Bệnh nhân đợi khám bệnh tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (ảnh chụp lúc 11g ngày 17-10) – Ảnh: L.T.Hà
Nghiên cứu này được nhóm tác giả khảo sát trên 1.128 bệnh nhân (từ 16 tuổi trở lên) đến khám bệnh tại bệnh viện từ tháng 4 đến tháng 10-2011, để làm cơ sở khoa học khách quan thực hiện cải tiến quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
14 giai đoạn
Kết quả nghiên cứu cho thấy để hoàn tất quy trình khám chữa bệnh, đa số bệnh nhân phải qua 14 giai đoạn: 1- lấy số thứ tự; 2- nộp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc mua sổ khám bệnh; 3- đóng phí khám bệnh (đối với bệnh nhân khám dịch vụ hoặc BHYT trái tuyến); 4- đăng ký phòng khám tại quầy vi tính; 5- phòng khám bệnh; 6- đóng phí làm cận lâm sàng; 7- xét nghiệm; 8- chẩn đoán hình ảnh; 9- trở lại phòng khám bệnh, nhận đơn thuốc; 10- khám chuyên khoa khác; 11- duyệt toa thuốc; 12- đóng phí; 13- nhận lại thẻ BHYT; 14- lãnh thuốc hoặc mua thuốc.
100% bệnh nhân được khảo sát đều phải qua bốn giai đoạn là 1, 2, 4 và 5; gần 94% phải qua giai đoạn 13 và hơn 92% qua giai đoạn 14. Ngoài ra, còn có gần 43% bệnh nhân phải qua bảy giai đoạn, hơn 22% bệnh nhân trải qua chín giai đoạn, 17% bệnh nhân phải qua tám giai đoạn… Tổng thời gian thực tế của quy trình khám bệnh (từ bắt đầu đến kết thúc) tối thiểu mất hơn 142 phút và tối đa gần 352 phút. Giai đoạn bệnh nhân mất nhiều thời gian nhất là lấy số thứ tự, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, lãnh thuốc, đóng viện phí (phí tạm ứng, phí cận lâm sàng, đóng phí đồng chi trả BHYT). Khảo sát còn cho thấy bệnh nhân càng lớn tuổi thì thời gian khám bệnh càng dài vì đa số bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mãn tính nên thời gian khám bệnh dài hơn.
Tuy nhiên, giai đoạn 5 gồm điều dưỡng nhận sổ khám bệnh của bệnh nhân, gọi bệnh nhân vào phòng, điều dưỡng lấy dấu hiệu sinh tồn, bác sĩ khám bệnh và ghi toa thuốc vào sổ khám bệnh, điều dưỡng đánh máy toa thuốc và in toa thuốc, đưa bác sĩ ký toa thuốc, đưa bệnh nhân toa thuốc và dặn dò bệnh nhân dao động trong khoảng 3,77-22,33 phút. Nghĩa là có những bệnh nhân giai đoạn này mất chưa đến 4 phút, như vậy thời gian bệnh nhân được tiếp xúc với bác sĩ còn ngắn hơn.
Nguyên nhân dẫn đến thời gian khám bệnh của bác sĩ ít, theo các tác giả, là do tình trạng quá tải. Bệnh càng đông, thời gian khám càng ít (một bác sĩ mỗi ngày phải khám hàng trăm bệnh nhân) dẫn đến chất lượng điều trị không tăng, thậm chí sai sót có thể xảy ra nhiều hơn. Ngoài nguyên nhân quá tải, nhóm tác giả cho rằng chưa loại trừ thời gian khám tiếp xúc bác sĩ quá ngắn do bác sĩ khám qua loa dù phòng bệnh vắng, có thể do bác sĩ bận việc trong khoa, sắp phẫu thuật hoặc do thiếu nhiệt tình.
Giảm bớt các khâu chưa hợp lý
Nhóm tác giả nhận xét các giai đoạn chủ yếu của quy trình khám bệnh là 1, 2, 4, 5, 13 và 14. Vì vậy cần chú trọng tăng cường nhân sự, tăng thêm phòng khám, trang thiết bị, thêm chỗ ngồi chờ cho những giai đoạn này… Ngoài ra, có những giai đoạn nếu biết cách sắp xếp hợp lý thì có thể bỏ hẳn giai đoạn 2 và giai đoạn 13 hoặc nhập chung giai đoạn 3 vào giai đoạn 4 để giảm bớt thời gian chờ đợi, giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Thanh Chiến – giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương – cho biết nếu nhìn tổng thể thì lúc nào cũng thấy phòng khám đông đúc, nhưng không biết khâu nào mất thời gian nhiều nhất và có phù hợp không. Vì vậy, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra khâu nào chưa phù hợp để bệnh viện chấn chỉnh. Khi có kết quả nghiên cứu, bệnh viện đã thực hiện một số biện pháp cải tiến quy trình khám, chữa bệnh như phối hợp với tổng đài 1080 để bệnh nhân đăng ký khám bệnh qua điện thoại; áp dụng một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng để rút ngắn thời gian chờ lấy kết quả; tăng thêm nhân viên y tế để hạn chế ùn tắc bệnh nhân…
Theo bác sĩ Chiến, kết quả cải tiến bước đầu cho thấy số bệnh nhân thắc mắc, phàn nàn khi đi khám bệnh tại bệnh viện rất ít. Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục cải tiến quy trình, cách thức quản lý để tăng chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng chuyên môn, như ứng dụng phát số khám bệnh tự động có bảng số điện tử; mở rộng và tăng số lượng bàn khám; bảo đảm nhân viên khoa khám bệnh làm việc đúng giờ; ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc; sắp xếp các khâu lấy máu, chuyển mẫu, nhập chỉ định, chạy máy xét nghiệm… để rút ngắn tối đa thời gian trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân.