Khi chồng là “cậu ấm”

Bản tính khó dời

Lấy nhau 8 năm và có 1 bé gái xinh xắn, chị Nhung (quận Thủ Đức, TP.HCM) thấm thía cái cảnh phải cáng đáng hết tất cả công việc nhà khi chồng chị cứ như một “cậu bé to xác”. Chị Nhung kể: “Chồng tôi là con một trong gia đình. Trước khi cưới nhau, gia đình và bạn bè cũng tỏ ý khuyên can nhưng vì quá yêu nên tôi bỏ qua tất cả. Đến khi lấy nhau rồi, tôi mới biết anh ấy chẳng hề động tay vào bất cứ việc gì. Vừa đi làm, tôi vừa phải lo chu tất việc cơm nước, con cái. Còn anh ấy, hết giờ làm, về nhà chỉ biết nằm chơi, xem phim, đợi vợ nấu cơm bưng lên mời ăn… Ngay cả những việc của đàn ông như sửa điện, ống nước… anh ấy cũng không biết làm”. Theo chị Nhung, do chúng sống với cha mẹ chồng nên nhiều lúc giận, muốn góp ý để ông xã sửa đổi cũng không dám nói vì sợ cha mẹ rầy…

Anh Đức (ở quận Bình Tân) cũng là con trai duy nhất trong gia đình nên từ nhỏ anh được gia đình hết mực cưng chiều. Bất kể việc gì anh cũng đều ỷ lại và nhất nhất nghe theo ý mẹ. Chị Út, vợ anh Đức chia sẻ: “ở chung nhà chồng mới thấy chồng mình đúng là “quý tử”. Anh ấy lớn thế này rồi nhưng nhiều  việc cứ trông cậy vào mẹ. Mẹ chồng tôi cũng vậy, cứ xem như ảnh còn rất nhỏ vậy. Nấu ăn phải nấu món chồng thích, chồng đi tắm thì phải nấu nước nóng…”

 

Cần kiên trì “cảm hóa”

Một số chị em có chồng là cậu ấm cho rằng do quen được người khác chăm sóc, cung phụng nên chồng họ ít có trách nhiệm với gia đình. Muốn làm cho người chồng thay đổi, tiến bộ là điều không dễ dàng. Nhiều chị đã có những “chiêu” rất hiệu quả tác động, từng bước giúp chồng thấy được trách nhiệm với gia đình.

Điển hình như trường hợp chị Nhung nói trên, qua thời gian chung sống với đại gia đình nhà chồng, chị nhận thấy phải “ra riêng” mới giúp chồng thay đổi. Khi có mái ấm riêng, không còn e ngại trước ánh mắt dò xét của má chồng, chị Nhung dần lôi kéo chồng tham gia việc nhà, dạy con. Nếu món gì ngon, chị Nhung cũng nhờ chồng phụ tiếp cũng để vợ chồng có dịp gần gũi và cũng để cho anh biết giúp đỡ vợ nhiều hơn. Bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, mềm mỏng, chị dần giúp chồng thấy được vai trò trụ cột của gia đình.

Chị chia sẻ: “Giờ thì khỏi phải lo nhiều như trước nữa. Lắm lúc tôi đi làm về trễ thì đã thấy hai cha con đã tự lo nấu nướng, ăn uống xong. Bây giờ anh ấy cũng quan tâm chăm sóc tôi nhiều hơn, biết tạo ra những giây phút lãng mạn trong đời sống vợ chồng, nhiều lúc ổng tự đi chợ nấu ăn rồi đợi vợ về cùng ăn…”

 

Thực tế cho thấy, muốn thay đổi suy nghĩ, thói quen của người chồng là “cậu ấm” thật không dễ, đòi hỏi người vợ phải khéo léo, kiên trì giúp đỡ, thuyết phục. Bằng tình yêu thương, sự chân thành, có không ít phụ nữ đã thành công trong việc giúp đỡ chồng nhận thấy được vai trò trụ cột của mình trong gia đình, tự nguyện kề vai gánh vác việc nhà với vợ.

Theo CNMS

From the same category