Khi các bà mẹ phải lựa chọn giữa thức ăn và 3G - Tạp chí Đẹp

Khi các bà mẹ phải lựa chọn giữa thức ăn và 3G

Sống

Khoảng cách kỹ thuật số là một vấn đề lớn trên toàn cầu. Ngay cả ở các quốc gia giàu có, các gia đình cũng buộc phải thỏa hiệp, thậm chí là nhịn ăn để đảm bảo con cái của họ có được kết nối Internet cần thiết cho việc học tập từ xa.

Trong thời gian nước Anh tiến hành phong tỏa xã hội để phòng dịch COVID-19 chị Michelle (31 tuổi, ở North Lanarkshire, Scotland), đã phải đối mặt với sự lựa chọn mang nhiều day rứt liên quan đến băng thông internet để phục vụ cho việc học của con cái.

Michelle (tên nhân vật đã được thay đổi) cùng với người bạn đời và cô con gái 13 tuổi đã trở thành những người vô gia cư kể từ tháng 2 năm ngoái. Họ sống tại một nơi ở tạm thời, và Michelle chu cấp cho gia đình bằng công việc dọn dẹp.

“Chúng tôi phải vật lộn với các hóa đơn Internet – không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể chi trả cho chi phí kết nối dữ liệu trên điện thoại di động của con gái,” Michelle nói trong một cuộc phỏng vấn. “Hiện tại, con bé đang làm bài tập ở trường thông qua kết nối dữ liệu trên điện thoại di động.”

Đôi khi, bạn bè của cô bé chụp ảnh bài tập ở trường và gửi kèm theo để cô bé có thể chép lại.

Michelle đã khiếu nại với nhà cung cấp băng thông rộng của gia đình, Virgin Media, về việc phục hồi kết nối Internet, nhưng không nhận được phản hồi. Công ty cũng không chịu hủy hợp đồng để họ có thể chuyển sang sử dụng một nhà cung cấp khác có giá rẻ hơn, theo lời Michelle. (Một người phát ngôn của Virgin Media cho biết công ty đang kiểm chứng lại sự việc này).

Nguồn: EU4Digital

Và gia đình Michelle không phải là những người duy nhất. Theo Helen Milner, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện hòa nhập kỹ thuật số Good Things Foundation, một số gia đình ở Anh đã phải cắt giảm chi tiêu cho ăn uống mỗi tháng để trả tiền cho kết nối băng thông rộng.

“Sự bất bình đẳng như vậy không nên tồn tại ở một quốc gia phát triển và giàu có như đất nước chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta có thể làm được điều gì đó để giải quyết,” Milner nói.

Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những sự bất bình đẳng xã hội trước đây không được để ý tại Anh, bao gồm thực tế rằng khoảng cách kỹ thuật số là một vấn đề có thực đang tồn tại ở quốc gia này. Khi kết nối Internet trở thành một cứu cánh quan trọng cho công việc, giáo dục, đặt đồ ăn và nói chuyện với bác sỹ, rõ ràng là có một bộ phận dân số không nhỏ đang bị bỏ lại phía sau.

Và tác động của nó thật sự tàn khốc, đặc biệt là đối với trẻ em trên khắp đất nước vốn đã phải sống trong cảnh nghèo đói. Khi các trường học phải đóng cửa trên toàn quốc, như tình hình đã diễn ra trong hai tháng vừa qua ở Vương quốc Anh, những sự bất bình đẳng mà trẻ em thuộc nhóm này vốn đã phải trải qua hàng ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi các em không tiếp cận được với Internet và các thiết bị, dẫn đến việc bị loại khỏi các hoạt động giáo dục mà các em được hưởng.

Một báo cáo do Quỹ đổi mới Nesta của Vương quốc Anh công bố vào tháng 12 cho biết sự nghèo đói dữ liệu là một vấn đề phổ biến tại các nhóm yếu thế. Cơ quan quản lý viễn thông Ofcom cho biết 2% hộ gia đình có trẻ em ở Anh không tiếp cận được với Internet, 4% chỉ có kết nối dữ liệu di động và 9% không có máy tính xách tay, máy tính để bàn hoặc máy tính bảng ở nhà.

Nhiều gia đình trên khắp đất nước đã cảm thấy được sức ép về mặt tài chính của đại dịch từ năm ngoái, với gần 1/5 số hộ gia đình, tổng cộng là 4,7 triệu người, phải vật lộn để thanh toán hóa đơn dữ liệu di động hoặc kết nối băng thông rộng.

