Khánh Ly: “Mỗi lần tôi lấy chồng là một lần ông Sơn buồn”

Hạnh phúc đến sau biết bao lần trả giá

Xin lỗi được hỏi: Bà đeo hai cái nhẫn ở trên cổ. Đó có phải là nhẫn cưới của bà với ông Nguyễn Hoàng Đoan?

– Đúng, là nhẫn cưới, hai cái nhẫn này có tám chục bạc (80USD). Cái này nữa – tháo từ tay ông ấy ra (chỉ vào chiếc nhẫn đeo ở ngón út, tay trái – PV). Đám cưới của chúng tôi hết có trăm bạc, mua hai cái nhẫn hết tám chục nữa. Từ ngày ông ấy ra đi, tôi không đeo gì ngoài hai chiếc nhẫn này.

– Bà thường chia sẻ nhiều về chồng, nhưng ít khi nhắc tới các con, xin hỏi bà: các con không ai theo nghiệp của mẹ, là do bà không muốn hay có lý do nào khác?

– Là do tôi không muốn. Tôi làm nghề này hơn 50 năm, đã trải qua những vinh – nhục, những cười, những khóc. Tôi biết mình là người may mắn nhiều quá, nhưng tôi không biết may mắn đó có tiếp tục “rơi” xuống con mình không. Nếu con gặp bất trắc mà mình thì đã qua thời của mình rồi thì làm sao đỡ được cho con. Thành ra, không có tiền để lại cho con thì tôi để lại cho con sự học. Tôi chỉ có tâm nguyện con sống tử tế là được rồi, đâu cần phải là ca sĩ làm gì.

Nhưng rõ ràng, hạnh phúc bà nhận được cũng rất nhiều đó chứ!

– Đó là hạnh phúc sau biết bao lần trả giá. Nhưng đâu phải ai cũng sẵn sàng sống trong đời để trả giá. Lúc trả giá là lúc mình mất mát và đau đớn lắm!

Danh ca Khánh Ly tại cuộc trà đàm chiều 3/1 ở Hà Nội

Vậy các con khi chứng kiến những quãng đời sóng gió của mẹ mình, đã chia sẻ với bà thế nào?

– Tụi nó không biết đâu, mà tôi cũng không để các con biết. Các con chỉ biết một mặt là mẹ của chúng đi đến đâu cũng được yêu thương. Cái đó cũng là thứ tôi hãnh diện và chia sẻ với con. Còn lúc cực nhọc, tôi không bao giờ nói, kể cả với chồng tôi cũng không nói. Cái gì mình chịu được thì chỉ chịu một mình thôi là đủ. 

Một mình tôi “cày” nhưng tôi vui vì luôn biết chồng mình, con mình thích gì, muốn gì. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt của ông ấy là tôi biết. Các con của tôi cũng vậy, không đứa nào thiếu thốn thứ gì. Bây giờ dù đã 40 tuổi, nhưng đi làm về là con có cơm sẵn để ăn. Khi đi lưu diễn, tôi vẫn làm đồ ăn sẵn, bỏ vào tủ lạnh để khi đi làm về con khỏi phải nấu nướng.

Tôi có hai con với ông chồng đầu, một con với ông thứ hai và một đứa với ông Đoan. Trong đó có hai con trai và hai con gái. Hai con gái cứng cỏi lắm. Hai anh con trai, một đứa chỉ biết vợ, còn một đứa chỉ biết con. Mình nói là vậy, nhưng thấy thế mình mừng, chứ nếu chúng lại vì vợ người ta thì mình còn chết nữa (cười). Hai con gái thì bây giờ là hai “mẹ” của tôi rồi (cười vui). Tôi quan niệm rằng, mình có con thì phải lo cho con, còn con không có bổn phận phải lo cho mình. Tại mình sinh ra con là ngoài ý muốn của chúng mà.

