Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu
Cùng với nữ chính
Nguyễn Thùy Anh – họ tạo nên một “bộ ba” diễn viên trẻ lần đầu bước vào một không gian điện ảnh nghệ thuật và để lại những ấn tượng khó quên với khán giả, bởi sự tươi mới và chân thành như tuổi trẻ của chính họ.
Hoàng Hà – “Tài năng đã nằm sẵn bên trong”
Nguyễn Hoàng Điệp được hai diễn viên của mình là Hoàng Hà (tóc đen) và Thanh Duy (tóc đỏ) “khiêng”
Tôi đi tìm Tùng là điệp khúc ưa thích của tôi trong khoảng thời gian từ giữa 2011 đến tận sát ngày quay.
Casting, rồi casting mở rộng, rồi casting mở rộng lần 2, cộng thêm vô số những lần casting đột xuất bởi sự tình cờ – bởi duyên nợ – bởi gì gì đó nữa… nhưng Tùng của tôi vẫn chưa xuất hiện.
Tôi né tránh câu hỏi của những người nhiệt tình giúp đỡ: Tùng trông thế nào? Bằng cách nói về cảm giác của nhân vật Tùng sẽ mang lại. Và tôi biết mình, khi bối rối là thường dùng nhiều từ ngữ rất mông lung. Trong trường hợp này tôi cũng như họ, hồi hộp muốn biết Tùng sẽ ra sao.
Những ngày cuối tháng 7/2013, tôi nhớ khi đó còn lại 4 ứng viên sau hàng trăm gương mặt “Bụi đời pha chút trẻ thơ”. Tôi mời diễn viên Như Lai làm việc với họ về diễn xuất vì 3 trong số họ là những tay ngang hoàn hảo, nghĩa là chưa bao giờ tiếp cận với kiến thức nền của diễn xuất. Còn tôi, tôi ngồi ngoài và quan sát họ đầy háo hức.
Tùng 1: Diễn viên cũ của tôi trong phim truyền hình đầu tay “Chít và Pi“. Cậu ấy thực ra thiệt nhất vì cậu ấy càng cố gắng thì tôi lại càng cảm nhận được sự xa cách giữa diễn xuất chuyên nghiệp với cái kiểu bụi phủi và ngơ ngác mà Tùng cần có.
Tùng 2: Một gương mặt ấn tượng, tình cảm và u uất, rất gầy đúng như tôi mong muốn, chưa đóng phim bao giờ nhưng khá dạn dĩ khi thể hiện những cảm xúc khó. Nhưng so với Tùng tôi tìm kiếm, cậu ấy ướt và yếu. Cảm giác về Tùng này là Tùng mà mọi sự đau khổ hoặc suy nghĩ đều nằm trên biểu cảm của gương mặt một cách rất rõ ràng.
Tùng 3: Dạn dĩ, tự nhiên cả trong diễn xuất lẫn ứng xử ngoài đời, gầy nhom như yêu cầu kịch bản, thoại tục cứ như không, gương mặt rõ ràng nét bụi phủi và du côn kiểu thanh niên cứng mới ra đời. Tùng 3 có thể diễn bất cứ đoạn nào của
“Đập cánh” một cách rất trơn tru và cũng rất khác lạ. Có nét ham muốn rõ ràng khi phải tiến gần đến cảm giác của nhục dục.
Tùng 4: luôn căng thẳng, căng cứng, thoại khá trơn nhưng luôn hàm chứa độ ngập ngừng, diễn xuất khó nắm bắt vì thường xuyên quên quên nhớ nhớ. Độ lặp trong diễn xuất cao – không nhiều sáng tạo, gương mặt lúc nào cũng hiện lên rõ nét sự lúng túng, ngay cả câu trả lời cũng như một tiếng ngân của sự ngập ngừng và chưa thấu hiểu. Nhưng bù lại, gương mặt rất rõ ấn tượng ngây thơ… tình cảm và trong sáng. Nếu Tùng bụi đời, lêu lổng, mê chọi gà, đánh lộn…Tùng 4 thật sự khó thuyết phục bất cứ ai về yêu cầu nhân vật nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài.
Cũng chính vì vậy, Tùng 4 luôn đứng bét lớp trong bảng điểm bí mật của giảng viên hướng dẫn diễn xuất Như Lai. Cũng là gương mặt mà anh Như Lai cho rằng thiếu sự phù hợp nhất.
Mãi sau này, tổ trinh thám (2 phó đạo diễn trẻ của tôi) mới báo cáo là Tùng này sợ nếu đóng tốt lại bị tôi chọn làm Tùng thì… không biết phải xin sang tổ quay bằng cách gì. Cậu ấy vốn là sinh viên quay phim của trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.
