Trong ký ức của nhiều thế hệ Việt Nam, hình ảnh những hoạt động ngày tết bên gia đình khó có thể quên nhất hẳn là khi cả nhà quây quần bên nhau làm món bánh chưng hay “bày biện” mâm ngũ quả. Nhưng những vùng miền khác nhau sẽ có cách thực hiện khác nhau các bạn hãy xem qua bài viết để tránh nhầm lẫn nếu đến chơi nhà bạn bè nhé!
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết, là linh hồn của dân tộc Việt bao đời nay. Những tinh hoa của đất trời tạo nên chiếc bánh như gạo nếp, lá dong hoặc lá chuối, lạt mềm,… mang đến mùi hương thơm lừng tỏa ra hòa quyện hương lá dong, lá chuối, gạo nếp, cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt ba rọi trong chiếc bánh chưng, tất cả tạo nên một hương vị Tết đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Bạn cần chuẩn bị:
Đậu xanh, tiêu sọ để nguyên hột, gia vị, gạo nếp loại đặc biệt, thịt heo đùi, nhiều mỡ, lạt (hoặc dây nylon), lá dong (hoặc lá chuối) đã được rửa sạch, phơi cho mềm.
Các bước thực hiện:
1. Đậu xanh ngâm 1 đêm, luộc sơ, chà vỏ, giã nhỏ thành từng nắm vừa nhân 1 chiếc bánh. Thịt heo cắt miếng to luộc sơ, nêm gia vị.
2. Gạo vo để ráo. Lá chuối cắt miếng to hoặc để cả miếng nhiều lớp lên trên lạt (hoặc dây nylon). Tương tự như thế nếu dùng khuôn gói bánh.
3. Đổ một lượt nếp ở dưới, bóp đậu xanh thành nhân ở giữa, để thịt heo lên trên, sau đó lại bóp một lượt đậu xanh lên trên cùng bọc lấy thịt, cuối cùng đổ nếp bao lấy toàn bộ nhân, gói khéo không xộc xệch để bánh không bị nhân ngoài. Nếu dùng lạt, chú ý quấn nhiều vòng rồi dắt vào bánh cho thật chắc.
4. Xếp bánh vào nồi, nén chặt để bánh tạo được độ dền, chắc. Nấu bằng củi sẽ ngon hơn, liên tục châm nước ngập bánh, để lửa sôi đều khoảng 10 tiếng (nếu bánh to khoảng 1kg). Vớt bánh ra, để nguội và lại nén bánh để bánh không bị bở. Sau một ngày, bánh sẽ rất ngon.
Mách bạn:
Bánh chưng gói bằng lá dong hay lá chuối đều được, người miền bắc thích dùng lá dong vì lá mềm mại, gói trong khuôn dễ tạo dáng đẹp hơn. Khi nấu bánh sẽ dền, xanh hơn. Tuy vậy, một số người vẫn thích lá chuối, nhất là ở miền nam, mua lá dong tươi đôi khi là cả vấn đề. Ở phía bắc, đậu xanh thường chỉ ngâm cho mềm, cà vỏ. Thịt cũng là thịt sống, ướp gia vị. Riêng ở trong nam, đậu xanh sau khi ngâm sẽ được luộc chín, chà vỏ, giã nát rồi nắm thành từng nắm vừa nhân chiếc bánh. Thịt heo cũng được luộc sơ trước khi làm nhân gói. Tùy quan niệm mỗi vùng về bánh dền khác nhau mà có cách làm nhân khác nhau.
Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được biến tấu với nhiều loại quả khác nhau để thể hiện mong muốn của người dân nơi ấy. Và đối với phần lớn người Việt chúng ta, con số 5 tượng trưng cho mong muốn được ngũ phúc lâm môn, trong khi một số người dân theo Phật giáo lại cho rằng 5 màu sắc của mâm ngũ quả tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Nhưng quan niệm: Cầu, dừa, đủ, dưa, xoài, thơm được người miền nam sử dụng triệt để và thêm thắt một số trái cây có tên gọi thật hay, thật tốt. Bày một mâm to, thật đẹp với dưa hấu hai bên là được. Người miền nam cũng chỉ bày quýt mà không bày cam lên mâm trái cây vì quan niệm quýt làm cam chịu. Nhưng ở miền bắc, các loại trái cây đều có thể đưa lên hết. Ở khu vực phía nam, gần như không ai cúng chuối ngày đầu năm nhưng với người dân miền bắc đây là điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý:
Ngày mùng 1, không ai bổ dưa hấu vì cho rằng nếu dưa không đỏ, gia đình sẽ không gặp vận may trong năm. Nên phần lớn dưa hấu thường chỉ được “unbox” từ ngày mùng 2 tết trở đi.