Khi con là nhân chứng

Khi ta lớn, ngoảnh lại nhìn về tuổi thơ của mình, hơn một lần sẽ bị ám ảnh về một trận cãi nhau nào đó của cha mẹ. Không phải một tuổi thơ bất hạnh mà một gia đình hạnh phúc nhất cũng có những cuộc cãi vã mà vô tình, ta – thời ấy ở vị trí là con cái – trở thành nhân chứng tội nghiệp.

Chẳng ai để ý rằng điều đó có ảnh hưởng đến con hay không bởi có thể ngay ngày hôm sau, bố mẹ đã làm lành. Rồi, vì là người lớn nên sẽ nghĩ, trẻ con chóng quên. Nếu bạn tự hỏi mình, điều gì khiến bạn lo sợ nhất trong thời thơ ấu? Chắc chắn không ít người sẽ nhận ra, đó là những lúc cha mẹ to tiếng. Vì trẻ sợ gì? Trẻ sợ bị bỏ rơi.

Hồi nhỏ, khi chứng kiến ba mẹ cãi nhau, tôi đã từng nghĩ, ba mẹ sắp bỏ nhau đến nơi. Ba đi lấy vợ khác, mẹ đi lấy chồng khác, sẽ không ai nuôi mình. Rồi ba mẹ làm lành, lại vui vẻ cười nói, nhưng tôi không còn cảm giác yên ổn như trước đây nữa. Chính vì thế, tôi luôn lấm lét khi ba hoặc mẹ có bất cứ một điều gì không vừa lòng, chỉ cần họ nói to là tôi đã sợ.

Đôi khi ba mẹ tranh luận về vấn đề liên quan đến mình, tôi lại thấy mình có lỗi, mình là nguồn cơn của mọi sự mâu thuẫn. Cha mẹ tôi vẫn hạnh phúc cho đến ngày hôm nay. Và đến khi lớn, tôi mới biết những tranh luận hay cãi vã trong nhà là điều bình thường. Nhưng, tuổi thơ tôi đã có những ngày tháng lo lắng không cần thiết, những tự ti xuất hiện cho đến lúc tôi đủ hiểu biết để nhận ra những điều người lớn cho là bình thường trong cuộc sống ấy.

Tôi tự hứa với mình, sẽ không bao giờ để xảy ra to tiếng với chồng trước mặt con. Nhưng trong một lần mất bình tĩnh, trước mặt hai đứa con 5 tuổi và 1 tuổi, chồng tôi đã đóng sầm cửa. Anh nói to. Hai đứa trẻ khóc thét. Nhớ đến lời hứa của mình, tôi im lặng dỗ con.

Tối đó, chồng tôi đã ăn năn xin lỗi ba mẹ con. Tất nhiên, tôi dễ dàng bỏ qua nhưng thằng cu con 5 tuổi thì không, nó bảo: Ba lại nói to rồi. Ba xin lỗi quá nhiều rồi, con không tha lỗi cho ba nữa!

Tất nhiên, sau đó cha nó nằn nì nhiều lần nên thằng bé gật đầu tha lỗi cho ba. Nhưng cảm giác trong đầu nó thế nào thì thực sự tôi không biết. Cũng như tôi hồi nhỏ, ba mẹ tôi cũng không bao giờ biết được cảm giác của tôi khi ấy.

Những biểu hiện khi trẻ chứng kiến cha mẹ bất hòa

– Lo lắng, sợ sệt, khóc lóc.
– Không chịu giao tiếp với bạn bè, thiếu tự tin.
– Ở mức độ nặng có thể trầm cảm, mắc chứng tự kỷ.

Làm gì để tránh cãi nhau trước mặt trẻ

– Giữa vợ chồng nên có thỏa thuận, khi tức bực hoặc cần tranh cãi, nên ra khỏi nhà, chọn một địa điểm phù hợp không có mặt trẻ.
– Các cuộc tranh luận nên lựa lời, không nói quá to khiến trẻ hiểu nhầm, có thể đợi lúc trẻ ngủ. Tuy nhiên, nên để ý vì đôi khi trẻ cũng thức dậy giữa đêm.
– Nếu một trong hai người đã mất bình tĩnh, người kia nên nhượng bộ với suy nghĩ, “Hãy làm điều này vì con”.

Trót cãi nhau trước mặt con, cha mẹ nên

– Xin lỗi và phân tích cho trẻ hiểu rằng điều đó không ảnh hưởng đến tình cảm của cha mẹ với nhau và cha mẹ với con. Rằng bố mẹ vẫn yêu trẻ.

Đó chỉ là vấn đề không thống nhất trong cuộc sống, như kiểu mẹ không đồng ý khi trẻ ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ vậy. Và việc cha mẹ tranh cãi để tìm ra cách giải quyết hợp lý cho cả nhà mà thôi.

– Hãy làm lành và thể hiện tình cảm của cha mẹ với nhau và với trẻ.

– Hãy hỏi suy nghĩ của trẻ khi chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau. Trẻ sẽ nói cho bạn biết trẻ nghĩ gì và từ đó, bạn có cách giải thích phù hợp. Điều này cũng giúp trẻ giải tỏa thắc mắc, bức xúc trong đầu. Trẻ sẽ thoải mái hơn nếu lần sau bạn “lỡ” cãi vã.

Chung Nhi


From the same category