Tổ sản xuất thông báo nhược điểm nữa của Tùng 4 là sức khỏe, cậu ấy yếu, rất hay đổ bệnh, là con út nên bố mẹ cưng chiều, không chịu khó chịu khổ được đâu. Nghe chuyện đó tự nhiên tôi nghĩ đến cậu em út của mình, cũng sợ chị và cũng yếu!
Tùng 4 chính là Hoàng Hà – Người đã đảm nhiệm vai Tùng trong
“Đập cánh giữa không trung”. Khi chọn Hoàng Hà tôi biết rằng mình sẽ phải tạo ra một phiên bản Tùng khác – Tùng theo kiểu Hà. 44 ngày quay chắc là 44 ngày khổ sở với Hoàng Hà, là nam chính, các phân đoạn đều không chỉ khó về diễn xuất mà còn phức tạp về chuẩn bị, hành động và lại rất nhiều cảnh phải quay khi đang lơ lửng trên cao mà không có dây bảo hiểm.
Nắng thực của trời hè miền Bắc: gắt và bỏng rát.
Mưa giả của đoàn làm phim từ 8 vòi phun cứu hỏa liên tục xối vào thùng cẩu chơ vơ nơi Tùng sẽ mở đầu phim bằng một cảnh tháo lắp bóng đèn cao áp.
Hoàng Hà ốm ngay từ ngày đầu tiên tham gia “Đập cánh” và ốm cho đến tận ngày cuối cùng mà không rõ nguyên nhân. Và lạ một cái là những ngày không có vai, Hoàng Hà sẽ phụ giúp tổ quay hoặc tổ ánh sáng (cậu ấy là diễn viên duy nhất mà cả đoàn có thể thoải mái sai phái mắng mỏ vì… đối với mọi người cậu ấy là một sinh viên quay phim đi thực tập ở đoàn phim truyện, chỉ có điều chả may thực tập nhầm ở bộ môn diễn xuất!). Những ngày ấy, Hoàng Hà khỏe mạnh. Nhưng cứ vào vai, là cậu ấy lăn ra ốm! Ốm có giấy chứng nhận đàng hoàng!
Hoàng Hà diễn những cảnh nguy hiểm, diễn những pha mạo hiểm, diễn những cảnh tếu táo, diễn những phút riêng tư… bề ngoài thì thấy cậu ấy rụt rè và lúng túng, chữ “Vâng” luôn được ngân dài thành “Vâaaaang” sau mỗi điều đạo diễn dặn dò. Nhưng đã bắt đầu máy chạy là cậu ấy khác ngay: cuốn hút, tình cảm, trẻ thơ và khó đoán. Tôi thấy yêu đàn ông hơn qua vai Tùng mà Hoàng Hà thể hiện vì có thể cảm nhận được sự chân thành, nồng nhiệt bên cạnh những bạc nhược, dơ dáy hay thậm chí thô lỗ do nhân vật quy định.
Diễn xuất được như thế, hẳn nhiên người diễn viên phải rất nhạy cảm và thực sự có tài. Dù Hoàng Hà luôn làm tôi cảm thấy cậu ấy khiên cưỡng mà bước vào Tùng trong “Đập cánh” thì điều không thể phủ nhận rằng cậu ấy đã là một diễn viên với lối diễn xuất thuyết phục – ít nhất trong 99 phút trên phim.
Và tôi luôn nói cũng như tin rằng, diễn viên dở thì do đạo diễn nhưng diễn viên giỏi là bởi chính anh ta. Trong “Đập cánh”, Hoàng Hà là một diễn viên giỏi vì tài năng đã nằm sẵn ở bên trong.
Thanh Duy Idol – “Lờ lửng đâu đó giữa vùng hóa thân”
Hoàng Hà và Thanh Duy
Tôi thường hay hỏi Thanh Duy, em bao nhiêu tuổi? Tại vì trí nhớ tôi sau khi sinh nở 2 lần thì tự dưng lại có vấn đề với con số. Và tại vì gương mặt của Duy không liên quan đến độ dừ của tuổi thật: 28. Cậu ấy già nhất trong nhóm diễn viên teen.
Cậu ấy viết thư cho tôi băn khoăn, sao Linh cứ ở trong cậu ấy mãi – đã một năm sau khi quay mà cậu ấy vẫn không thoát ra khỏi Linh được.
Tôi gặp cậu ấy là chọn cậu ấy luôn, tuyệt đối không nghi ngờ rằng liệu có ai đó ngoài kia còn Linh hơn là Thanh Duy nữa.
