Khánh Linh: Tôi sống phong lưu - Tạp chí Đẹp

Khánh Linh: Tôi sống phong lưu

Sao
–  Đầu năm nay, báo chí đưa tin chị đã chuyển hẳn vào Sài Gòn, quyết tâm “làm lại tất cả ở tuổi 30”. Nhiều người thường dựa vào sự thay đổi của môi trường bên ngoài để tìm sự thay đổi của bản thân, trong khi sự thực, thay đổi từ nội tại mới là quan trọng. Hóa ra chị cũng cần một môi trường mới để thay đổi chính mình…

Nghề ca sĩ, nói là tự do nhưng thực chất rất lệ thuộc vào những người cùng cộng tác với mình. Ở Hà Nội, 4 năm qua tôi không ra được album nào, 7 năm không có bài “hit” nào. Không phải là tôi không cố gắng, tìm bài mới, tìm những người cộng tác. Nhưng rồi mọi người cứ bận, mọi thứ xa dần với tôi. Cũng bởi kiểu làm việc của tôi quá “lịch sự”, không lăn xả vào showbiz…

Tôi mới có mấy tháng sống và làm việc ở Sài Gòn nhưng đã cảm nhận được nhiều thứ khác, từ khí hậu, còn người đến cách làm việc, quan hệ và ứng xử ở đây. Dù chưa có nhiều người thân trong nghề ở Sài Gòn nhưng tôi thấy mọi người ở đây dễ thân thiện, cách làm việc thẳng thắn, có thể hợp tác với nhiều ê kíp làm việc khác nhau mà không sợ mất lòng, ban nhạc tập đúng giờ và nghiêm túc… Đúng là một mảnh đất ôn hòa và luôn sẵn sàng đón nhận những cái từ nơi khác. Tất nhiên ở đây cũng có một vấn đề là sự đào thải sẽ nhanh hơn, lúc nào người ta cũng đòi hỏi cái mới, không chỉ là âm nhạc. Điều ấy tốt với tôi lúc này, nó buộc tôi phải làm việc nhiều hơn.

Ở Hà Nội hay Sài Gòn lúc này tôi vẫn một mình thôi, nhưng ở Hà Nội, thú thật, tôi không có ý chí để làm việc. Và tôi cũng muốn kéo anh Châu (nhạc sĩ Ngọc Châu-PV) làm cùng để anh ấy “thức dậy”. Tôi thấy anh Châu đã bắt đầu muốn làm nghề.

– Những gạch đầu dòng công việc trong năm nay của chị?

Trong năm nay tôi sẽ cố gắng hoàn thành một album single gồm 4 bài, trong đó có một MV, hiện làm sắp xong rồi. Và sẽ làm một album 10 bài với nhạc sĩ Dương Cầm.

– Đúng là môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến con người ta. Nhưng tôi lại nghĩ tính cách mới thật sự quyết định sự thành công của một người. Cùng lứa, cùng thời điểm xuất phát và là bạn thân của nhau, nhưng xem ra con đường của Tùng Dương, Ngọc Khuê  và Khánh Linh rất khác nhau, thậm chí, theo những hướng ngược nhau : Dương tiếp tục bứt phá trên con đường riêng của cậu ấy, Khuê tập trung cho gia đình và công việc giảng dạy, còn Khánh Linh giờ vẫn… không rõ là thế nào?

Vâng, điều đó hoàn toàn đúng. Tôi xuất phát ở độ tuổi còn quá trẻ, lại được gia đình bao bọc nhiều quá, nên ngại va chạm. Tính cách của tôi như vậy rồi (cũng là phong cách sống của mọi người trong gia đình) nên sự nghiệp cũng khó đến nơi đến chốn. Một thời gian dài chính tôi cũng cảm thấy chán mình do cứ bị đóng khung với hình ảnh ngoan, hiền lành. Hai người bạn thân của tôi, Tùng Dương và Ngọc Khuê cá tính đều mạnh, rõ ràng. Dương quyết liệt đi đến cùng trên con đường của bạn ấy. Khuê mở một trung tâm dạy nhạc cho trẻ con đúng như những gì bạn ấy thích. Tuy cùng “quái”, nhưng rõ ràng Dương có nhiều tác phẩm hơn, còn Khuê không có nhiều bài đúng với phong cách của mình.

