Kháng thể giết chết HIV bao giờ có mặt ở Việt Nam?

Nhà khoa học Việt cẩn trọng với thông tin mới

Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature Medicine thì các nhà khoa học Trường đại học KwaZulu – Natal (Cộng hòa Nam Phi) đã tìm ra cách tổng hợp một loại kháng thể có thể tấn công và giết chết HIV trong cơ thể, hiệu quả tới 88%.

Chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV

Nghiên cứu này dựa trên sự quan sát các biến đổi của lớp vỏ HIV trên những phụ nữ Nam Mỹ bị nhiễm HIV tình nguyện tham gia nghiên cứu. Dựa vào cách thức thay đổi lớp vỏ HIV vô cùng độc đáo mà chỉ có vi rút này mới có, các nhà khoa học đã tương kế tựu kế tìm ra giải pháp ngăn chặn.

Qua nghiên cứu các nhà khoa học thấy rằng điểm yếu của vi rút nằm trên chính phân tử đường vẫn được gọi là glycan, nằm ở vị trí 332.

Đây là vị trí vi rút dễ bị tổn thương và mất hoạt tính. Chỉ cần tạo ra kháng thể đánh vào điểm này là có thể thắng được sự phát triển của HIV.

Các nhà khoa học đã tình cờ tìm thấy, cứ trong 2 phụ nữ tham gia nghiên cứu thì có 1 người tổng hợp được loại kháng thể đặc biệt này. Kháng thể này thực chất là một kháng thể trung hòa vi rút, tức là giảm độc lực của vi rút và có tác dụng với rất nhiều loại HIV khác nhau.

Với những thông tin mới này, không phải ai cũng biết và cập nhật kịp thời. Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng không phải cái gì xảy ra trên thế giới ông cũng biết rõ hết.

Trước đây, nhiều thông tin đưa ra rằng đã có liều thuốc tiêu diệt được vi rút HIV. Nhưng trên thực tế, những phương pháp, loại thuốc này quả là xa vời với những người nhiễm HIV tại Việt Nam.

Còn ông Vũ Đức Việt, Trung tâm nghiên cứu HIV/AIDS, trường Đại học Y Hà Nội phân tích về lí do tại sao thông tin mới đưa ra có thể có thật nhưng để được áp dụng chữa bệnh đại trà, phổ biến lại phải đi một quãng đường rất xa.

Ông Việt nói: Đã là nghiên cứu thì phải tính đến chất lượng của nghiên cứu. Độ tin cậy của cuộc nghiên cứu đó đồng thời cần có những bằng chứng vững vàng thì mới biết được kết quả nghiên cứu đó như thế nào. Đôi lúc thông tin trên báo chỉ là những thử nghiệm.

Còn lại, để áp dụng thực tế những phát minh mới cần có hội đồng đánh giá, cần có cơ quan chức năng đánh giá cụ thể.

Nghiên cứu đó có đúng không, có khoa học hay không và thử nghiệm thực tế như thế nào? Thậm chí thuốc mới cũng cần có thời gian. Ban đầu là nhóm người sau cần mở rộng đối tượng thử nghiệm.

Với mỗi một loại thuốc cần có thời gian đánh giá. Người mắc bệnh mong muốn tìm phương thuốc tốt nhất. Nhưng họ cũng cần hiểu đúng, cần cung cấp thông tin chính xác và chính thống mới đảm bảo được khi dùng loại thuốc đó.

Mỗi loại thuốc, mỗi phương pháp trong chữa bệnh AIDS vì liên quan đến con người nên cần xét duyệt nghiên cứu hết sức cẩn thận. Đặc biệt, lại sử dụng trên những cơ thể người có sức đề kháng yếu càng phải cẩn trọng hơn.

Có nên quá hy vọng sẽ chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ?

Cuối năm 2007, hàng loạt tờ báo đưa tin về một bệnh nhân HIV/AIDS ở Trung Quốc vừa được chữa khỏi. Đó là ông Ôn Tống Thành, một nông dân ở Cát Lâm đi xét nghiệm lại đã có kết quả âm tính. Ông được nhân viên y tế thông báo nhiễm HIV năm 2001 trong lần tham gia hiến máu. Kết quả này được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Cát Lâm khẳng định lại vào 2003.

Giáo sư Vũ Mẫn, thành viên hội đồng cố vấn HIV/AIDS của Bộ Y tế Trung Quốc nghi ngờ các kết quả xét nghiệm dương tính trước đây là không đúng. Theo ông, ngay cả khi không còn HIV sau điều trị thì các kháng thể chống vi rút này vẫn còn trong cơ thể, nếu kết quả dương tính trước đó là chính xác. Các nhà khoa học nghi ngờ tính chính xác của kết quả xét nghiệm năm 2001.

Tháng 12/2011, cũng có thông tin các nhà khoa học Ural (Liên Bang Nga) sẽ chính thức sản xuất đại trà loại thuốc tiêu diệt HIV có tên Profital. Giáo sư Serguei Rodionov, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Ural, cho biết: “Loại thuốc này có chất chủ đạo là “Protein anpha”. Đây là chất mà các nhà khoa học đã biết từ lâu, đó là protein do bào thai sản sinh ra.

Nhờ tính chất đặc biệt của mình, tinh chất này phong toả các phản ứng tự miễn dịch của cơ thể và tiêu diệt các vi rút nằm ở bên trong tế bào. Qua đó, loại thuốc này sẽ giúp người nhiễm HIV ngăn chặn được sự phát triển của virus, giúp cơ thể tạo ra kháng thể giúp đối chọi lại với loại vi rút này”.

Nhưng trên thực tế, nhiều người nhiễm HIV tại Việt Nam đã lùng sục tìm kiếm loại thuốc trên mà không có.

Tháng 7/2012, các nhà nghiên cứu tại Brigham và Bệnh viện phụ nữ ở Boston (Mỹ) phát hiện thấy, sau khi được cấy ghép tủy xương, hai người đàn ông đã hết sạch vi rút HIV trong máu.

Phát hiện này rất có ý nghĩa, vì nó cho thấy khi ghép tủy xương cho các bệnh nhân HIV đồng thời vẫn thực hiện liệu pháp kháng virus, mầm bệnh đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Phát hiện được giới thiệu tại Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS diễn ra ở thủ đô của Mỹ. Câu chuyện này tương tự với những gì xảy ra với Timothy Ray Brown – người đầu tiên trên thế giới khỏi HIV.

Nhưng ở đây vẫn có sự khác biệt quan trọng. Nếu như trong trường hợp của Timothy Ray Brown, người ta sử dụng các tế bào ghép được lựa chọn đặc biệt từ người hiến, chứa một đột biến gene chống lại HIV, thì hai bệnh nhân mới này chỉ nhận được tế bào ghép thông thường. Ngoài ra, hai người đàn ông này (một ở Boston, một ở New York) vẫn tiếp tục dùng các thuốc kháng vi rút, còn Ray Brown thì không.

Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để khẳng định hai bệnh nhân này đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Theo Nguyễn Tâm

VTC News

From the same category