Được cái các con chưa bao giờ “ghen” với chồng tôi cả, lại còn rất thương ông Đoan. Vì có lẽ chúng chẳng thiếu thứ gì. Và cái gì của chúng cũng là số một cả. Tôi nghĩ cả con và chồng mình đều là người hạnh phúc.

Vậy là bà đã trải qua hai lần đổ vỡ và từng có hôn nhân với ba người đàn ông?

– Đúng!

– Cuối cùng thì những sự đứt đoạn trong những cuộc hôn nhân của mình, bà nghĩ do lỗi của ai?

– Tôi đều nghĩ là lỗi của mình. Những người chồng trước của tôi cũng đều là người tốt cả nhưng chỉ vì bổn phận mình làm không tròn thì người ta rời mình đi tìm người khác thôi. Ông Đoan là người tôi sống chung lâu nhất, hơn 40 năm. Tôi không trách ai, tôi luôn nhìn lại mình và tự hỏi mình đã làm tròn bổn phận chưa.

– Có bao giờ bà gặp lại những người đàn ông cũ – và mối quan hệ đó bà gọi là gì?

“Trong gia đình của mình, đối với chồng – tôi chưa bao giờ là Khánh Ly cả, chỉ là một bà Mai (tên thật của nữ danh ca – PV) đầu tắt mặt tối vậy thôi”.
– Có gặp chứ. Những người đàn ông của tôi cũng biết nhau, nhưng không là bạn. Họ gặp nhau khi cùng đến dự đám tang mẹ tôi, gặp thì tôi giới thiệu. Mà với ông Đoan, chúng tôi sống với nhau, bồ cũ của nhau chúng tôi cũng đều biết hết. Mỗi lần ông Đoan nói chuyện với mấy bạn gái cũ, tôi đi ra ngoài vườn để ông ấy tự do. Khi về Việt Nam, tôi hay nhắc ông ấy: “Thôi đi ăn riêng đi”, vì tôi nghĩ có những điều họ muốn nói với nhau, có mình có khi họ ngại. Ông ấy cũng có ba người vợ, ba cô con gái riêng trước khi đến với tôi.

– Như vậy cả hai đều trải qua những đổ vỡ và đi đến với mối nhân duyên thứ ba thì được bền lâu. Bà có bao giờ lý giải tại sao?

– Mình phải hi sinh nhiều lắm. Nếu bạn lấy phải một người chồng “cao” quá thì bạn phải cao bằng họ. Nếu bạn không thể “cao” bằng họ thì bạn phải kéo họ xuống thấp bằng mình. Còn nếu lấy ông chồng “thấp” quá, bạn phải kéo ông ấy lên, không kéo được thì bạn phải ngồi xuống. Có như vậy hai người mới ở với nhau được. Không thể nào để cái tôi của mình ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng.

Theo tôi, con gái thì không nên lấy chồng”

– Bà thấu mọi điều trong đời sống vợ chồng, vậy mà vẫn có lúc nghĩ mình chưa tròn bổn phận. Vì sao vậy?

– Là vì có những ông chồng đôi khi họ không cần những bổn phận của mình. Hoặc là họ cần nhưng vẫn cần thêm bên cạnh những thứ khác. Chẳng hạn, ra ngoài đường phải đẹp, phải diện, đến đâu đó phải khéo léo… Mà làm sao thực hiện được hết mọi ý muốn ấy. Phải có một tí thiếu sót nào đó chứ.

Không như mẹ, các con của tôi bây giờ ổn lắm. Hai con gái của tôi đều không lấy chồng. Một đứa về ở với mẹ. Mà tôi thấy may là nó không lấy chồng.

– Thật ngạc nhiên, tại sao bà lại cho rằng việc con gái không lấy chồng là may mắn!?

– Theo tôi, con gái thì không nên lấy chồng. Mà không đẻ lại càng tốt. Tình yêu và hạnh phúc chỉ có lúc đầu thôi bạn ạ. Nhưng để có hạnh phúc đó bạn phải trả một cái giá quá đắt để đổi lấy một tình yêu quá ngắn.