Còn tôi, dường như mọi người thấy không có gì rõ ràng cả. Tôi tự thấy mình không có nhiều ham hố phải thành một cái gì, cũng không có sự mạnh mẽ về cá tính trong nghệ thuật. Đó là khuyết thiếu của tôi mà có lẽ vì thế tôi không thành công. Giọng hát cũng giống như tính cách của tôi vậy. Phần đông người nghe vẫn thích những giọng hát “rõ nét”, mạnh mẽ, thể hiện sự đau đớn tới…quằn quại; còn giọng tôi thì nhẹ bẫng.

–  Tức là chị chấp nhận sự không thành một …diva của mình và không muốn thay đổi nó?

Tôi quan niệm, làm nghệ thuật phải tuyệt đối : tài năng tuyệt đối, lao động tuyệt đối. Tôi có thể không thành công trên con đường của một ca sĩ, nhưng có thể thành công ở một vị trí khác, một người làm những dự án âm nhạc, kiểu như Music Night (chương trình ca nhạc do Khánh Linh cùng một số bạn bè tổ chức định kỳ hàng tháng, theo từng chủ đề, khởi phát từ Hà Nội, nay mở rộng địa bàn sang Tp.HCM từ khi cô quyết định “dời đô”, tại những không gian nho nhỏ như quán cà phê, thậm chí trong nhà thờ-PV). Trước đây, khi còn học cấp 3 tôi đã tổ chức chương trình Đêm học trò ở rạp xiếc, bán vé có lãi hẳn hoi, khởi đầu cho phong trào học sinh các trường ở Hà Nội tổ chức các đêm nhạc. Càng ngày tôi càng thấy thích tổ chức các chương trình mà mọi thứ đều theo ý mình. Giá như khi hát tôi cũng làm được như thế (làm mọi thứ theo ý mình) thì hay biết bao.

 

– Cái chị gọi là “theo ý mình”, cụ thể là thế nào?

Ở chương trình ấy mọi thứ đều ngẫu hứng: tổ chức vào ngày nào mình thích, ca sĩ hát cái mà họ thích và phi lợi nhuận. Các chương trình nhìn chung muốn bán được vé đều phải có chiêu trò. Tôi biết đều ấy, nhưng lại nghĩ cuối cùng giản dị nhất vẫn là âm nhạc và các nghệ sĩ. Chiêu trò bày mãi sẽ cạn vốn, mà người bày ra thì sẽ vô cùng mệt mỏi.

– Nhưng ngẫu hứng và phi lợi nhuận thì rồi cuối cùng cũng sẽ cạn tiền và người tổ chức cũng sẽ vô cùng mệt mỏi?

Tạm thời Music Night chưa có lợi nhuận. Tôi phải kiếm tiền ở chỗ khác, thậm chí phải kiếm tiền để nuôi nó. Nhưng chương trình ngày càng có khán giả, nhất là khán giả trẻ. Sẽ tới lúc chương trình tự nuôi được nó. Làm liên hoàn 1 tháng/1 chủ đề, tôi đang chuyển dần từ kiểu làm ngẫu hứng thành một công việc nghiêm túc. Và tôi có một kế hoạch dài hơi trong 2 năm tới là cùng anh Châu dựng một vở nhạc kịch hiện đại, mơ ước sẽ diễn được liên tục trong 5 năm.

– Vào Sài Gòn, mảnh đất của thực tế, nhưng tôi thấy chị vẫn đầy tinh thần mộng mơ của một nghệ sĩ. Tôi lại tưởng được nghe thấy những mục tiêu thật cụ thể như là sẽ biến Music Night thành chương trình ăn khách, hay Khánh Linh sẽ làm mới mình với liveshow đầu tiên tại Sài Gòn chẳng hạn…

Những cái bạn nói có thể là những danh vọng rất hấp dẫn, nhưng với tôi điều ấy không phải là số một. Tôi vẫn chọn cho mình một cách sống phong lưu, không gây áp lực cho mình, không có tính chiến đấu cao.

– Nghe có vẻ không tích cực mấy nhỉ?

Với tôi, sống phong lưu mới thực là sống. Thời gian qua đi, mọi thành công rồi cũng sẽ rơi xuống, người ta vẫn sẽ phải thở để sống. Tôi rất thích một câu hỏi được viết trong một ngôi chùa Khmer : Tại sao người ta có hơi thở mà chết ? Vì họ chẳng tìm thấy cái gì làm họ thích thú khi sống cả.

– Sống phong lưu, theo quan niệm của chị là thế nào?