Khi bàn về kết nối băng thông rộng – cả tốc độ lẫn sự phổ biến của kết nối cáp quang, Vương quốc Anh đang bị tụt lại phía sau. Theo Ofcom, chưa tới 1/5 số hộ gia đình ở Anh được tiếp cận kết nối cáp quang đầy đủ, thể hiện bước trượt dài của quốc gia này xuống gần chót danh sách 37 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong lĩnh vực phủ sóng cáp quang.

Nhiều trẻ em đang buộc phải làm bài tập ở trường trên điện thoại di động. (Nguồn: Getty)

Quỹ World Wide Web của Tim Berners-Lee và công ty con của nó là Liên minh Internet giá cả phải chăng (A4AI) từ lâu đã vận động thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trên toàn cầu và biến khả năng tiếp cận Internet thành quyền con người phổ quát. Các cuộc thảo luận thường là về các giải pháp cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Nhưng điều đó đã thay đổi đáng kể trong năm qua, theo Eleanor Sarpong, Phó Giám đốc A4AI và Trưởng nhóm Chính sách.

“Đây là lĩnh vực mà tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều cần học hỏi từ các nước đang phát triển,” Sarpong chia sẻ. “Những gì đang xảy ra là rất nhiều quốc gia phương Tây đang gặp khó khăn vì trong quá khứ, họ chỉ giả định là họ ổn.”

Phơi bày vấn đề nghèo đói dữ liệu của Vương quốc Anh

Darren Jones là thành viên Quốc hội của Bristol North West, một khu vực bầu cử ở miền nam nước Anh. Trong một cuộc phỏng vấn, ông mô tả rằng khu vực bầu cử của mình bao gồm một số cộng đồng nghèo nhất với kết quả giáo dục thấp nhất nằm cạnh một trong những vùng ngoại ô giàu có và có trình độ học vấn cao nhất trong cả nước. Đối với những người sống ở các khu vực nghèo hơn, nghèo đói kỹ thuật số từ lâu đã là một vấn đề, nhưng trước COVID-19, nó “là một sự bất tiện hơn là một rào cản tuyệt đối để tiếp cận các dịch vụ,” Jones nói.

Jones đã thảo luận về cách các trường tư trong khu vực của mình hoạt động trên Google Classroom vào thời điểm bắt đầu phong tỏa và học sinh ngay lập tức có thể truy cập vào các nội dung cần thiết để tiếp tục học. “Họ có thể đã trang bị máy tính xách tay và iPad và băng thông rộng tốt cho mọi học sinh, và vì vậy họ có thể ứng phó”, ông nói.

Trong khi đó, một số trường công lập ở khu vực bầu cử của ông lại đang gặp khó khăn. Nhiều gia đình không có máy tính xách tay, Wi-Fi hoặc cả hai. Rõ ràng là trẻ em không được tương tác với giáo viên của chúng, và điều này khiến Jones, người trước đây từng là chủ tịch hội đồng quản trị của một trường học cảm thấy lo lắng vì ông biết rằng sự mất kết nối như vậy có thể gây hại như thế nào.

“Chỉ một ngày không bắt kịp chương trình học cũng có tác động quan trọng đáng kể đến khả năng tiến bộ và tiếp thu của trẻ,” ông nói. “Và do đó, rất đáng để suy nghĩ về việc các em đã bỏ lỡ bao nhiêu thời gian và những hậu quả lâu dài đối với sự nghiệp của các em cũng như đối với nền kinh tế của chúng ta.”

Nguồn: Twitter

Một số sáng kiến đã được Bộ Giáo dục, các mạng di động và các nhà cung cấp băng thông rộng đưa ra trong năm qua để đảm bảo trẻ em có thể truy cập Internet. Hầu như tất cả các mạng di động của Vương quốc Anh đều cho phép trẻ em yêu cầu tăng mức trợ cấp dữ liệu di động, miễn là các em đáp ứng các tiêu chí nhất định, bao gồm cả việc không có khả năng truy cập băng thông rộng cố định ở nhà. Các nhà cung cấp Internet cũng đã không thu phí một loạt các tài nguyên giáo dục để đảm bảo trẻ em, bất kể hoàn cảnh gia đình, được truy cập dữ liệu không giới hạn.

