Khi con bị đánh, mẹ ở đâu?

Chiều nay đi với con trai, con bảo: “Xem clip con bé nớ (bé học sinh ở Trà Vinh) bị đánh y chang con hồi trước. May mà con chả thèm nhớ gì về hồi đó nữa…”. Nghe con nói, mẹ bỗng giật mình: “Sao con không bao giờ nói với ba mẹ?” – “Con nói ba mẹ có tin đâu. Con bị tụi nó bắt nạt, đánh suốt từ hồi cấp 2 lên cấp 3. Tan học phải trốn vào thư viện hoặc trèo tường về suốt. Con nói ba mẹ chở con đi học mấy bữa cho chúng nó thấy có người lớn đưa đón để nó sợ mà ba mẹ có chở con đi học đâu tưởng con lười.”

Bỗng dưng, mẹ thấy đắng lòng, mẹ tự hỏi: “Lúc đó mình ở đâu? Sao mình lại bỏ mặc con thế?”. Mẹ cứ nghĩ lo cho con ăn, mặc học hành, đến trường có thầy cô, bạn bè nào ngờ thả con vào một “đấu trường” đẫm máu.

Con vẫn kể đều đều: “Có bữa tụi nó đánh con sưng mặt mày. Chỉ mong có ba mẹ đến đón về. Chờ mãi chẳng thấy đành lủi thủi về…”

“Lúc đó mình ở đâu? Mình ở đâu?”. Mẹ lo đón đứa bé, tất tả về nấu cơm, tắm giặt… Cứ nghĩ rằng nó lớn rồi nó phải biết tự thu xếp… thấy mặt con có vết bầm còn la mắng nó ham chơi, đánh lộn… Có ngờ đâu.

bạo lực học đường, trẻ vị thành niên, giáo dục, học sinh đánh bạn 

Thằng em hồi đi học cấp 2 cũng bị bạn bắt nạt, chúng nó đánh và bắt thằng bé nộp tiền. Con móc sạch tiền trong con heo đất cho bọn nó. Khi hết tiền trong heo, mẹ mới biết. Tra hỏi mãi con mới dám nói thật. Mẹ thì mách cô giáo chủ nhiệm, còn thằng anh tìm đến tận nhà mấy đứa kia dằn mặt. Lúc đó,mọi chuyện mới yên. Thằng em may hơn thằng anh. Thằng anh bảo: “Vì đã trải qua rồi nên con phải xử đến nơi đến chốn cho thằng em khỏi khổ như con”. Nó thấy mẹ quá kinh ngạc và đau khổ nên nói tiếp: “Có gì lạ đâu mẹ trường con chúng nó đánh nhau suốt, máu me be bét…”

Nghe con kể mới thấy mình quá vô tình với con. Tội cho con quá !

Con nói: “Đi học mà cứ hiền lành bị chúng nó đánh suốt thôi. Đánh như con bé nớ đó mẹ. Đi học để không bị bắt nạt, bị đánh phải ngầu, phải tỏ ra chịu chơi, bụi bặm, anh chị cho tụi nó tránh ra!”

Trời ơi ! Con tôi đi học thành người hay thành Chí Phèo hả trời ?

Một năm họp phụ huynh 2 – 3 lần, những cuộc họp theo một công thức na ná nhau. Gọi điện cho cô nghe những nhận xét chung chung… Nào còn sinh hoạt đoàn, họp lớp, đi trại… búa xua…  Mà vậy đó… Cả chục năm sau nghe con nói mới biết.

Nghe con nói chuyện, mẹ vừa trách mình vừa ơn trời vì các con đã vượt qua những năm tháng hãi hùng ở học đường để trưởng thành và không hư hỏng. Thật sự chả hay ho gì để giật mình khi biết mình đã như một người mẹ vô trách nhiệm với con một thời gian dài.

