Khi các đạo diễn cũng “nghiện” mua sắm

Sự kết hợp này hình như đã và đang mặn nồng, hòa hợp. Bạn có tin không? Hãy cùng chúng tôi du lịch vòng quanh thế giới, xem các đạo diễn đã làm gì khi “nghiện shopping”?!

Yêu nữ thích hàng hiệu (The Devil Wears Prada)

Cảnh trong phim “The Devil Wears Prada”

Bộ phim của đạo diễn David Frankel ra mắt năm 2006 từng trở thành hiện tượng không chỉ khiến các tín đồ yêu điện ảnh trên khắp thế giới phải trầm trồ mà những ai đam mê thời trang cũng không thể bỏ qua.

Lấy bối cảnh tại một tạp chí thời trang danh tiếng cùng với “tính toán” có chủ ý của mình trong việc dàn dựng những tình tiết gay cấn, đạo diễn David Frankel đã tạo nên một câu chuyện thời trang đầy hấp dẫn tại một thành phố xa hoa bậc nhất thế giới như Mỹ. Những mâu thuẫn được đẩy lên tới tận cùng đan xen cùng những phút lãng mạn và ngọt ngào của tình yêu. “Yêu nữ thích hàng hiệu” không chỉ là những nét phác họa đầy sinh động về thế giới của những người kiến tạo nên trang phục, hình ảnh đầy màu sắc, hào nhoáng, những stylist cá tính, gai góc và thông minh mà còn tô vẽ thành công chân dung của những tín đồ thời trang sành điệu, hiện đại.

Với ngôn ngữ điện ảnh đa dạng, bộ phim cho người xem được khám phá và đi sâu vào thế giới thời trang với những thăng trầm cảm xúc đa dạng, phong phú. Thế giới ấy không chỉ được nhào nặn bằng sự chuẩn form của những ma-nơ-canh, những gam màu “tiên phong”, đột phá, có thể làm thay đổi cả thế giới hình thức mà nó còn chứa đầy mồ hôi, sự lo toan, nước mắt và tâm huyết của những người làm nghề. Tình yêu và danh vọng, thủ đoạn và âm mưu, thành công và thất bại, hạnh phúc và cay đắng… tất cả đều đã được “Yêu nữ thích hàng hiệu” chuyển hóa một cách sâu sắc nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh.

Suốt thời gian công chiếu, phim khiến cơn sốt shopping tăng chóng mặt, những trang phục được các diễn viên diện trong phim được săn lùng ráo riết…

Lời tự thú của một tín đồ shopping (Confessions of a Shopaholic)

Poster phim “Confessions of a Shopaholic”

Một ngôi nhà nằm trong khu sành điệu, đắt giá nhất London, một tủ quần áo đầy ắp những lệ bộ bắt buộc phải có theo mùa, những thương hiệu thời trang nức tiếng mà bất cứ cô gái nào cũng mơ ước… Sở hữu tất cả những thứ thời thượng đó là Rebecca, một cô gái không dư dả gì về tiền bạc, chỉ đơn giản cô mắc căn bệnh nghiện mua sắm – một thứ “độc dược” có thể khiến mọi người, đặc biệt là các cô gái “khuynh gia bại sản”.

“Lời tự thú của một tín đồ shopping” là câu chuyện rất thú vị, nơi mà mọi phụ nữ đều dễ dàng tìm được chìa khóa cho câu hỏi vì sao mình nghiện mua sắm và các quý ông có thể hiểu được phần nào mức độ của sự đam mê này.

Xoay quanh những chi tiết vui vẻ, thú vị về sự đam mê, “cám dỗ chết người” của tín đồ shopping Rebecca, đạo diễn P.J Hogan đã làm một phép thử đáng yêu để thách thức các Icon thời trang. Câu chuyện cô nàng Rebecca sẵn sàng vay nợ chỉ để thỏa mãn thói quen mua sắm xa xỉ của mình đã làm người xem có dịp được nín thở đầy hồi hộp. Bằng những pha hài và trí tưởng tượng phong phú, P.J Hogan đã chắp cánh cho những trang viết của Sophie Kinsella được tỏa sáng thực sự trên màn ảnh rộng. Người xem không chỉ bị lóa mắt bởi những mẫu trang phục mới nhất, tuyệt đẹp nhất của Rebecca mà còn tìm thấy được ý nghĩa đích thực trong cuộc sống là gì?

Đáng yêu với một nhân vật nữ đầy nổi loạn, cá tính nhưng sẵn sàng đánh đổi mọi thứ chỉ để thỏa mãn đam mê của mình, bộ phim là tiếng cười sảng khoái khiến tất cả phái nữ phải hài lòng khi trót mắc bệnh “nghiện mua sắm”.