Một chương trình khác cho phép các cơ quan quản lý giáo dục địa phương đăng ký một bộ định tuyến 4G cho học sinh. Bộ Giáo dục cũng đã phân phát máy tính xách tay và máy tính bảng cho trẻ em không có thiết bị di động để học tập.

Nhưng đã có nhiều vấn đề nảy sinh với sáng kiến này. Các nhà giáo dục đã báo cáo sự chậm trễ trong việc phân bổ các thiết bị, khi các yêu cầu từ các trường học không được đáp ứng và việc phân bổ bị cắt giảm vào phút cuối. Vào tháng 1, BBC đưa tin rằng một trường học ở miền bắc nước Anh đã phát hiện ra phần mềm độc hại trên các thiết bị do chính phủ cấp cho học sinh.

Ngoài ra còn có bằng chứng ở phạm vi rộng hơn cho thấy rằng mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp, một số học sinh vẫn bị bỏ lại phía sau. Tháng trước, tổ chức từ thiện Social Mobility Foundation đã công bố một cuộc khảo sát với 863 thanh thiếu niên, hơn 40% trong số đó nói rằng họ không được tiếp cận kết nối băng thông rộng đáng tin cậy. Hơn một phần ba số người được hỏi cũng cho biết họ chưa được trường học liên hệ để tìm hiểu nhu cầu công nghệ của mình.

Ashley Brown, một giáo viên khoa học máy tính từ Midlands, nói rằng trường học nơi anh công tác, đặt tại một khu vực thu nhập thấp, đã cố gắng nhanh chóng sử dụng Microsoft Teams để giảng dạy, nhưng một cuộc tranh giành máy tính xách tay đã xảy ra vì có quá nhiều học sinh không sở hữu thiết bị này.

Nhà trường đã cấp phát một số máy tính xách tay, nhưng không có danh sách đầy đủ những học sinh cần chúng. “Sẽ có một số học sinh hoàn toàn chưa từng có máy tính xách tay,” Brown nói. Và chắc chắn các em sẽ bị bỏ lọt khỏi danh sách.”

Con gái Michelle rơi vào trường hợp này. Michelle cho biết bản thân cảm thấy quá “hổ thẹn và xấu hổ” khi nói chuyện với nhà trường về việc cấp thêm thiết bị, mặc dù gia đình cũng đang tự xoay sở để mua một chiếc máy tính bảng cho con gái.

Nguồn: Brooking.edu

Theo Brown, con gái của Michelle không phải là học sinh duy nhất học bài chủ yếu trên điện thoại. Tại một trong những lớp học của Brown, có hai học sinh dùng chung máy tính xách tay với cha mẹ của mình, những người sử dụng chúng cho công việc. Là một giáo viên, điều đó có nghĩa là phải “thực sự linh hoạt” cả về thời điểm và hình thức nộp bài. Anh cho biết, một số học sinh sẽ gửi ảnh chụp các bài làm viết tay của mình.

Tại trường của Brown và nhiều trường khác, những học sinh dễ bị tổn thương nhất – tức những em được xác định là hoàn toàn không có khả năng tiếp cận Internet hoặc các thiết bị công nghệ, cùng các vấn đề khác – được phép tiếp tục đến trường cùng với con cái của những người công tác trong các ngành dịch vụ thiết yếu.

Điều này không khả thi đối với con gái của Michelle, vì bạn đời của Michelle bị suy giảm miễn dịch và việc đi học có nghĩa là hàng ngày phải hòa mình với con cái của các nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID. Đó là một rủi ro mà họ không thể chấp nhận.

“Tôi không biết những người khác đang xoay sở như thế nào. Loại virus này chắc chắn đã làm gia tăng khoảng cách đói nghèo,” Michelle chia sẻ.

Biểu giá xã hội

Vấn đề nghèo đói dữ liệu ở trẻ em đã trở thành một chủ đề quan tâm chính của các chính trị gia khi các trường học đóng cửa vào tháng 3 năm ngoái. Sau kỳ nghỉ hè, trẻ em trở lại trường học toàn thời gian vào tháng 9, đẩy vấn đề này chìm xuống trong chương trình nghị sự chính trị. Nhưng cuộc tranh luận đã được khơi lại khi các trường học lại đóng cửa vào đầu năm 2021, sau sự bùng nổ của biến thể COVID từ Vương quốc Anh.