Bức ảnh khiến tôi xúc động khi cậu ấy đến casting là bức ảnh cậu ấy và ứng viên cho vai Huyền trao đổi trang phục cho nhau, họ cùng ôm nhau cười và họ ở 2 đầu khuôn hình, nhìn tôi buồn bã, cơ thể chùng xuống nhưng mái tóc hồng rực lên như cố nói với tôi điều gì. Cái cảm giác buồn bã và hoang mang trong cái nhìn ấy đã khiến tôi tuyệt đối tin rằng, Linh nhất định phải là cậu ấy – một ca sĩ hát những bài ca vui chưa đủ mà còn tự sơn phết lên mình những gam màu ngọt ngào và đầy ắp vô lo.
Thanh Duy là kiểu diễn viên Sài Gòn, tôi gọi vậy không hàm ý gì cả mà chỉ vì tôi nhận ra, diễn viên Hà Nội diễn xong ít khi đòi coi lại hình. Diễn viên Sài Gòn, quay 5 đúp xin xem cả 5, quay 25 đúp cũng kiên nhẫn nì nèo phụ quay tua lại xem cho đủ. Cậu ấy lúc nào cũng thắc mắc vì sao với các diễn viên khác tôi luôn nhận xét, nhắc nhở, yêu cầu còn với cậu ấy tôi chỉ nói: OK, qua cảnh. Không có cảm xúc nào đi kèm, cậu ấy nói vậy về tôi. Tôi có lý do cho điều đó, tôi tìm điều tôi cần ở diễn xuất của diễn viên, nếu đã thấy tôi có thể reo lên, thấy rồi, đúng thế đấy. Nhưng tôi sợ, diễn viên sẽ thấy cái sự thấy của tôi và lặp đi lặp lại cách diễn ấy chỉ vì nghĩ rằng đạo diễn sẽ thích, sẽ yêu và như vậy là sẽ đúng với nhân vật. Tôi không thích diễn viên trông vào tôi để lựa chiều diễn xuất. Tôi muốn họ trông vào nhau, quan sát sự phản ứng của nhau. Tôi muốn họ lắng nghe chính họ, mở toang cửa cho nhân vật xâm nhập và lắng nghe sự thích ứng giữa mình với nhân vật mình thủ vai.
Tôi biết họ vẫn nói với nhau rằng họ sợ tôi, Hoàng Hà nhận vai vì sợ tôi buồn, chấp nhận mặc một cái áo cậu ấy không thích vì nghĩ tôi vui; Thùy Anh luôn lo lắng tôi chưa thỏa mãn với điều cô ấy cố gắng, sợ sẽ bị tôi mắng vì những chuyện nhiều khi tôi cũng chả thấy liên quan; Thanh Duy luôn thắc mắc phải làm gì để tôi nói với cậu ấy rằng tôi hài lòng… Tôi có vẻ quan trọng với họ. Nhưng thực ra, nhân vật của họ, bộ phim họ tham gia, không khí họ tạo thành đó là tất cả những gì họ nên tập trung và lo lắng. Họ nên đối thoại với nhân vật đó, nên dõi theo những phản ứng mà chỉ có họ mới thấu rõ nhất – vì nó nằm trong họ. Chứ không phải quan sát nét mặt tôi như một cô con dâu vừa xới cơm vừa liếc bà mẹ chồng khó đoán.
Tôi có thể nắn chỉnh, họ có thể hay hơn nhưng mà cũng có thể dở đi – sẽ mất đi cảm giác này và nhỡ mà… tay ngang nên thiếu kỹ năng để tự lặp lại thì tôi mất cả chì lẫn chài. Nên tôi thấy đủ là đủ, tôi đã thấy Linh rồi thì cứ để vậy đi.
Thanh Duy không biết rằng cậu ấy có tài năng diễn xuất, cậu ấy chỉ nghĩ mình hoạt bát và có khiếu. Nên cậu ấy lo sợ khi tôi cứ im lặng. Tôi im lặng vì tôi xúc động, cậu ấy đã không biết rằng trong “Đập cánh”, rất nhiều phân đoạn cậu ấy đã rời khỏi biên giới của diễn xuất để lơ lửng đâu đó giữa vùng hóa thân. Tôi tuyệt đối không muốn chạm vào, chỉ một hơi thở nhẹ thôi cũng có thể thay đổi trạng thái lơ lửng hoàn hảo này, diễn xuất hay sự hóa thân của cậu ấy không nên xuống thấp và cũng chẳng cần lên cao. Đủ là đủ. Linh đây rồi thì cứ để vậy đi.
– Thanh Duy dở nhất điều gì?