Bây giờ ước có thể quay ngược thời gian trở lại, mẹ sẽ không để con bị bắt nạt như thế nữa.

bạo lực học đường, trẻ vị thành niên, giáo dục, học sinh đánh bạn

Ừ, nếu mà thời gian quay lại, trước tiên mẹ sẽ động viên con tiếp tục học võ, không phải để con đánh bạn, mà con có thể tự vệ khi cần, và nhất là, giúp con mạnh mẽ, tự tin hơn. Mẹ cũng đã có thời gian cho con học võ, sau đó con tập bị chảy máu mũi, mẹ sợ quá bèn cho nghỉ luôn. Mẹ đã quá lo lắng và bao bọc cho con, khiến con không tự tin và quá hiền lành khi đến lớp và tiếp xúc bạn bè. Giá mà ngày đó, mẹ có thể dạy con tự tin và sống độc lập hơn, chắc hẳn, con đã không bị bắt nạt như thế. 

Câu chuyện của con, cũng cho mẹ một bài học, đó là phải lắng nghe con nhiều hơn, phải tin con. Thật khó khăn cho một đứa trẻ khi nó tâm sự rằng nó bị bắt nạt nhưng rồi lại bị mẹ gạt đi và “lên lớp” với đủ các bài giảng giáo điều. Con muốn được lắng nghe và hiểu, vậy mà mẹ lại không làm được thế. Mẹ đã sai khi mình cứ đòi hỏi con phải thế này thế nọ mà không hướng dẫn con xử lý những rắc rối một cách cụ thể nhất. Vì vậy mà con đã không còn tâm sự nữa. 

Từ chuyện của hai cậu con, tôi mong rằng, các bà mẹ hãy chịu khó lắng nghe con, hiểu con và giúp con xử lý mọi việc đúng nhất, kể cả việc can thiệp thẳng với những đứa trẻ bắt nạt con mình, gặp gỡ gia đình chúng, gặp giáo viên chủ nhiệm. Nếu cần. phải lên tiếng với nhà trường.

bạo lực học đường, trẻ vị thành niên, giáo dục, học sinh đánh bạn 

Chúng ta cũng cần quan tâm đến các bạn của con, khuyến khích con kết bạn với những người bạn tốt, vun đắp cho tình bạn của các con. Có bạn có bè thì con cũng vững tin hơn. Mình có thể hiểu con qua các bạn và có việc gì xảy ra mình có thể biết ngay và có hướng xử lý đúng.

Chúng ta không ở cùng con mỗi giờ, bởi vậy, ngoài việc chọn cho con một môi trường an toàn, các bà mẹ cũng nên là người bạn của con khi cần. Hãy lắng nghe con, để hiểu con hơn và không trở thành “bà mẹ vô tâm” như tôi đã từng nhé.

Minh Tâm

logo

Khi vòng tay ba mẹ không đủ lớn…

Gần đây, câu chuyện cậu bé 5 tuổi bị diều cuốn gây tử vong đã khiến dư luận bàng hoàng. Hầu như tháng nào cũng có những trường hợp tai nạn đau lòng liên quan đến trẻ nhỏ xảy ra. Đó là những bài học cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc giữ an toàn của con trẻ. Những tai nạn nào dễ xảy ra cho các bé trong khi vui chơi, vận động? Làm thế nào giữ cho con được an toàn? Làm sao để giúp các con xử lý các tình huống nguy hiểm?

Ai cũng mong muốn có vòng tay đủ lớn để chở che con, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể ở cạnh con… Đẹp Online muốn chia sẻ với các ông bố bà mẹ những kinh nghiệm, cũng như những nguyên tắc giúp con trẻ có một cuộc sống an toàn hơn.

Xem thêm:
– An toàn cho con bắt đầu từ bố mẹ

– Những tai nạn bé thường gặp và cách đối phó, phòng tránh

– 5 nguyên tắc an toàn cho trẻ nhỏ phụ huynh cần nhớ


From the same category