Tôi hay nói với con: cứ sống thoải mái đi, cứ làm những gì mình muốn đi.

– Dù “tình yêu quá ngắn” nhưng bà đã sống và vẻ như đã hạnh phúc với người chồng thứ ba đến hơn 40 năm đó thôi!

– Bởi vậy tôi mới nói phải hi sinh ghê gớm lắm. Nếu bạn không hi sinh, sẽ chẳng thể ở với ai được cả.

– Điều này bà nhận ra từ lúc nào trong quãng đời của mình?

– Sau cuộc đổ vỡ thứ hai, tôi nhận ra mình đã sai. Lúc ấy tôi hiểu ra, “Ly chén” cũng không ăn thua gì cả, mình phải là người đàn bà trước hết đã, người đàn bà đúng nghĩa với người đàn ông bên cạnh đang cần.

Tôi làm ra tiền nhưng tôi không làm ra tình. Người đàn ông họ cần nhiều thứ lắm, chỉ cần một thứ mình không làm được cho họ là mình mất họ rồi. Dù mình mất họ vì lòng tự trọng hoặc lòng tự ái của mình bị tổn thương. Lúc chia tay với hai người trước, đều là do mình tự ái quá. Vì bạn có thể chia sẻ mọi thứ trong cuộc đời, nhưng tình yêu là thứ không thể “chia” được. Mặc dù đôi khi mình biết rõ, người đàn ông của mình chỉ chơi bời thôi, không có nghĩa họ bỏ gia đình, bỏ mình. Nhưng chính lúc đó tôi nhận ra phải bỏ thôi, nếu không mình sẽ đẩy cả hai vào địa ngục. Tôi không lựa chọn sống tiếp, dù tôi đau lắm.

Khi nhận ra sự đổ vỡ đều do lỗi của mình thì lúc sống với ông Đoan tôi toàn tâm, toàn ý. Mặc dù tôi biết là cũng không đủ đâu, nhưng sức mình đến đâu mình làm đến đó. Vả lại, ông Đoan không hư hỏng, ông Đoan không có “gái”. Nếu ông ấy có “gái” thì tôi làm thế nào được, chẳng lẽ bỏ nữa à.

Mà thêm một người đàn ông là một cái nhục đó chứ không phải là điều hãnh diện đâu. Nhưng mà đời sống mà, mình vẫn cứ muốn lúc mình già đi mình có một bờ vai.

– Trong những lần chứng kiến sự đổ vỡ hôn nhân của bà, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường chia sẻ với bà thế nào?


“Thế giới càng văn mình bao nhiêu càng hủy diệt tình yêu bấy nhiêu” – Khánh Ly
– Ông Sơn im lặng thôi. Nhưng tôi biết mỗi lần tôi lấy chồng là một lần ông ấy buồn. Tại vì ông ấy nghĩ những người đó không xứng đáng. Khi tôi sống với ông Đoan, ông Sơn cũng buồn. Nhưng mà sau cùng, ông có gặp và nói với ông Đoan, rằng ông ấy chỉ nghe về ông Đoan qua những người khác, nhưng thời gian qua đi, ông Sơn nhận ra, không ai “chịu” được tôi ngoài ông Đoan. 

Lúc đầu thực tình ông Đoan sợ khi nghe về tôi lắm, nào là hút sách, cờ bạc… nhưng ở với nhau ông ấy mới thấy… Mà cũng chẳng phải tự nhiên tôi được chồng lo cho như vậy đâu, mình cũng phải như thế nào chứ. Tại vì đối với tôi, chồng và con là thượng đế, nên đến giờ tôi vẫn tin rằng, ông Đoan có sống dậy, đốt đuốc đi tìm cũng không thể thấy một người như tôi được (cười).

– Cuối cùng, sự nhẫn nại hay tình yêu là “bùa chú” trong những cuộc hôn nhân, thưa bà?

– Sự nhẫn nại. Tôi thấy, sau này đàn bà mới hư. Thế giới càng văn mình bao nhiêu càng hủy diệt tình yêu bấy nhiêu.

