Trong một cuộc họp cuối tuần qua với Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã xin lỗi lãnh đạo UBND TP. Lời xin lỗi của vị trưởng ngành đối với địa phương đưa ra, như ông nói, do kết luận thanh tra của bộ này xung quanh việc quản lý lòng đường, trong đó có kết luận thất thoát 20 tỷ đồng/năm của Hà Nội là “chưa có bàn thảo thống nhất với Sở GTVT Hà Nội”. Cùng lời xin lỗi, ông hứa “sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc”.
|
Ông Đinh La Thăng – người từng có nhiều lời xin lỗi nhất trong các bộ trưởng ở Chính phủ khóa 2011-2016. Ảnh: Minh Thăng |
Trên diễn đàn mạng, có nhiều độc giả đánh giá tích cực hành động xin lỗi của Bộ trưởng GTVT nhưng cũng có những ý kiến hoài nghi. Bởi lẽ, lời xin lỗi được Bộ trưởng đưa ra nhưng chưa có giải thích rõ ràng liệu có sai sót nào trong kết luận của thanh tra (Bộ GTVT), phần nào gây khó hiểu về nội tình của vụ việc, khiến dư luận chưa cảm thấy thuyết phục.
Ông Đinh La Thăng là người từng có nhiều lời xin lỗi nhất trong các bộ trưởng ở Chính phủ khóa 2011-2016.
Ngày 3/4/2012, Bộ trưởng Thăng đưa ra lời xin lỗi người đi ô tô: “Tôi hoàn toàn chia sẻ và thành thật xin lỗi những người đi ô tô, tôi không nói đi ô tô là giàu, nhưng đỡ nghèo hơn những người không đi ô tô”.
Cũng trong tháng 4, ngày 24, ông nói lời xin lỗi người dân tại phiên điều trần của Ủy ban Pháp luật Quốc hội: “Tôi thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT xin nhận lỗi trước nhân dân về tình trạng tiến độ công trình chậm, chất lượng công trình chưa đảm bảo theo yêu cầu”….
Nhưng không phải đến giờ mới có một bộ trưởng nói câu “xin lỗi”. Trước đây, trong một số kỳ họp Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc các buổi đối thoại trực tuyến…đã có thành viên Chính phủ nói lời “xin lỗi” khi có một nhiệm vụ, một công việc chưa tốt trong ngành.
Ngày 7/4/2012, tại cuộc đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường đã nhận lỗi về tình trạng quản lý, để mất “phôi” sổ đỏ khi nhận được một câu hỏi của người dân về chuyện này.
Tại một kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã xin lỗi các đại biểu Quốc hội về những nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 khi nhiều dự án luật chuẩn bị chậm, không đảm bảo tiến độ.
Còn nhớ người tiền nhiệm của ông Đinh La Thăng là Hồ Nghĩa Dũng cũng từng đưa ra lời xin lỗi rõ ràng về vụ sập cầu Cần Thơ làm chết nhiều công nhân năm 2008. Ông nói: “Đây là sự cố công trình và tai nạn lao động nghiêm trọng nhất của ngành, bất luận nguyên nhân nào. Tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, những người bị nạn và gia đình người bị nạn”.Thậm chí ông còn nói đến việc xem xét từ chức hay không, sau khi làm rõ nguyên nhân cầu sập…
Lời xin lỗi luôn được tôn trọng và đón nhận. Song, đa số người dân sẽ thông cảm, chấp nhận lời xin lỗi, thậm chí còn tín nhiệm người xin lỗi hơn nếu như qua việc xin lỗi, bộ trưởng có trách nhiệm hơn nữa trong việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của đơn vị, tổ chức trong ngành mình, thậm chí cá nhân mình nếu để triển khai công việc hiệu quả, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.
Điều người dân chờ đợi ở người đứng đầu ngành GTVT, đó không chỉ là lời xin lỗi về bản kết luận thanh tra chưa thấu đáo như đề cập trong cuộc họp với Hà Nội, mà là việc cải thiện chất lượng, tiến độ thi công các công trình như ông đã nhận lỗi.
Dư luận dường như cảm nhận một sự thận trọng “phổ biến” của những lời xin lỗi. Người ta vẫn thấy, trong nhiều lĩnh vực, còn rất nhiều yếu kém, “lỗi” của người quản lý ngành là tình trạng quá tải các bệnh viện trong ngành y tế; tình trạng nhiều bệnh dịch lan tràn gây thiệt hại cho chăn nuôi, cho sản xuất nông nghiệp trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tình trạng dạy thêm, học thêm, nội dung chương trình quá tải ở bậc tiểu học của ngành giáo dục; tình trạng thương lái người Trung Quốc thu gom hàng hóa, nhiều nơi gây rối loạn thị trường trong lĩnh vực mà bộ Công thương phải quản lý… Nhưng trong các phiên chất vấn, trả lời trước Quốc hội, cử tri về các vấn đề này, vẫn ít lời xin lỗi thực sự và chân thành được đưa ra.
Phải chăng, những lời xin lỗi đang bị cản trở bởi nỗi lo không dễ dàng thực thi đầy đủ trách nhiệm để xử lý những vấn đề đó? Mạnh dạn đưa ra lời “xin lỗi” nhưng hơn cả, để thực thi trách nhiệm đầy đủ nhằm giải quyết những yếu kém, những lỗi phải xin lỗi là điều đáng suy nghĩ hơn. Nếu làm được cả hai thì lời xin lỗi mới trở nên giá trị. Uy tín của người “xin lỗi” theo đó ngày càng được nâng cao chứ không mất đi.
Ở các nước, các bộ trưởng không ngần ngại “xin lỗi” nhân dân dù chỉ khi lỡ lời, có khi là một vụ tai nạn xảy ra trong ngành… Nhưng không dừng ở lời nói, theo sau đó là cả những hành động quyết liệt để sửa chữa khuyết điểm. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…có những cơ chế giám sát xem bộ trưởng thực hiện sửa chữa sai lầm đó đến đâu.
Theo Vietnamnet