Khi bà xã mang bầu

Thế là bạn hoàn toàn chủ động! Sự nghiệp đã… hòm hòm. Một công ăn việc làm tuy chưa thật sự ưng ý nhưng cũng chẳng có gì đáng phàn nàn. Số tiền tích lũy tàm tạm để lo cho đứa con tương lai.

Mọi sự chuẩn bị về tinh thần và vật chất đã sẵn sàng. Ông bà nội ngoại còn khỏe, có thể… tận dụng ít nhiều. Và bạn vui mừng khôn xiết khi bà xã e ấp báo tin: đã có bầu!

Là con trai? Rất tuyệt vời. Nó sẽ là một “phiên bản” được nâng cấp của bạn. Là con gái? Cũng tuyệt vời không kém. Các cụ chẳng bảo “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” đấy ư? Tất nhiên thời buổi này chẳng ai cần “ruộng sâu trâu nái” nữa mà là một cái gì đó tương tự, bảo đảm hạnh phúc trong gia đình.

Thế là từ ngày bà xã “dính” bầu, trong câu chuyện giữa hai vợ chồng thêm tiết mục mới, những bình luận về đứa con tương lai, từ sự ngọ ngoạy của nó trong bụng mẹ đến những cái đạp chân cứ mạnh dần lên.

Bạn tự cảm thấy mình có trách nhiệm hơn, lo toan hơn, đỡ “lêu lổng” hơn. Những buổi tan sở, bù khú với bạn bè ít dần đi. Bạn đã tìm đến bác sĩ, xin tư vấn một “chế độ chăm sóc vợ” và tự mình lên một kế hoạch chào đón một sinh linh săëp góp mặt trong gia đình.

Kế hoạch ấy gồm những điểm gì? Những người từng có kinh nghiệm làm cha sẽ nhắc bạn:

1. Trước hết, nếu bạn là người nghiện thuốc lá, hãy bỏ ngay lập tức không chút luyến tiếc. Bạn hút, có nghĩa là đứa trẻ trong bụng bà xã phải “hút” cùng với bạn, mà các nhà khoa học gọi là “hút thụ động”. Hút thụ động nguy hiểm hơn bản thân người hút vì khói chỉ có “vào” mà không có “ra”.

Hãy nhớ: Những chất độc trong khói thuốc cứ “vơ vẩn” trong khoảng không gian suốt 2 tiếng đồng hồ, kể cả lúc không cảm thấy một chút mùi nào nữa. Nó vô cùng gây hại cho đứa trẻ. Theo số liệu thống kê, tử vong của trẻ sơ sinh có liên quan đến hút thuốc thụ động là 18,5% – một tỷ lệ không hề nhỏ. Luật pháp đã cấm hút thuốc nơi công cộng, chẳng lẽ trong gia đình sắp xuất hiện một thiên thần nhỏ lại được phép hay sao?

Bỏ thuốc là không phải quá khó, có điều cần một chút nghị lực, một chút quyết tâm. Chắc chắn động cơ “lớn” và chính đáng “vì tương lai con em chúng ta” sẽ giúp bạn vượt qua được những phút “mềm lòng” vì nỗi nhớ nhung làn khói đầy quyến rũ và quen thuộc ấy.

2. Luôn luôn nhắc nhở bà xã khám thai định kỳ theo sự phát triển của thai nhi. Đã xác định dù hoàng tử hay công chúa cũng đều tuyệt vời thì đi siêu âm giới tính làm gì cho mất thì giờ. Để dành một sự ngạc nhiên đến sững sờ khi cậu bé (hoặc cô bé) oe oe chào bố mẹ chẳng thú vị hơn ư? Ghi vào lịch để nhắc nhở (và tốt nhất là bạn tự đưa) bà xã đi tiêm văc-xin phòng uốn ván vào 3 tháng cuối của thai kỳ.

3. Hãy quan tâm đến việc ăn uống của bà xã. Lưu ý đừng để bữa cơm gia đình thiếu chất. Nếu có thể, bạn tìm hiểu thêm giá trị dinh dưỡng của chất đạm, chất béo, chất đường bột, chất xơ, rồi vi chất nữa… Thêm chút kiến thức về Dinh dưỡng học thì càng tốt.

