trẻ đã mắc phải thói quen xấu này, cha mẹ cần căn cứ vào việc đó là lần đầu tiên hay đã thành thói quen và có hệ thống. Dù là lý do gì, bạn cũng cần tìm ra nguyên nhân của hành vi cũng như tìm ra được các vấn đề sâu xa khác.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên giúp con hiểu rằng, khi lấy thứ gì đó mà không xin phép hoặc không trả tiền sẽ bị cho là ăn cắp. Đây là hành vi sai trái và làm tổn thương người khác. Bé chưa đến tuổi đi học, hãy dùng chiếc kẹo để “minh họa”. Nếu bé lấy cái kẹo của bé khác, bạn hãy giúp con trả lại chiếc kẹo đã lấy. Nếu lỡ ăn kẹo rồi, bạn có thể bảo bé xin lỗi và đưa cho con một cái kẹo khác để trả lại cho bạn.
Ở độ tuổi đi học, điều quan trọng là việc trả lại đồ mà trẻ đã lấy cắp. Khi học lớp 1 – lớp 2, trẻ đã biết ăn cắp là sai, nhưng chúng cần hiểu rõ hơn về những hậu quả. Ví dụ, nếu con bạn về nhà với chiếc vòng tay của một người bạn và rõ ràng không có sự cho phép của bạn, cha mẹ nên nói chuyện với trẻ và việc đưa ra tình huống ngược lại: bạn của bé lấy cắp đồ của bé mà không xin thì bé sẽ cảm thấy thế nào? Sau đó, hãy khuyến khích và thuyết phục con gọi ngay cho bạn để giải thích, xin lỗi và hứa sẽ trả lại.
Với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên theo dõi thông qua hậu quả với các mức độ nghiêm trọng tăng dần. Ví dụ, nếu bị bắt quả tang ăn cắp, bạn có thể đưa trẻ trở lại cửa hàng để giải thích và xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Sự bối rối khi phải đối mặt sẽ là một bài học nhớ đời vì những hành vi sai trái. Lúc này, sự trừng phạt hay liên tục dùng đòn roi là không cần thiết, bởi có thể làm cho trẻ tức giận và dẫn đến những điều tồi tệ hơn.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục ăn cắp
Nếu con bạn đã ăn cắp nhiều hơn 1 lần, hãy cân nhắc đến việc nhận sự giúp đỡ từ chuyên gia. Hành vi ăn cắp lặp lại nhiều lần chính là dấu hiệu của “một vấn đề” lớn hơn. Một phần ba số thanh thiếu niêm bị bắt vì tội ăn trộm đều thừa nhận rằng, việc từ bỏ thói quen trộm cắp là vô cùng khó. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu được rằng, ăn cắp là sai trái và luôn phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục. Những người có thể nói chuyện với bạn hoặc con bạn về vấn đề này và giúp đỡ hiệu quả bao gồm: chuyên gia hoặc cố vấn gia đình, bác sĩ gia đình, linh mục hoặc giáo sĩ, cố vấn học đường (nhất là khi bé ăn cắp ở trường), các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ (như NASP – phòng chống trộm cắp)…
Nếu ăn cắp trở thành thói quen của trẻ, cho dù với bất kỳ lý do nào thì cha mẹ cũng cần nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân hành vi trộm cắp của con cái. Việc theo dõi thường xuyên hành vi rất quan trọng, bởi nó không chỉ để bé tránh rơi vào các tình huống dễ phát sinh trộm cắp mà còn chỉ ra những hậu quả cho trẻ thấy. Qua đó, sẽ có tác dụng giáo dục sâu sắc và nghiêm khắc, giúp con trẻ không bị các tác động xấu cùng những hậu quả khôn lường khi lớn lên.
Theo Bầu