– Việc chị chuyển vào Nam sống là một minh chứng cho việc yêu bản thân hơn chăng?
– Thật ra tôi nghĩ có thay đổi hay không còn do quan niệm của mình. Nhưng việc di chuyển là vì công việc, nó giúp tôi có thêm năng lượng để sống mạnh mẽ hơn, và yêu cuộc sống của mình hơn…
– Ly hôn, chị để con sống với bố, vậy là xa con một bước. Giờ chị định cư ở Sài Gòn, nghĩa là vời vợi xa. Tình cảm phải vun đắp, xa quá có nhạt lòng con với mẹ?
– Thật ra tôi vẫn ra Hà Nội thường, hai mẹ con luôn trò chuyện qua nhiều phương tiện, và thời gian nào ở Hà Nội dài ngày tôi sẽ ở cùng con, đưa con đi học và tối về chơi với con, dạy con học bài, chia sẻ những câu chuyện của mình. Con coi tôi như một cô bạn gái vậy.
– Nhưng trẻ em lớn lên mỗi ngày và sự thay đổi tâm tính diễn ra rất nhanh. Hẳn là mẹ sẽ khó nắm bắt sự thay đổi đó?
– Mới đây tôi có đi chơi cùng con một chuyến tham quan lần đầu tiên trong đời từ khi vào lớp 1 ở đền Gióng. Một sự trùng hợp là hai mẹ con tôi cùng đến nơi này khi học lớp 1. Đi cùng nên tôi để ý thấy con cũng khác những bạn trong lớp ở chỗ là nó hơi thu mình, như một “ông cụ non”. Tôi cố gắng nói con hãy chơi chung với các bạn đi và có lẽ con cũng nhạy cảm giống tôi nên dù rất muốn nhưng không biết cách chơi cùng thế nào. Cuối cùng tôi tìm một cách khác, đó là cho con cầm máy ảnh, cu cậu rất thích chụp hình bạn bè và lúc đó các bạn lại ùa vào chơi. Thật vui.
Điều đó khiến tôi hiểu, mình làm mẹ thì phải biết tính cách của con, lựa cách để giúp con, giống như một cái cầu nối để con có thể giao tiếp với bạn cùng lứa một cách tự nhiên như đúng độ tuổi của nó.
– Chị có nghĩ là một ngày nào đó sẽ đón con về ở cùng mình?
– Có chứ, lúc nào tôi cũng mong muốn như vậy vì con là tài sản quý báu nhất. Tôi nghĩ đã đến lúc con cần đến mình. Một lí do nữa là hai mẹ con tôi có thể ở cạnh nhau cả ngày mà không có nhu cầu gặp gỡ thêm ai cả.
– Việc đón con về ở cùng có khiến chị gặp nhiều khó khăn?
– Tất nhiên là có rồi, vì công việc của tôi di chuyển đi lại khá nhiều, ở thời điểm này công việc có những lúc rất bận nhưng có những lúc rất rảnh. Đó là một sự bất tiện nên tôi chưa đón con về ở cùng mình được. Tương lai tôi sẽ phải sắp xếp công việc của mình, có thể là một công việc nào đấy liên quan đến nghệ thuật nhưng ổn định hơn về mặt thời gian.
– Chị có sợ bố của bé phản ứng khi chị đón con về sống chung?
– Bố cháu cũng yêu con và luôn muốn được chăm con. Chúng tôi cái gì cũng có thể thỏa thuận và thảo luận được với nhau nên tôi nghĩ những khó khăn đó dần dần sẽ không còn nữa. Khi một người phải làm hết mọi thứ thì sẽ có lúc họ mệt mỏi, và mình muốn chia sẻ cùng họ sự vất vả thì tôi nghĩ không có lí do gì họ lại từ chối.
– Chị có cảm thấy có lỗi vì đã không đấu tranh để con có thể ở cạnh mình ngay sau những đổ vỡ?
– Khi hai con người cùng cô đơn, không biết bấu víu vào đâu thì tôi sẽ phải nhường cái tình cảm cho người còn lại có đủ điều kiện và thời gian chăm sóc con hơn. Bản chất tôi cũng là người không thích xung đột và không dùng phương pháp xung đột để giải quyết mọi chuyện nên vì thế chúng tôi đã thành những người bạn tốt như bây giờ.
Tôi có thể về nhà chồng đón con, chơi với con và thậm chí ngủ lại thoải mái. Nhiều người cũng nói với tôi “phải giành con về chứ…” nhưng nếu tôi cứ cố để làm bằng mọi giá thì rồi cũng bi kịch như bao nhiêu gia đình khác. Bản chất tôi cũng là một người nhạy cảm, nếu cứ phải cộng thêm những giành giật như thế thì mệt mỏi lắm, ảnh hưởng đến cả con, cả mình và cả những người xung quanh.
– Thật lòng, chị có yên tâm khi để con ở cùng bố như vậy không?
– Cũng có đôi khi không yên tâm lắm nhưng vì tôi đã cùng bố Dim đi đến một thỏa thuận ngầm là người nào trực tiếp chăm sóc con thì mình nên đặt lòng tin vào sự chăm sóc đó. Khi không đạt được mục đích hôn nhân đấy nữa thì cái còn lại cũng là tình nghĩa với nhau. Rõ ràng là sẽ không ai chăm sóc con mình tốt hơn là bố nó cả. Kể cả sau này tôi có gia đình khác hoặc có bạn trai mới thì cũng chưa chắc họ có thể yêu quý con tôi bằng bố của cháu được. Giống như những người phụ nữ khác của chồng tôi cũng sẽ không thể nào yêu thương con trai tôi như tôi được.
Mơ được hát nhạc kịch
Khánh Linh từng đoạt giải thưởng cao tại cuộc thi Sao Mai và Sao Mai Điểm hẹn, từng được báo chí ca ngợi như một chú “họa mi” bởi giọng hát cao và trong vắt. Sau biến cố gia đình, chị khá trầm lặng. Giữa năm 2012, chị chuyển vào Sài Gòn sinh sống, hiện chị là ca sĩ của Nhà hát Bông Sen, TP.HCM. Mơ ước lớn nhất của chị lúc này là sum vầy hàng ngày với cậu con trai nhỏ tên Dim và được hát trong một vở nhạc kịch! |
Bảo Nguyên (theo Mẹ yêu bé)