Vào cuối tháng Một, Jones, người từng là luật sư của BT, đã giới thiệu Dự luật Truy cập Internet của mình tại Quốc hội. Dự luật kêu gọi một nghĩa vụ dịch vụ chung, buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet và nhà mạng di động đưa ra một “biểu giá xã hội” chi phí thấp để giúp các gia đình khó khăn truy cập Internet mà không gây tốn kém (mặc dù vẫn chưa có thông tin chính xác chi phí sẽ là bao nhiêu).

Jones nói trong bài phát biểu giới thiệu dự luật: “Ước tính có tới 2 triệu trẻ em ở nước ta không có khả năng truy cập Internet mà chúng cần để học ở nhà. Và trong khi các giải pháp tạm thời được hoan nghênh và đóng vai trò quan trọng trong thời gian phong tỏa, việc tăng dữ liệu di động và quyền truy cập miễn phí vào một số trang web giáo dục nhất định sẽ không phải là giải pháp lâu dài mà chúng ta cần để giải quyết tình trạng nghèo đói kỹ thuật số ở đất nước chúng ta.”

Sarpong cho biết, nếu Vương quốc Anh muốn có bằng chứng cho thấy một ý tưởng như vậy có thể thực hiện được, thì nước này chỉ cần nhìn vào Ecuador, quốc gia đã áp dụng biểu giá xã hội của riêng mình vào năm 2018. Với hơn 1 triệu gia đình Ecuador sống dưới mức nghèo, 1GB dữ liệu có thể tiêu tốn tới 22% thu nhập hàng tháng của họ. Mặc dù nhiều gia đình sở hữu điện thoại di động, họ lại không thể trả thêm chi phí cho việc kết nối di động thực sự.

Cơ quan giám sát viễn thông của Ecuador đã lập ra một biểu giá xã hội gắn với hệ thống phúc lợi xã hội của đất nước, giúp giảm chi phí dữ liệu từ 10 cent/megabyte xuống 1 cent/megabyte cho khoảng 900.000 người. “Điều quan trọng là, nó đã được thực hiện ở đâu đó và đang hoạt động rất tốt,” Sarpong nói.

Dự luật của Jones nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều bên, bao gồm cả các cựu bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao của đảng Bảo thủ. “Tất cả đều đồng ý rất nhanh chóng, bởi vì tôi nghĩ rằng mọi người đều cho đó là một ý kiến hay,” Jones nói.

Nhưng Sarpong lo ngại rằng một sản phẩm kém chất lượng có thể được cung cấp cho trẻ em từ các hộ gia đình có thu nhập thấp, dẫn đến việc sân chơi này không thực sự được công bằng. Điều này đúng với cả chất lượng kết nối và thiết bị các em đang sử dụng. Đối với A4AI, có khả năng truy cập là chưa đủ – khả năng truy cập có ý nghĩa mới là điều quan trọng nhất.

“Chúng tôi cũng không muốn có khoảng cách giữa sự trải nghiệm của các em,” Sarpong nói.

Nguồn: NewAmerica

Chất lượng truy cập Internet là một vấn đề mà Jones đang thảo luận với nhóm nghị sỹ thuộc tất cả các đảng mà ông thành lập để nghiên cứu tình trạng nghèo đói dữ liệu. Gói BT Basic (dịch vụ giá rẻ của BT dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp) chỉ có tốc độ tải xuống là 10Mbps và tốc độ tải lên là 1Mbps, phù hợp cho việc duyệt Internet thông thường, và chỉ như vậy. Liên quan tới biểu giá xã hội, Jones không muốn mọi người gặp phải những rắc rối về tốc độ truy cập hay không có đủ dung lượng để kết nối.

Theo Brown, sáng kiến chung giữa chính phủ và các nhà mạng tại Vương quốc Anh nhằm tăng trợ cấp dữ liệu cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn là rất hữu ích.

Brown cũng cho biết mình đã chứng kiến một sự chênh lệch rất lớn về chất lượng truy cập. “Chúng ta có những đứa trẻ có Internet, hay nói đúng hơn là có Internet với tốc độ cực thấp – vậy nên, đúng là chúng có khả năng truy cập, nhưng lại không có cách nào để duy trì việc truy cập thường xuyên hay có kết nối Internet đáng tin cậy,” anh nói. Điều này trở thành một vấn đề lớn hơn khi có nhiều trẻ em đồng thời truy cập vào các phòng học trên Microsoft Teams.