Với tôi, sống phong lưu là sống tử tế với bản thân mình và những người xung quanh, không tính toán, không tự gây áp lực, không quan trọng tiền nong…Nhiều tiền sẽ dễ đau đầu vì tiền, nhiều tham vọng mục tiêu sẽ nhiều áp lực. Hai năm nay tôi sống nhà thuê và cảm thấy hoàn toàn thoải mái vì điều đó. Tôi sẵn sàng mất tiền để mua lấy sự tự do và sự trưởng thành của bản thân. Và tôi cũng không bằng mọi cách để mua nhà nếu điều đó vượt qua ngưỡng khả năng. Tôi có thể sẽ thuê nhà suốt đời.

– Nhưng nếu hết tiền thì chắc là khó có thể phong lưu. Chị không lo cho con trai chị sao?

Con trai đang ở với tôi và trách nhiệm của tôi với con là kiếm tiền để nuôi dạy nó tới khi tốt nghiệp đại học. Tính cách của nó có lẽ là giống mẹ, nhưng là đàn ông nên những tính cách ấy có thể lại là lợi thế trong sự nghiệp của nó.

Tất nhiên tôi phải chuẩn bị cho mình một nghề nghiệp, một công việc kiếm đủ tiền để tiếp tục…phong lưu. Tôi vẫn yêu âm nhạc và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công việc âm nhạc của mình, biết đâu cơ hội đến…, chứ không chọn “nghề” lấy chồng đâu. Tôi đã từng chọn lấy chồng và có con vì thích có con. Giờ như vậy đủ rồi, tôi không cần thêm gia đình khác.

 

– Phụ nữ Việt Nam thường được đặt trước hai sự lựa chọn: sự nghiệp và gia đình, phần lớn họ đều nói chọn gia đình, còn chị lại khước từ nó ?Phải chăng vì dấu vết của sự đổ vỡ vẫn còn quá nặng nề.

Giữa hai cái bạn nói về sự lựa chọn ấy, tôi chọn yêu mình. Yêu mình không dễ như nhiều người tưởng đâu. Tâm lý nhiều người Việt Nam luôn mong muốn bên mình lúc nào cũng phải có một ai đó, nhưng tôi đã nghĩ đến khi bên mình không có ai, vậy thì mình phải biết yêu mình. Đó không phải là sự ích kỷ. Thực tế là như thế bạn ạ: chỉ có mình sống với mình đến cuối đời mình mà thôi. Tất nhiên cuộc sống sẽ đẹp hơn khi có gia đình hạnh phúc, có sự nghiệp thành công. Nhưng nếu không có được những điều ấy thì không vì thế mà cuộc sống không đáng để sống.

– Ngoài âm nhạc, chị còn có ham mê chụp ảnh?

Chụp ảnh với tôi chỉ là ngẫu hứng với các chuyến đi. Đúng ra là tôi ham mê đi và lưu giữ các chuyến đi ấy bằng hình ảnh và viết lại.

– Hình như chị mới phát hiện ra niềm ham mê này vài năm gần đây?

Trước đây các chuyến đi của tôi chủ yếu là đi với gia đình, đồng nghĩa với chết dí ở một resort nào đó. Sau này hàng năm cứ tháng 4 là tôi lại tự lái xe đi các tỉnh miền Trung. Rong ruổi khoảng 20 ngày như thế để tìm hiểu về cuộc sống xung quanh mình. Tôi cũng đã đi Hà Giang 4 lần rồi, mỗi lần đi vào những mùa khác nhau, khi vào vụ gặt, lúc lại vào mùa mưa lạnh, trời âm u…, cái đẹp trên đường chính là thứ hấp dẫn tôi chứ không phải cụ thể một điểm đến nào đó. Tôi nhớ con đường từ Hoàng Su Phì sang Bắc Hà, dài gần 20 cây số, rải đá cấp phối, lái xe rất mệt. Tôi gọi đó là Con đường tình yêu, bởi nó rất gập ghềnh, không cẩn thận còn trượt bánh.

Quãng đường đi với tôi là lúc để biết, để hiểu và để nghĩ nhiều về cuộc sống, về con người. Càng đi càng thấy sự biết của mình chỉ là hạt cát, và lại muốn đi nữa.

– Chị thường thích đi những nơi như thế nào?

Tôi thường không lựa chọn, đi chỗ nào cũng thấy thích. Cảm thấy mình như một tờ giấy mở, cái gì cũng muốn khám phá.B

Theo TT&VH

Thực hiện: depweb

29/06/2012, 14:44