Trong một bài phỏng vấn trên tạp cách đây ít lâu, ca sĩ Phạm Anh Khoa từng chia sẻ: “Lâu nay, mọi người thường thích nhìn tôi trình diễn trên sân khấu, còn việc lắng nghe tôi hát gì thì chưa. Năm qua, khi các dự án âm nhạc dở dang, tôi đã quyết tâm làm việc và ra một đĩa nhạc unplugged. Tôi muốn mọi người lắng nghe mình, mộc mạc và dễ chịu. Khi xưa tôi cứng đầu chỉ hát những gì mình thích, giờ tôi sẽ hát những gì mọi người muốn nghe.”
Còn Tùng Dương thì nói trên tạp chí TTVH & Đàn Ông số 100: “Làm cố cho khó nghe để làm gì? Làm sao chúng ta có thể trơ trẽn tự nhận mình là thành công với một lượng nhỏ khán giả mà trong đó số không nhỏ cố tỏ ra vẻ có thể hiểu được âm nhạc của mình không phải vì bản thân âm nhạc ấy, mà là vì chính họ, như một cách để làm sang. Mình cần những khán giả thực sự cảm được âm nhạc của mình, dù nó mới mẻ, nó lạ, nhưng âm nhạc ấy phải được ra đời một cách tự nhiên, không gồng, không làm quá.”
Có lẽ vì vậy mà tháng năm vừa qua album
“Nghe” của Phạm Anh Khoa ra mắt với một phong cách mới. Vẫn là Khoa nhưng khác hẳn với Phạm Anh Khoa trước đây. Lần đầu tiên, Khoa hát acoustic. Mộc mạc, chân thành và phóng khoáng. Điều quan trọng nhất là album dễ nghe hơn hẳn.
Còn với Tùng Dương, ca sĩ lứa đầu tiên của Sao Mai điểm hẹn (Phạm Anh Khoa sau Tùng Dương 2 năm) thì ghi dấu ấn của mình bằng thành công của liveshow
“Tùng Dương hát tình ca 2”. Tùng Dương 31 tuổi, ca sĩ độc lập, đã 10 năm hát và biểu diễn. Liveshow thành công vì Tùng Dương đã làm được điều mà anh nói. Khán giả đến với anh vì họ cảm được âm nhạc của anh, vì họ nghe được nó.
Trong marketing hiện đại có 4C, chữ C đầu tiên là Customer Solution, tức là đi giải quyết “what customers need and want” (thứ khách hàng muốn và cần). Kinh doanh nghệ thuật cũng vậy, những người kinh doanh nghệ thuật sẽ quay trở lại với khái niệm ban đầu “khán giả muốn và cần nghe” gì?
Cần là nhu cầu, muốn là sở thích.
Chúng ta hay phân loại các sản phẩm theo khái niệm sang và sến, nghệ thuật và thị trường để rồi phân loại khán giả theo đó mà quên đi rằng: nhu cầu thưởng ngoạn, thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người khác nhau. Quên điều đó để rồi lại ngạc nhiên khi thấy cát xê của một nhóm nhạc mà chúng ta cười chê là ngô nghê, vớ vẩn lại cao hơn những ca sĩ học hành bài bản trường lớp, được đầu tư chuyên nghiệp.
Ở một phân khúc thị trường nào đó, với một nhóm khán giả nhất định nào đó, không thể làm một phép so sánh phù hợp được. Khán giả nào, nhạc đó. Nhạc sĩ sẽ sáng tác và ca sĩ sẽ hát những bài phù hợp với nhu cầu nghe của khán giả. Bởi vì đó chính là cái mà chúng ta gọi là thị trường âm nhạc. Trong thị trường đó có sự chọn lựa và cạnh tranh. Ca sĩ, nhạc sĩ, người làm nhạc chọn lựa khán giả để làm ra những sản phẩm âm nhạc phù hợp để phục vụ. Họ cạnh tranh ngang hàng với nhau, với những người chọn cùng phân khúc thị trường chứ không chọn nhóm khán giả khác, phân khúc thị trường âm nhạc khác.
Trong quá trình lao động và sáng tạo, việc điều chỉnh sản phẩm âm nhạc của mình cho đại chúng hơn mà vẫn giữ được cái tôi nghệ thuật của mình là điều làm nên khác biệt của người làm nghệ thuật. Việc này khó. Khó không phải vì họ có làm được hay không mà là họ có muốn làm hay không.
Không có sự khôn ngoan, khéo léo hay dại khờ, bồng bột giữa những người làm nghệ thuật. Với họ, chỉ có sự lựa chọn giữa những thời điểm khác nhau, giữa nhóm khán giả này với nhóm khán giả khác, từ đó tạo ra những sản phẩm âm nhạc khác nhau. Chính những sự lựa chọn này làm cho sản phẩm âm nhạc của họ trở nên đa dạng hơn, sự trải nghiệm của họ trở nên đáng quý hơn.
Cũng đầu tháng sáu năm nay, đêm nhạc “Cầm tay mùa hè” lần thứ tư của nhạc sĩ Quốc Trung cuối cùng đã không thể tổ chức được như mong muốn. Mọi thứ đã chuẩn bị gần như chỉn chu hoàn chỉnh, cuối cùng phải tuyên bố không tổ chức vì nhiều lý do, mà lý do chính là không bán được vé.
Người ta mừng cho Tùng Dương, Phạm Anh Khoa và buồn một chút cho Quốc Trung. Buồn một chút thôi chứ không buồn nhiều. Có lẽ ngay thời điểm bắt tay vào thực hiện “Cầm tay mùa hè” cách đây bốn năm, nhạc sĩ đã biết thử nghiệm của mình sẽ nhiều rủi ro. Nhìn ở mặt tích cực, dự án đã thực hiện được ba chương trình và tạm thời ngừng lại trước lần thứ tư để có những hướng tổ chức mới. Cũng như những gì Tùng Dương, Phạm Anh Khoa gặt hái được vào thời điểm này cũng chỉ mới là thành công trước mắt.
Nhà văn người Mỹ David Foster Wallace từng nói: “Tôi không nói rằng các chương trình truyền hình tầm thường và ngớ ngẩn vì những người làm chương trình đều tầm thường, ngớ ngẩn. Các chương trình truyền hình trở nên như vậy đơn giản vì khách hàng mà nó muốn phục vụ. Người ta giống nhau ở những sở thích tầm thường, đơn giản và khác hoàn toàn ở những sở thích sang trọng, tao nhã, quý phái,… “
Nghệ thuật thì không có giới hạn, nhưng kinh doanh thì có. Với những dự án âm nhạc của mình, Tùng Dương, Phạm Anh Khoa và Quốc Trung đang “kinh doanh nghệ thuật”, và quyền quyết định thành bại không nằm trong tay họ mà trở về với khán giả.
Khán giả chính là khách hàng của người làm nghệ thuật.
Khéo léo hay khờ dại, hãy để cho khán giả mà mình chọn tự thẩm định.
Chùm bài “Dại-khôn trong nghệ thuật” của mục Giải trí, Đẹp Online gửi đến độc giả các ý kiến xoay quanh một câu chuyện cũ: có hay không sự khôn ngoan, khéo léo hay dại khờ, bồng bột của những người làm nghệ thuật?
Là câu chuyện cũ, nhưng chủ đề này dường như vẫn có những nét mới, nhất là khi nhìn vào sự thành công và thất bại của các sản phẩm thời gian gần đây.
Các bài viết:
Tổ chức: Đinh Phương Linh
Bài: Phan Hải