– Tôi thương Thanh Duy vì cậu ấy nhạy cảm và cậu ấy lậm vào nhân vật hoặc để nhân vật lậm vào cậu ấy quá sâu. Mọi diễn viên luôn tìm cách để nhập vai mà ít khi nào quan tâm đến kỹ thuật phân tách. Nhân vật nhập vào bạn thì phải thoát ra được chứ nếu không… lắm khi đó là điều rất nguy hiểm. Khi Thanh Duy email nói với tôi rằng một năm rồi cậu ấy vẫn không thoát ra khỏi cảm giác buồn bã mà nhân vật Linh mang lại thì tôi rất hiểu – gánh nặng đời mình giờ gánh thêm cả đời Linh, nó thật không dễ dàng gì.
– Cảnh nào của Duy đã bị cắt?
– Thanh Duy diễn xong hết các phân đoạn yêu cầu trong kịch bản. Ngày cuối tôi nói với Duy là sẽ có thêm một phân đoạn nữa.
“Nội. Gác xép nhà Linh. Đêm
Linh trần trụi ngồi dựa lưng vào vách, đèn sạc là nguồn sáng duy nhất, nước mắt khô đọng lại thành vệt trên mặt, tóc hồng rực, lông hồng rực, vết rách mà Linh tự khâu trên bắp vế – máu rỉ ra thấm ướt mấy lớp bông.
Linh bật máy cạo râu điện, tiếng rè rè khô khô, cậu bắt đầu cạo những túm lông quanh cái chim đang rũ xuống như một trái sầu đâu. Cậu cầm những sợi lông màu hồng lên và lơ đãng quan sát, chúng bông lên như một cục tơ buồn. Linh với tay tắt đèn.
Không gian tối đen.
Tiếng rè rè khô khô vang lên.
Tiếng của sắt nghiến nhay vào máu thịt.
Linh hét lên đau đớn, tiếng hét không hiểu sao lại ngân nga như một điệu hát buồn.“
Tôi đã không thể dựng cảnh này vào phim dù rất muốn.
Vì nếu có nó,
“Đập cánh” sẽ 100% là xã cánh. Sự đen tối sẽ nuốt chửng Huyền, nuốt chửng Tùng, nuốt chửng chúng ta như đã nuốt chửng Linh vào cái đêm trên gác xép.
Và quan trọng là tôi vẫn muốn ký ức về Linh là những lọn tóc hồng – lắm khi dựng ngược như gai nhím lúc xù lên tự vệ.
Chuyên đề: New Faces, New Talents 2015
Nhà soạn nhạc người Pháp thuộc trường phái lãng mạn Hecto Berlioz (1803-1868) nổi tiếng nhờ bản “Grande Messe des morts” (Khúc cầu hồn) từng nói, “sự may mắn vì có được tài năng là không đủ; anh còn phải có tài năng tìm được may mắn”.
Rõ ràng không phải tài năng nào cũng tìm được sự may mắn. Nhưng cũng có rất nhiều người, nhờ được phát hiện, được giới thiệu bởi một tài năng đã được công nhận, họ dần dần bước ra khỏi vùng bóng tối để giới thiệu tài năng của mình đến công chúng. Được phát hiện và được công nhận, đó có lẽ là sự may mắn lớn nhất đối với bất cứ một tài năng nào. Và biết đâu sau này, chính những tài năng trẻ này lại tiếp tục phát hiện và giới thiệu những tài năng mới của thế hệ tiếp theo. Nó cũng giống như hình ảnh “pay it forward” – sự tiếp nối, sự liên tài giữa các thế hệ tài năng.
Những gương mặt trong cụm chuyên đề “New Faces, New Talents 2015” có người đã khá nổi tiếng (như nhóm 365 và Ngô Kiến Huy); có người bắt đầu được chú ý (như Hoàng Hà và Thanh Duy sau bộ phim “Đập cánh giữa không trung”); và có những gương mặt còn rất mới mà rất có thể quý vị mới nghe lần đầu như nhạc sĩ hòa âm Nguyễn Thanh Bình, nghệ sĩ violon nhí Quang Tiến và chàng nhân viên ngân hàng đi đóng phim Lê Công Hoàng. Và hầu như tất cả họ đều là những tài năng được phát hiện (hoặc tái phát hiện) bởi những người thầy, những người đào tạo và hướng dẫn họ – những tên tuổi đã được “bảo chứng” như nghệ sĩ violon Bùi Công Duy; đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Quang Dũng; nhạc sĩ Anh Quân; nghệ sĩ giải trí đa năng Ngô Thanh Vân. Trong chuyên đề này, chính những người thầy, những người đồng nghiệp lớn này sẽ giới thiệu và chia sẻ về họ.
Bài cùng chuyên đề:
– Isaac và 365 – Hành trình từ cậu bé chân quên thành hoàng tử
– New Faces New Talents 2015 – Nguyễn Thanh Bình
– New Faces New Talents 2015 – Lê Công Hoàng
Text: Nguyen Hoang Diep
Photo: Tuan FR.
Stylist: Thi Thi
Make-up: Nguyet Anh