Dù bạn có thích các thức ăn sống như nem chua, nem chạo, nem tai chẳng hạn, hoặc các thứ gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu… thì cũng nên “bóp mồm bóp miệng” vì có thể đánh thức tâm hồn ăn uống, khiến bà xã “lên cơn thèm” ăn theo bạn.

Những thức ăn có tính kích thích hoặc gây bệnh đường ruột có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Bảo bà xã là tay “nghiền” cà phê thì con sẽ đen thui chỉ là sự liên tưởng ngớ ngẩn, nhưng dù sao cũng nên khuyên can. Các chất kích thích như cà phê qua máu truyền đến thai nhi tác động đến hệ thần kinh của trẻ sau này.

4. Đỡ đần vợ những công việc nặng nhọc. Bạn thử nghĩ, một người tình thường bỗng dưng đeo thêm một chiếc balô cả chục cân (có khi còn nhiều hơn nữa) thì mệt mỏi đến thế nào. Mà cũng phải “rèn luyện” để chuẩn bị lên chức… bố nữa chứ. Các cụ ngày xưa đã có câu “trai nuôi vợ đẻ gầy mòn” để nói về sự vất vả của anh chồng khi cô vợ “nằm ổ”. Ở các nước phương Tây, người ta còn tổ chức những lớp “Dạy làm bố” cho các ông bố tương lai cơ mà!

5. Quá trình mang thai thường mệt mỏi khiến người phụ nữ lười vận động nên bị trì trệ và khó sinh. Bạn hãy khuyến khích bà xã chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng mỗi tuần 3 đến 4 lần. Những bài tập co duỗi các cơ, hít thở sâu, đều đặn. Việc tập thể dục giúp người phụ nữ mang thai tăng được khả năng chịu đựng, cải thiện được sức khỏe sau sinh, giảm căng thẳng, thư giãn và hô hấp tốt hơn, thậm chí thể dục còn điều chỉnh được ngôi thai để dễ sinh hơn.


6. Chuyện cuối cùng: trong suốt 9 tháng 10 ngày, liệu “chuyện ấy” có bị cấm vận hoàn toàn? Nhiều tôn giáo coi “yêu nhau” khi mang thai là điều cấm kỵ. Thật hoang đường nếu cho rằng chuyện gối chăn khi có bầu khiến đứa trẻ bị… hói đầu. Làm sao mà “đụng” được đến thóp của baby cơ chứ? Các nhà y học đã chứng minh quan hệ tình dục khi mang thai không có hại gì. Bào thai được bảo vệ an toàn trong nước ối.

Nếu bào thai phát triển bình thường và không có chống chỉ định nào của bác sĩ, bạn cứ yên tâm giữ mối quan hệ hữu hảo, chẳng ai cấm bạn. Có điều khi “hành sự” đôi bên cần chọn một tư thế cho thích hợp để cả hai đều đạt được khoái cảm. Thậm chí, có bác sĩ còn cho rằng khi có thai, nhu cầu được “yêu” của người phụ nữ còn tăng lên đấy.

Trạng thái cực khoái trong quan hệ tình dục còn có tác dụng “ru” thai nhi vì nó làm giải phóng một loại hóc-môn kích thích sự co bóp dạ con một cách đều đặn khiến bà xã dễ sinh hơn. Có điều vào 3 tháng cuối thai kỳ, bạn nên “nhẹ nhàng” hơn một chút. Có thể thay thế “hành động thực sự” bằng sự âu yếm, ve vuốt nhẹ nhàng đủ gây hưng phấn cho cả hai bên.

Bởi những hành động hăng hái quá vào thời kỳ nhạy cảm này có thể đưa đến sẩy thai. Đẻ non, vỡ túi nước ối, gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến bà xã và sức khỏe cô, cậu bé của bạn.

Tất nhiên cũng có những trường hợp cần cấm vận tuyệt đối ví dụ bà xã đã nhiều lần sảy thai, nhất là ở những tháng đầu của thai kỳ.

Hãy kiên nhẫn thực hiện đúng kế hoạch đã vạch ra khi bà xã mang bầu để có niềm vui của “mẹ tròn con vuông” mà bạn là chính là người đóng góp tích cực nhất.

Tuấn Hà


From the same category