– Bà có bao giờ cho rằng, sự trả giá cho hai cuộc hôn nhân trước của chồng mình cũng là thứ giúp ông Đoan trân trọng cuộc sống hôn nhân với bà hơn?!

– Tôi nghĩ là có. Đó có thể là thứ tạo ra nguyên nhân ông ấy chịu ở yên bên tôi lâu như vậy.

“Nếu khi nào được chết, thì hãy chết cho yên!”

– Là đàn bà đã khổ, nhưng là đàn bà lãng mạn như những người đàn bà hát thì nỗi khổ đau, sự thiệt thòi nhiều hơn người khác ra sao?

– Tôi không biết những người khác sao, nhưng tôi thấy mình là người rất lãng mạn, nhưng cũng là người rất ngăn nắp trong chuyện vợ chồng. Khi có ông Đoan bên cạnh, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nhìn thấy thêm một người đàn ông nào trong mắt mình. Tôi nhìn quanh, chưa thấy người đàn ông nào hơn chồng mình cả.

Khánh Ly và người chồng thứ ba, ông Hoàng Đoan

– Làm thế nào để bà giữ được cảm xúc đó trong suốt hơn 40 năm?

– Ừ, chẳng biết. Nhưng mỗi ngày thức dậy mở mắt ra, ý nghĩ đầu tiên trong tôi là nghĩ về chồng mình. Đêm đi ngủ cũng vẫn là hình ảnh ấy. Tôi không hiểu. Mà chúng tôi chưa bao giờ nói yêu nhau đâu. Mà có khi lời nói cũng chỉ là lời nói, nó làm thỏa mãn người ta trong chốc lát nhưng chưa chắc được lâu dài. Sự ứng xử với nhau hàng ngày quan trọng hơn, đặc biệt là khi nghèo. Chúng tôi có những lúc nghèo lắm, tiền mướn nhà có 250 đô la mà không có, có lúc tiền mua chiếc bếp mới cũng không có nốt. Nhưng từ những thiếu thốn, mất mát và khổ sở đó, vợ chồng nương nhau, an ủi nhau mà sống qua.

– Đến bây giờ nỗi lo hay mong muốn còn lại trong bà, là gì?

– Không biết còn bao nhiêu ngày tháng mình làm được những công việc như thế này, theo như chồng tôi muốn. Tôi chỉ nhắc mình có bao nhiêu cho bấy nhiêu, quỹ thời gian mình còn bao nhiêu, làm bấy nhiêu. Tôi về Việt Nam không đơn thuần là hát, còn những công việc khác quan trọng hơn nhiều lắm.

Còn mong muốn duy nhất bây giờ của tôi chỉ là, nếu khi nào được chết, thì hãy chết cho yên!

– Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Ngày 10/1/2016 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, liveshow “Cúi xuống thật gần” của danh ca Khánh Ly được tổ chức. Một phần tiền bán vé trong đêm nhạc này sẽ được Khánh Ly dành để chia sẻ với những cuộc đời bất hạnh. Khánh Ly luôn cho rằng, mình chẳng là gì cả, nhưng bà vẫn muốn san sẻ những may mắn cho mọi người, và điều này bà sẽ làm cho đến khi ngừng thở. Đây cũng là ước mong của chồng bà lúc sinh thời.


Danh ca Khánh Ly đang trò chuyện với Nguyên Thứ trưởng, Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Nguyễn Phú Bình

Chiều 3/1/2016 khi đến Hà Nội, danh ca đã có cuộc trà đàm với đông đảo người hâm mộ. Đây cũng là cuộc gặp gỡ thân mật có nhiều văn trí sĩ, tri thức Hà Thành nhất, kể từ khi Khánh Ly về nước hát. Ngoài những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Chu Lai, Trương Ngọc Ninh, Thụy Kha, cuộc trà đàm còn có sự xuất hiện của Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – ông Nguyễn Phú Bình.

Bài: Thục Khôi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

logo 


From the same category