Khi cơ miệng hoạt động

Ai hay ăn vặt nhất? Học sinh, sinh viên, bà bầu, con nít… sai tuốt. Giờ đây, nhân viên công sở với những lần đi quán, những túi bỏng ngô, hạt dưa, sấu dầm… đã trở thành những người có cơ miệng phải hoạt động nhiều nhất trong ngày!
 
“Bảo sếp tớ có hẹn khách hàng”, “Này, sếp hỏi bảo tớ đi đưa tài liệu cho khách nhé”, “Sếp không hỏi thì thôi, nhỡ ra thì bảo chị đi họp nhé”… Thôi thì đủ trăm nghìn lý do hợp lý để rồi 15 phút sau, 5-6 nhân viên ưu tú “đi gặp khách hàng” đã xuýt xoa bên đĩa ốc nghi ngút khói trong một ngõ nhỏ hay quây quần bên hàng nem nướng, chè Huế, hoa quả dầm… Những sếp dễ tính, không thiết quân luật giờ giấc với nhân viên, hoặc phòng sếp được đặt ở vị trí không “soi” được thì nhân viên thoải mái “vượt rào”.

9h30 lò dò đến công ty, khởi động máy, đặt chềnh ềnh chiếc túi lên bàn để khẳng định “tớ đã có mặt”, thế là yên tâm lượn qua phòng khác rủ rê đồng nghiệp đi ăn sáng. Xong lại phải nhâm nhi tách cà phê, tìm… “ai-dia”, bàn tán mốt giày nọ, kiểu áo kia. 3 – 4 giờ chiều, vào Yahoo Messenger, mặt vàng khè, “đi nhé…”, thế là lại túm năm túm ba đi… ăn chiều. Có lẽ vẫn hay tị nạnh vì “đặc thù nghề nghiệp”, không thể “bay” cùng đồng nghiệp, nhanh miệng dặn dò “nhớ mua về cho tớ mấy xiên thịt nướng nhé”. Nên chẳng có gì bất ngờ khi trong giờ làm việc vẫn thấy thần dân văn phòng quây quần ở các quán xá. Họ ăn, cười, nói vô tư, cho dù hàng trăm con số đang nằm trên bàn đợi giải quyết.
 
Ăn vặt tại công sở cũng là một cái thú. Vừa tránh phải đội cái nắng gay gắt của mùa hè, vừa không mang tiếng ăn bớt giờ giấc của công ty, lại biểu dương được phong trào “quần chúng”. Thế nên một công ty quảng cáo tiếng là văn minh, mà phòng nào cũng có đầy đủ đồ ăn – từ đồ khô, hoa quả, bánh trái đến… đồ nhậu bày la liệt trên bàn, bên cạnh những hồ sơ, sổ sách, giấy tờ quan trọng.

Không thiếu văn phòng được thiết kế chuyên nghiệp, vách ngăn hiện đại, rất độc lập, công việc cũng không ai giống ai, không tiếng rì rầm trò chuyện, cười đùa, nhưng lại rả rích tiếng cắn hạt dưa, tiếng tóp tép, chóp chép, nghe mà ứa nước miếng. Rồi những văn phòng đúng tiêu chuẩn châu Âu, an tọa trong building hẳn hoi, những bộ vest sang trọng, những chiếc váy công sở năng động, thể hiện chân thực chân dung những người trẻ hiện đại, ấy vậy mà chỉ cần khúc ngẫu hứng của một quý cô “mọt ăn” nào đó, đảm bảo 5-10 phút sau cả văn phòng thơm phức mùi mực nướng. Khách có đến, nhân viên cũng cười trừ mời luôn cho… ấm bụng, lại được tiếng vui tính, hiếu khách. 
 
Với cánh ăn vặt, sếp đi công tác là dịp may hiếm có! Trước ngày sếp “bay”, cô cậu nào cũng làm việc khẩn trương, đầy tinh thần trách nhiệm. Nhưng 1 phút sau khi sếp bước lên taxi ra sân bay, mọi công việc chững lại, kỹ sư, thư ký trở thành… đầu bếp, bàn máy tính trở thành… bàn ăn, nồi niêu được mượn về, cua ghẹ bày la liệt. 30 phút sau cả văn phòng nồng nặc mùi rượu đế, bia hơi, hải sản, cùng với những tiếng “dzô” đầy “lửa”. Khi ngày làm việc kết thúc, nhân viên lại uể oải vác bụng ra về. Sáng hôm sau, chỉ có chị lao công mới biết chính xác họ ăn vặt cỡ nào.
 
Thật ra, thói ăn vặt vốn không phải “phạm trù” của nam giới, nhưng ngồi gần các chị “bép xép” suốt ngày, dù khả năng “miễn dịch” tốt đến mấy, các chàng cũng bị “nhiễm”, thậm chí là “nhiễm” nặng. Nên nhiều quý ông quần áo “đóng thùng” chỉnh tề, cà-vạt tông-suệch-tông lại thích ăn khế, ổi, ngăn cuối cùng trong ca táp lúc nào cũng thơm phức mùi hạt dưa, ô mai. Từ cô nhân viên lễ tân đến anh bảo vệ, từ chị kế toán đến anh trưởng phòng… đều có mẫu số chung là thích ăn vặt. Có khi sếp dễ dãi cũng “đá qua” vài miếng. Ăn vặt lâu ngày thành quen, không có là “buồn mồm”, buồn mồm thì lại “ca sĩ lệ quyên hát bài dưa góp”. Hoặc ai đó đứng ra ứng tiền đi mua đồ ăn rồi cả phòng cùng share, rất sòng phẳng.
 
Nói cho cùng, không thể trách nhân viên văn phòng, cũng không thể trách các chủ hàng quà vặt. Bởi nhà mới, xe mới, quần áo mới, thậm chí bồ mới… chẳng nhẽ không khao? Rồi đi công tác xa, đi du lịch cũng phải hào phóng mời anh em “làm một bữa”, đó là chưa kể đến lý do chính đáng như mỗi tháng có đôi chú sinh nhật, dăm ba chị tăng lương…

Khổ nỗi, bẵng đi vài ba tháng không gặp, các nàng, các chàng lại than thở, làm công sở ít vận động, ngồi nhiều nên ai cũng phì nhiêu và “tốt bụng”. Trong khi họ quên bẵng mất trong một ngày mình đã nạp bao nhiêu năng lượng, rồi chiều nào cũng uể oải cơm nhà, đêm đến lại thấy “xót bụng”, tiện thể mở tủ lạnh kiếm cái gì đó lót dạ để ngủ cho ngon! 
 
Chỉ thương cho cái dạ dày, phải làm việc phản khoa học, cứ chực chờ đến ngày đổ bệnh!/.


From the same category