Sex and the city

Cảnh trong phim “Sex and the city”

Series phim truyền hình ăn khách của Mỹ từng chiếm sóng từ năm 1998 đến năm 2004 đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh theo ước vọng của những fan đam mê thời trang.

Không chỉ miêu tả cuộc sống của 4 phụ nữ thành đạt với 4 tính cách, quan niệm sống khác nhau tại thành phố New York nhộn nhịp, “Sex and the city” được ví von như một cuốn cẩm nang thời trang dành cho phụ nữ ngoài 30. Mỗi người phụ nữ được phục dựng trong bộ phim là mỗi chương khác biệt của cuốn cẩm nang ấy. Một Carrie diêm dúa, lộng lẫy; một Samantha bùng nổ, độc lập; một Charlotte yếu đuối, dịu dàng và một Miranda mạnh mẽ, thẳng thắn. Mỗi người là một nét vẽ, một màu sắc đóng góp vào bức tranh chung của những người phụ nữ thành đạt nơi đô thị. Dù thế giới tinh thần, phong cách sống và quan niệm khác biệt hoàn toàn nhưng 4 cô gái lại được kết nối với nhau bằng một sở thích chung duy nhất, đó là: mua sắm. Họ cùng nhau dạo khắp các phố phường của New York diễm lệ, họ mua tất cả những váy áo, giày dép mới, đắt tiền và nổi tiếng nhất. Họ khiến một nửa thế giới giống mình phát cuồng và ghen tị vì được khoác trên người những sản phẩm giá trị và làm đàn ông phải trầm trồ vì sự kiểu cách, lộng lẫy của mình.

Thời trang – chính là điểm nhấn đặc biệt khiến phiên bản điện ảnh “Sex and the city” bùng nổ tại khắp các rạp chiếu phim. Nếu muốn được tư vấn phụ nữ phải mặc trang phục nào, kết hợp phụ kiện ra sao thì hãy xem “Sex and the city” để tìm câu trả lời cho những băn khoăn của chính mình.

Sophie báo thù (Sophie’s Revenge)

Cảnh trong phim “Sophie’s Revenge”

Tác phẩm do Chương Tử Di làm nhà sản xuất kiêm vai trò diễn viên chính đã khuấy đảo màn ảnh rộng Trung Quốc không chỉ bởi dàn ngôi sao sáng chói, nổi tiếng tham gia mà còn bởi mức độ “chịu chi” của nhà sản xuất cho các trang phục mà các minh tinh khoác lên người. Chỉ riêng 3 người đẹp nức tiếng sành điệu là Chương Tử Di, Lâm Tâm Như và Phạm Băng Băng cùng xuất hiện trong phim đã đủ khiến người ta thỏa thuê ngắm nhìn quần áo, phụ kiện chứ chưa cần phải nhắc đến “đệ nhất mỹ nam xứ Kim chi” So Ji Sub.

Câu chuyện tình yêu tay ba vòng vèo của “Sophie báo thù” sẽ trở nên vô cùng nhạt nhẽo nếu không có hiệu ứng của những yếu tố phụ trợ. Trong đó, đặc biệt là trang phục bắt mắt của các diễn viên diện trong phim đã làm người hâm mộ Trung Quốc được một phen choáng váng và tới tấp rủ nhau đi mua sắm cho giống với thần tượng. Thói quen mua đồ hiệu không tiếc tiền của các “nữ tú” bắt nguồn từ chính váy áo của 3 người đẹp trên màn ảnh. Mái tóc ngắn trẻ trung của Phạm Băng Băng, kiểu đầu thẳng mượt của Chương Tử Di đều đã trở thành điểm “hot” thu hút người hâm mộ. Thậm chí, báo giới Trung Quốc còn nhấn nhá một cách khéo léo, “Sophie báo thù” là một bộ phim thời trang quảng cáo cho các nhãn hiệu lớn…

Cuộc sống sẽ trở nên vô vị nếu thiếu đi những sở thích, những đam mê. Điện ảnh là sở thích của rất nhiều người và mua sắm thời trang cũng lại là một thứ đang dần trở nên “bị nghiện” trong điện ảnh. Với một loạt những bộ phim khai thác tối đa yếu tố thời trang thời thượng, các tín đồ mê shopping dường như hoàn toàn bị đánh gục khi khó lòng kiềm chế và từ chối sự lấp lánh từ chính các món đồ mà các ngôi sao thần tượng của mình đã mang khi hóa thân vào vai diễn. Dễ hiểu vì sao dù các thương hiệu như LV, Channel, Burberry, Prada… đắt đến vậy nhưng phụ nữ – những tín đồ nghiện mua sắm vẫn chẳng thể nào “bỏ rơi” hay chối từ sức hấp dẫn của nó.

Hương Giang (theo Thế giới Điện ảnh)


From the same category