Một vấn đề khác theo Jones là xác định những đối tượng đủ điều kiện để hưởng biểu giá xã hội. Lý tưởng nhất, Jones muốn đây là một biểu giá mở cho tất cả mọi người cùng hưởng, nhưng đến cuối cùng, ông cho rằng lựa chọn tốt nhất là gắn tính đủ điều kiện với những bữa ăn miễn phí ở trường. Ông cũng quyết tâm giảm số lượng các điều kiện mà mọi người cần đáp ứng để được xác nhận, điều mà ông mô tả hiện đang là một quy trình quan liêu và phức tạp.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Vương quốc Anh cũng ủng hộ phong trào này và đang hợp tác với Jones để xây dựng biểu giá xã hội và giải quyết các vấn đề về truy cập. Trong một cuộc phỏng vấn, Mat Sears, Giám đốc các vấn đề về doanh nghiệp của BT cho biết công ty “hoàn toàn ủng hộ” và công nhận tầm quan trọng của sáng kiến này với các gia đình có thu nhập thấp. Hiện tại, BT đang làm mới gói BT Basic của mình để cải thiện tốc độ, có thể tăng lên tới 4 lần, theo lời Sears.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những người thậm chí không thể chi trả theo biểu giá xã hội, và tổ chức Good Things Foundation của Milner đang nỗ lực tìm những giải pháp hoàn toàn miễn phí cho những người có thu nhập rất thấp như vậy. Tổ chức này đã lập một phòng nghiên cứu nghèo đói dữ liệu, với hy vọng trò chuyện với những người không thể chi trả để tiếp cận Internet và xây dựng các giải pháp cho họ. Một ví dụ mà Milner đưa ra là người dân ở Australia đang quyên góp phần dữ liệu mà họ không sử dụng đến vào cuối mỗi tháng.

Cung cấp dữ liệu còn thừa cho một tổ chức từ thiện để phân phối chúng đến những trẻ em có nhu cầu “thực sự giống như một giải pháp hoàn hảo,” bà nói.

Phía sau đại dịch

Trẻ em ở Vương quốc Anh cuối cùng cũng bắt đầu trở lại trường học hồi cuối tuần trước, sau khi quốc gia này mở cửa trở lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự nghèo đói dữ liệu, hay nói rộng hơn là sự nghèo đói ở trẻ em tại Vương quốc Anh sẽ đột nhiên biến mất.

Nó cũng không thể lập tức chìm xuống trong chương trình nghị sự chính trị, nhờ dự luật của Jones cùng sự nỗ lực của nhóm quốc hội các đảng, nhưng những người ủng hộ cũng hy vọng rằng nó sẽ luôn là ưu tiên lâu dài của chính phủ.

“Lý do chúng tôi cần một giải pháp dài hạn cho vấn đề này là vì học trực tuyến sẽ không chỉ là một giải pháp tạm thời, nhất là với lượng kiến thức mà trẻ em phải bắt kịp,” ông nói.

Ông nói thêm, từ quan điểm rộng hơn, việc số hóa các dịch vụ công thực sự cần phải đi kèm với nghĩa vụ dịch vụ phổ quát để tránh việc người dân bị bỏ lại phía sau. Nghĩa vụ dịch vụ phổ quát đó đã tồn tại khi nói tới băng thông rộng, nhưng chính phủ vẫn chưa mở rộng nó tới truy cập Internet trên di động.

Chuyển các dịch vụ công lên trực tuyến là một xu hướng nổi bật trong năm qua và đặc biệt đáng chú ý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Milner cũng lo lắng rằng xu hướng này có thể khiến những người vốn đã không được tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số bị bỏ lại xa hơn nếu họ không được cung cấp bất kỳ giải pháp nào để tiếp cận các dịch vụ đó – một điều mà bà tin là sẽ “không hợp lý về mặt kinh tế.”

“Những dịch vụ kỹ thuật số đó đã được đầu tư,” bà nói. “Giúp mọi người có khả năng tiếp cận tốt hơn và các kỹ năng tốt hơn sẽ là điều tốt cho sự thịnh vượng.”

Có bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng việc xóa bỏ nghèo đói kỹ thuật số tại Vương quốc Anh sẽ tác động tích cực tới tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Một báo cáo năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh đã kết luận rằng giá trị ròng của việc đầu tư vào xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số đối với nền kinh tế Vương quốc Anh tính tới năm 2028 sẽ là 21.9 tỷ Bảng (khoảng 30.5 tỷ USD).

