Khi cha mẹ trót nóng giận - Tạp chí Đẹp

Khi cha mẹ trót nóng giận

Sống

Bạn không bao giờ văng tục trước mặt con. Bạn cố gắng luôn giữ lời hứa với con. Vợ chồng bạn không bao giờ cãi vã to tiếng để các con phải chứng kiến khuôn mặt bừng bừng tức giận của bạn. Bạn phấn đấu để trở thành người cha, người mẹ mẫu mực, là tấm gương để con cái nhìn vào. Mọi thứ đều hoàn hảo cho đến hôm, bạn lỡ có hành vi thô bạo ngoài đường…

Trời nắng nóng. Giờ tan tầm với xe cộ nườm nượp. Khói và hơi xăng phành phạch xả vào mặt. Tắc đường một đoạn dài. Bố đèo Bi cố luồn lách trong đám đông. Rồi đến đoạn không thể chen được nữa. Bố phải dùng chân chống đẩy, thỉnh thoảng lại rê một đoạn dài. Rồi chiếc xe bên cạnh cứ cố mà luồn lên.

Bố Bi nghiêng xe tránh cho họ ngoi lên, trong bụng đã lầm bầm, bực cái thói bon chen. Rồi xe đằng sau sốt ruột, bấm còi bim bim, điếc hết cả tai. Cu Bi có khăn bịt mặt nhưng vẫn ho sặc sụa. Bố càng sốt ruột tợn, mà chẳng có đường nào lui. Rồi một xe sau nữa, cứ cố chen chen, chèn vào gót giày bố Bi.

Thế này thì không thể chịu nổi nữa. Bố Bi nổi cục giận, bao nhiêu bực tức từ nãy đến giờ tuôn ra hết, bao nhiêu lời lẽ mắng mỏ, cả nói bậy nữa, bố Bi không dừng nổi. Đối phương là một chú mặt đỏ phừng phừng, cũng nhất quyết không nhường nhịn, cũng ầm ầm cãi lại. Thế là ầm cả đường.

Chỉ tội cho cu Bi, hết nhìn bố lại nhìn chú đi đường, sợ lắm, vì chưa thấy bố văng bậy bao giờ, lại còn dọa đánh nhau nữa chứ! Giờ mà bố đánh nhau thì nguy to. Bi lo lắng nhìn quanh cầu cứu. May mà một lúc thì thông đường, bố phóng vù đi.

Vừa đi Bi vừa thắc mắc: “Sao vừa nãy bố lại nói bậy?” Bố ậm ừ: “Vì bố bực chú kia đè vào chân bố”. “Nhưng chú ý xin lỗi bố rồi?” Bố chẳng biết nói gì, đành bảo: “Ừ thì đôi khi bố nóng tính”.

Thằng bé kết luận: “Bố là đàn ông sao lại thô lỗ thế!” Bố giật mình, vì hàng ngày, Bi hay có tính làm gì không như ý là cáu gắt, bố thường dạy Bi, đàn ông là phải kiên nhẫn, nhẹ nhàng chứ không được động tí là ầm ĩ. Lần này thì bố sai. Bố lo lắng không biết mình có mất uy tín trong lòng Bi?

Bài học nhỏ:

Nhà tâm lý học Nguyễn Công Khanh (ĐH QGHN) cho rằng, trong những trường hợp cụ thể này, bố mẹ không nên quá lo lắng vì sự sụp đổ thần tượng về cha mẹ trong mắt con. Trẻ con luôn biết mọi chuyện xảy ra trong một bối cảnh nào đó, chúng biết quan sát thành một tập nhóm.

Và do đó, sự bắt chước cũng liên quan đến ngữ cảnh, xúc cảm của trẻ. Không phải cứ thấy bố có hành vi “lạ” một lần là trẻ đã bắt chước ngay. Trẻ chỉ phát sinh những hành vi không đúng đắn khi bố mẹ làm nhiều điều không đúng trong cả một quá trình, nhiều lần và có tính lặp đi lặp lại.

Có nghĩa, trẻ chỉ tập nhiễm trong cả một quá trình quan sát chứ không phải là sự bốc đồng hay bột phát nhất thời. Do đó, một lần người cha có va chạm hay bốc đồng trước mặt con cũng không nên quá lo lắng vì không đến mức gây nên hậu quả đến nỗi con phải thất vọng hay mất lòng tin vào những điều cha đã dạy.

Tuy nhiên, cha mẹ nên rút kinh nghiệm và luôn cố gắng kiềm chế trong mọi hoàn cảnh để làm tấm gương tốt nhất cho con.

Thực hiện: depweb

09/06/2009, 14:56