Trẻ em ở Vương quốc Anh cuối cùng cũng bắt đầu trở lại trường học hồi cuối tuần trước. (Nguồn: Sky)

Milner nói rằng đây là thời điểm tốt để chính phủ, cùng với các doanh nghiệp, đặt mục tiêu xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số tại Vương quốc Anh trong 5 năm tới. Để đạt được mục tiêu đó, cần một chiến lược phối hợp và tư duy dài hạn về vấn đề ít được chú ý trong năm vừa qua, khi các nhà chính trị còn bận bịu giải quyết đại dịch.

Đứng trước một tương lai ngày càng mang tính kỹ thuật số, chính phủ Vương quốc Anh sẽ phải chấp nhận những thay đổi về cách thức làm việc và học tập mà đại dịch đã gây ra, cũng như sẽ phải điều chỉnh lại tư duy của mình theo đó nếu muốn đạt được mục tiêu đã nêu là “nâng cấp”, để các cá nhân và thậm chí là cả các khu vực địa lý không bị bỏ lại phía sau.

Các bằng chứng cho thấy rằng việc không bảo đảm kết nối tại các khu vực như vậy có thể dẫn đến sự thất bại trong tương lai, theo Mathew Lawrence, nhà sáng lập kiêm giám đốc của viện nghiên cứu Common Wealth. “Có sự chênh lệch thực sự rõ rệt về mối tương quan giàu nghèo tại một khu vực khi xét về việc ai có khả năng tiếp cận Internet chất lượng và đáng tin cậy,” ông nói.

Nhưng giữa những người đang phấn đấu vì mục tiêu đó, có một sự lạc quan rằng khoảng cách kỹ thuật số không phải là một vấn đề khó nhằn với Vương quốc Anh. Họ biết cách giải quyết nó, và với sự sẵn sàng cũng như cam kết đúng đắn từ giới chính trị và giới kinh doanh, họ cảm thấy rằng họ sẽ làm được điều đó. Nhiều giải pháp sẽ không làm tăng chi phí, và bất kỳ khoản tiền nào được bỏ ra dường như cũng mang lại lợi tức đầu tư hấp dẫn (15 bảng cho mỗi 1 bảng chi ra, hoặc khoảng 21 bảng cho mỗi 1.40 bảng được chi, theo báo cáo của CEBR).

Milner ca ngợi sự sẵn sàng của chính phủ và các nhà mạng trong việc cung cấp dữ liệu và thiết bị miễn phí để giải quyết cuộc khủng hoảng khi nó xảy ra, nhưng bà cũng bày tỏ sự lo ngại về việc liệu như vậy là đủ để tạo ra sự thay đổi lâu dài. “Đến mùa hè, những đứa trẻ đó vẫn sẽ sống trong những gia đình có thu nhập thấp. Chúng sẽ có máy tính bảng hoặc máy tính xách tay để làm bài tập ở trường, nhưng thực tế chúng sẽ không có kết nối Internet với giá phải chăng,” bà nhận định.

Bất chấp những thách thức, Michelle vẫn thấy may mắn vì con gái mình vẫn vui vẻ, yêu thích việc học, hoàn thành bài tập mà không gặp bất kỳ rắc rối nào và không cảm thấy bản thân bị tụt lại phía sau – mối lo lớn nhất của Michelle.

Khi gia đình bị cắt Internet, Michelle đã giao bài tập cho con gái dựa trên tiến độ học trên lớp. Và họ đã mua các bộ phim tài liệu từ các cửa hàng từ thiện cũng như tải các podcast xuống cho con gái nghe trong khi Michelle đi làm.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều áp lực cá nhân đến từ sự lo lắng cho việc học hành của con cái. “Về mặt cảm xúc, tôi cảm thấy như mình đang thất bại,” Michelle nói. “Tôi phải làm việc để chu cấp cho gia đình, tôi phải giúp con gái qua điện thoại khi con bé không biết làm bài, hay vào buổi tối khi tôi về nhà… Mỗi lần nhìn con, tôi đều muốn khóc. Tôi muốn con tôi được an toàn, nhưng tôi cũng muốn nó có một cơ hội trong tương lai.”

video

Tác giả: VietnamPlus

11/03/2021, 14:49